Lưu giữ nét đẹp văn hoá trong đám cưới người Sán Chỉ ở Cao Bằng

11/09/2015 15:52

Theo dõi trên

Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng người Sán Chỉ ở Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn lưu giữ được những nét văn hoá đặc sắc truyền thống trong đám cưới của dân tộc mình.


Một đám cưới của người Sán Chỉ ở Cao Bằng. Ảnh: Internet

Với hơn 2.000 nhân khẩu, sinh sống ở 5 xã: Cốc Pàng, Thượng Hà, Kim Cúc, Hưng Đạo và Sơn Lộ của huyện Bảo Lạc, người Sán Chỉ sống thành từng làng nhỏ quây quần bên nhau. Người phụ nữ Sán Chỉ khéo léo, chăm chỉ, hiền dịu, rất giỏi việc gia đình, do vậy muốn cưới được cô vợ người Sán Chỉ rất tốn kém. Ngày xưa, các đám cưới của người Sán Chỉ đều do cha mẹ sắp đặt, còn bây giờ, nam, nữ thanh niên Sán Chỉ tự tìm hiểu, yêu đương qua các lễ hội, đám cưới và những ngày chợ phiên.

Những ngày đầu xuân mới, khi những cánh hoa đào, hoa mận bung nở trên các sườn đồi cũng là khoảng thời gian đẹp nhất để người Sán Chỉ tổ chức đám cưới cho con, cháu. Đám cưới của người Sán Chỉ có nhiều nét khác biệt so với các dân tộc khác.

Đầu tiên là lễ ăn hỏi, người Sán Chỉ phải ăn hỏi 3 lần, tiếng Sán Chỉ gọi là “nhìn chảy”, đến lần thứ 3 mới chính thức làm lễ ăn hỏi gọi là “nhìn chảy mùn xa”. Lần thứ nhất đi hỏi, nhà trai phải thuê “Ay tà” (quan lang) và “Dìn đoong phà” (bà đón) mỗi người 12 kg thịt lợn. Đến nhà gái hỏi, nếu đồng ý gả con gái thì nhà gái sẽ thịt gà, nấu cơm mời. Lần thứ 2 là nhà gái thách cưới. Lễ vật thách cưới 120 kg thịt lợn và khoảng 50 đồng bạc trắng gọi là “nhàn pe”. Nếu nhà trai chấp thuận thì sẽ tiến hành lễ ăn hỏi chính thức.

Lễ ăn hỏi được quan lang và bà đón dẫn đầu cùng 2 thanh niên chưa vợ cùng người nhà trai khiêng 12 kg thịt lợn, một đôi gà trống mái và 5 lít rượu trắng. Đến làng, nhà trai phải tìm một nhà người quen gần nhà gái ở nhờ, sau đó thông báo cho nhà gái là nhà trai đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật thách cưới, nếu nhà gái chấp thuận tức là nhận 1 đồng và 2 hào bạc trắng đặt cọc thì nhà trai mới được đem thịt gà, lợn nấu cơm mời cả làng nhà gái đến ăn uống.

Đến ngày cưới, nhà gái tổ chức tiệc cưới trước 1 ngày và nhà trai mang lễ vật sang, gồm: 120 kg thịt lợn, 2 thủ  lợn không cạo lông và phải đủ 12 kg và 50 đồng “nhàn pe”; ngày xưa nếu không đủ “nhàn pe” phải viết giấy cam kết cho nợ, khi nào đẻ con gái đi lấy chồng mới đem trả cho đủ. Ngày nay, tục lệ đó đã bỏ mà phải quy đổi ra bằng tiền mặt.

Trước đây, cô dâu về nhà chồng thường cưỡi ngựa, bây giờ chú rể đã vắt vẻo ngồi trên xe máy chờ đợi, ông quan lang đèo bà đón, 1 đôi trai gái đi theo đưa cô dâu, từng đôi, từng cặp đi về nhà trai cho kịp giờ dậu để cô dâu vào cửa. Đến nhà trai, sau khi bước vào trong buồng, cô dâu khác tự bỏ khăn che mặt ra. Sính lễ cô dâu đem theo về nhà chồng, gồm: 1 đôi hòm gỗ, 2 chăn bông, 2 cái chiếu, 1 cái kiềng, 1 con dao, 1 cái cuốc và những vật dụng khác mà cha mẹ cho con gái trước khi về nhà chồng. Giống như nhà gái, nhà trai cũng mở tiệc hát giao duyên đến sáng. Đến chiều hôm sau, chú rể đưa cô dâu trở lại nhà gái thắp hương lạy tạ tổ tiên nhận họ hàng và ngủ lại 1 đêm đến hôm sau trở về nhà chồng xây dựng cuộc sống mới.

Đám cưới của người Sán Chỉ náo nhiệt, với nhiều tập tục, kéo dài thời gian vui chơi nhưng không mệt mỏi. Đây cũng là điểm hẹn của những thanh niên nam, nữ người Sán Chỉ huyện Bảo Lạc mong muốn có 1 đám cưới linh đình.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lưu giữ nét đẹp văn hoá trong đám cưới người Sán Chỉ ở Cao Bằng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.