Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở Thuận Tiến

31/10/2016 14:50

Theo dõi trên

Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa mang bản sắc riêng và bản sắc ấy thể hiện ngay trong quá trình lao động sản xuất. Và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người S’tiêng nơi đây.


Bà Thị Hứng giới thiệu cách dệt thổ cẩmBà Thị Hứng giới thiệu cách dệt thổ cẩm

Tôi đến ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng. Ấp có 273 hộ nhưng có đến 226 hộ đồng bào S’tiêng. Tại đây, tìm gặp những phụ nữ biết dệt thổ cẩm không khó, song mấy ai biết để duy trì và phát triển nghề, họ đã vượt qua nhiều khó khăn, gian truân thế nào. Bà Thị Đằng (SN1955) cho biết: Trước đây, để dệt được tấm thổ cẩm đẹp, phụ nữ S’tiêng phải làm nhiều công đoạn, từ trồng bông, kéo sợi, dệt vải đến nhuộm chàm... không phải ai cũng có thể học được, làm được nhanh chóng. Muốn dệt được, người học phải nhẫn nại từng chi tiết, biết cách kết hợp đôi tay vừa nhanh vừa khéo léo; bởi chỉ sai một đường chỉ nhỏ là hỏng cả tấm vải. Trước đây, người dệt thổ cẩm phải hái bông trong rừng về se thành sợi, lấy lá rừng, vỏ cây giã nhỏ, ngâm, ủ khoảng 10-15 ngày rồi lấy nước để nhuộm sợi. Mỗi loại lá cây, vỏ cây qua ngâm, ủ và nhuộm cho ra một màu khác nhau. Dệt thổ cẩm ngày nay đơn giản hơn nhiều, người dệt mua sợi tổng hợp tại chợ, chọn màu sắc thích hợp đem về dệt. Màu chủ đạo trong trang phục của người S’tiêng vẫn là màu chàm hoặc đỏ thẫm. Tuy không phải se sợi nhưng bà Thị Đằng vẫn còn lưu giữ khung se sợi để giáo dục con cháu và giới thiệu với khách tham quan về nghề dệt truyền thống của cha ông. Bà cho biết một tấm vải phải làm trong 2 tuần và hết 10 cuộn len, giá một cuộn len khoảng 10 ngàn đồng, một chiếc xà rông bán ra thị trường giá cả triệu đồng. Giá cao nên thổ cẩm rất khó tiêu thụ, trong khi thị trường có rất nhiều vải đẹp và giá rẻ. Tuy nhiên, lúc rảnh rỗi bà vẫn dệt thổ cẩm để gia đình sử dụng.

Bà Thị Hưa dù đã hơn 70 tuổi vẫn không ngừng học hỏi, tìm kiếm để không chỉ dệt được những bộ váy, áo đẹp mà còn truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Những vật dụng như chăn, gối, khăn, xà rông... gia đình bà đều sử dụng chất liệu thổ cẩm tự làm, đây cũng là cách để bà gìn giữ nghề cho con cháu. Những ngày rảnh rỗi, bà lại miệt mài bên khung dệt, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để làm ra những chiếc xà rông, chăn, khố... chất lượng, đẹp mắt. Bà Thị Hưa chia sẻ. Để tạo ra tấm thổ cẩm mịn, đẹp mắt, người dệt phải căng dây, căng sợi đều tay, siết lao thật chặt... Cái khó trong dệt là tạo hoa văn, chủ yếu hình thoi, zích zắc, hình vuông, đường thẳng hoặc hình một số con vật tiêu biểu của dân tộc...

Bà Thị Hứng (SN1969) từ nhỏ đã được bà, mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Đối với người S’tiêng, khi con gái trưởng thành mà biết dệt thổ cẩm thì được dân làng tôn trọng, đánh giá cao và đó cũng là tiêu chí để các chàng trai chọn vợ. Đến tuổi lấy chồng, bà Thị Hứng tự tay dệt váy, áo thật đẹp để mặc trong ngày cưới. Tuy gia đình bà hiện canh tác 7 ha rẫy, các con đã trưởng thành nhưng lúc rảnh rỗi bà lại mang khung ra dệt vải. Trong các đám cưới, hỏi, ngày lễ, hội... bà đều mặc trang phục cổ truyền của người S’tiêng. Bà còn dệt cho con cháu sử dụng và biếu hàng xóm với mong muốn người dân không quên nét văn hóa của dân tộc mình.

Ông Lê Trường Chung, Bí thư Chi bộ ấp Thuận Tiến cho biết: Hiện ấp có khoảng hơn 30 hộ còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu là phục vụ sinh hoạt gia đình, không mang tính thương mại. Trong những ngày lễ, hội, đặc biệt là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chi bộ và ban ấp yêu cầu bà con mặc trang phục truyền thống dân tộc bằng thổ cẩm, múa cồng chiêng, uống rượu cần... Trong cưới hỏi, chi bộ luôn động viên khuyến khích cô dâu, chú rể và bà con sử dụng trang phục truyền thống thổ cẩm... Chi bộ còn phối hợp ban ấp tuyên truyền, vận động người S’tiêng cũng như các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tôn trọng giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm; giáo dục thế hệ trẻ người S’tiêng hiểu tầm quan trọng của nghề dệt thổ cẩm để trân trọng trang phục truyền thống.

(Theo Bình Phước Online)

Khắc Bảy
Bạn đang đọc bài viết "Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở Thuận Tiến" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.