“Thi đua” là tốt! Nhưng thi đua có ranh giới mong manh với tính ganh tị nhỏ nhen. Có câu chuyện thế này: đơn vị A trong ngày giỗ Tổ làm một chiếc bánh chưng to kỷ lục; năm sau đơn vị B cũng quyết làm cho kỳ được một chiếc bánh dày kỷ lục để minh chứng ta không kém bạn. Hệ quả của sự ganh đua đó kết thúc bằng việc cả bánh chưng lẫn bánh dày chỉ để ngắm, đều không ăn được, lãng phí nhiều. Thi đua rốt cuộc phải là hiệu quả mà công việc đó đem lại cho xã hội, cho người dân.
Hằng năm câu chuyện được mùa rớt giá, nhà nông méo mặt vì sản xuất ra nhiều sản phẩm cũng vì cái tính ganh tị. Số là người dân vùng này thấy dân ở vùng khác trồng được loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao, nghĩ mình cũng làm được như họ nên làm theo. Kết quả là thừa sản phẩm, rớt giá. Gần đây còn rộ lên chuyện xây từ đường, phục dựng chùa làng, đình làng xây văn miếu giữa các họ, các làng, các xã. Cái sau thì nhất định phải to hơn cái trước, đình chùa miếu mạo thì bạ ai nấy thờ trong khi một chút cũng không hiểu việc xây việc thờ ấy có đúng không, có hợp với văn hóa làng mình không. Cả xã hội gồng mình chạy đua trong cuộc đua về hình thức gây tốn kém không biết bao nhiêu mà kể!
Năm ngoái, sau khi xem vở “Ao làng” của Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng và công diễn tại nhiều địa phương, tôi có dịp đi hỏi ý kiến người dân về vở kịch. Ai nấy đều bảo đúng lắm, chuyện ở làng đua nhau xây cất khiến con cháu tứ tán ly hương, tha phương cầu thực. Làng bây giờ lắm khoản đóng góp, từ đóng góp trong họ hàng nội ngoại tộc, cho đến đóng góp xây dựng đường xá giao thông… và đủ những thứ quỹ kỳ lạ không thể kể hết.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đã có nhiều tác động đến cuộc sống của dân làng, nhưng vẫn chưa chạm tới được nhiều hạn chế thâm căn cố đế. Như cái bệnh “duy tình cảm tính”, duy tình đây không phải là tình người, lòng trượng nghĩa bênh vực kẻ nghèo kẻ yếu, cảm tính ở đây cũng không phải là nhận thấy điều hay lẽ phải để làm. Mà là “cái tình” bè cánh, cục bộ trong nội tộc, họ hàng, người thân; “cảm tính” trong chỉ đạo, điều hành bất chấp luật pháp.
Trải qua mấy chục năm xây dựng đời sống mới, hình ảnh ông lý trưởng đã thay bằng bác trưởng thôn. Người dân cũng được tự do lựa chọn người có đức, có tài đại diện cho làng mình lĩnh trọng trách “vác tù và hàng tổng”. Ấy thế nhưng, cuộc sống thay đổi, gần đây lợi ích nhóm đã chen vào giữa làng. Cái chức “vác tù và hàng tổng” là thế mà cũng khối anh bỏ tiền ra “vận động”. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời thì lịch sử sẽ xoay vòng, lặp lại; người đại diện cho xóm làng sẽ lại ăn trên, ngồi trốc lợi ích của dân.
Dù sao thì làng quê Việt Nam cùng với văn hóa làng cũng đã có mấy nghìn năm tuổi, trải bao nắng mưa, thăng trầm, văn hóa làng tự biết thanh lọc, chưng cất để làm nên nét đẹp riêng. Dù sao ta cũng phải tin như vậy. Chỉ có điều không biết “thời kỳ quá độ” này sẽ kéo dài đến bao lâu?
Theo Lê Đông Hà (Làng Việt Online)