“Lỗ bộ” trong đình, đền thờ đảo Phú Quý

14/06/2017 11:38

Theo dõi trên

Khi vào các đình làng, đền miếu ở đảo Phú Quý, trước chính điện thờ thần chúng ta thường bắt gặp hai giá gỗ để các loại binh khí (gọi chung là Lỗ bộ, Bộ lỗ) rất uy nghiêm, long trọng. Tuy nhiên, về mục đích và ý nghĩa của các loại binh khí này như thế nào thì ít người biết.




Nguồn gốc Lỗ bộ

Lỗ bộ là tên đọc trại của từ gốc Lỗ bạ, nghĩa là những đồ nghi trượng đi theo khi vua xa giá, hoặc đồ nghi vệ như binh khí, huy chương dùng khi quan đi ra (1).   

Ở Việt Nam, quy chế về xe kiệu và nghi vệ của vua chúa bắt đầu được đặt ra từ năm 1122 vào thời vua Lý Nhân Tông nhưng còn sơ sài. Mãi đến năm 1437, trên cơ sở tham khảo lễ nghi hai triều Đường, Tống (Trung Quốc) và xem xét lời tấu trình của quan đại thần Lương Đăng nên vua Lê Thánh Tông mới đặt ra quy chế Lỗ bộ một cách đầy đủ; sau nhà vua cho thành lập cơ quan chế tạo đồ nghi trượng của triều đình, gọi là Lỗ bộ ty (2).           

Binh khí trong đình, đền thờ ở Phú Quý

Trải qua các thời kỳ lịch sử, các vùng miền địa lý mà số lượng cũng như chủng loại  binh khí của Lỗ bộ trong các đền thờ có khác nhau. Và các cơ sở tín ngưỡng trên đảo Phú Quý cũng không ngoại lệ.

Qua khảo xét đình làng, đền thờ ở Phú Quý chúng tôi nhận thấy mỗi đình làng thường có 16 binh khí, chia thành 8 bộ, mỗi bộ 2 chiếc, gồm: đại đao, tấm biển, tay văn (tay cầm bút), tay võ (nắm đấm), chùy, xà mâu, búa và 2 kiếm; tất cả đều bằng gỗ với kích cỡ gần bằng binh khí thật, sơn son, có vẽ rồng và hoa văn đẹp mắt nhưng không hề giảm tính uy nghiêm (ảnh).

Thường ngày, các binh khí này được cắm theo chiều thẳng đứng trên giá gỗ sơn son; hai giá này được đặt hai bên tả hữu trước chính điện. Đến khi có lễ rước thì cử người trong làng, mỗi người cầm một vật đi trước kiệu Thần để mở đường (ảnh).

Những đồ thờ trên đây tượng trưng cho tài văn võ song toàn của các vị thần mà dân làng thờ phụng, làm tôn vẻ uy nghi của thần. Hai tấm biển ghi chữ Hán, một ghi Tĩnh túc (có nghĩa là yên lặng, cung kính), một ghi chữ Hồi tị (nghĩa là tránh ra xa) ý chỉ những người có tang hay bị tật nguyền không được đến điện thờ thần hoặc tránh ra khi kiệu thần đi ngang qua.

Qua tìm hiểu chủng loại, cách trang trí và sắp đặt lỗ bộ trong các ngôi tín ngưỡng ở đảo Phú Quý, chúng ta có dịp hiểu thêm về tư duy và cảm quan nghệ thuật  của cư dân vùng biển đảo trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.


Đỗ Thành Danh

Nguồn: Báo Bình Thuận
Bạn đang đọc bài viết "“Lỗ bộ” trong đình, đền thờ đảo Phú Quý" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.