Linh thiêng Đền cổ Bạch Vân

03/08/2018 15:38

Theo dõi trên

Làng Thịnh Xá thuộc tổng Yên Ấp, nay là xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn, một vùng đất nằm ven tả ngạn sông Ngàn Phố. Đất ven sông phù sa màu mỡ, từ xưa nơi đây đã thu hút người dân từ khắp mọi miền đến sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên làng mạc đông vui, với những dòng họ nổi tiếng khoa danh, tôn sùng lễ nghĩa.

 
Cổng đền Bạch vân

Làng Thịnh Xá từng được biết đến là vùng đất văn vật nhất nhì ở huyện Hương Sơn. Suốt thời kỳ phong kiến, người làng Thịnh Xá sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Một bộ phận cư dân chèo thuyền xuôi ngược dòng sông Ngàn Phố để buôn bán, số còn lại sản xuất nông nghiệp và làm đồ mộc gia dụng.

Điều đặc biệt ở vùng đất này là từ xưa đã có nhiều lớp học chữ Hán, chữ Nôm với nhiều người đỗ đại khoa và có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc dựng xây quê hương, đất nước. Hẳn từ nền học khá rộng, đạo học được vinh danh, tinh thần cộng đồng làng xã được phát huy mạnh mẽ đã sớm tạo dựng nên những nét son văn hoá làng quê Thịnh Xá.


Đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá được xây dựng tại làng Thịnh Xá, tổng Yên Ấp, nay là xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn. Truyền rằng Đền được xây dựng vào khoảng năm Canh Tuất, đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670). Đền do tiến sĩ Đinh Nho Công người làng Gôi Mỹ lập nên thờ bạn học của mình là vị nho sinh Trần Toản quê ở tỉnh Thanh Hoá. Đền Bạch Vân ban đầu còn đơn sơ mãi đến những năm cuối thời Lê đầu thời Nguyễn đền mới được tôn tạo lại với kiến trúc ba toà: Thượng, Trung, Hạ điện. Về sau cư dân bản địa còn xây dựng thêm chùa Thịnh Xá làm nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh. Quần thể di tích đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá được thiết kế, chạm trổ rất tinh xảo, xứng tầm là một công trình nổi bật về kiến trúc nghệ thuật và giàu giá trị nhân văn. 

Theo truyền ngôn của người bản địa, sỡ dĩ đền tên gọi Bạch Vân bởi sau ngày vinh quy tiến sĩ Đinh Nho Công nằm mộng thấy người bạn quá cố Trần Toản đến làm lễ mừng đại khoa và dặn rằng "Ngày mai xuống làng Thịnh Xá thấy đám mây trắng tụ ở đâu thì dựng đền cho ta ở đó để nhớ ơn tình bạn tri kỷ". Dẫu chỉ là giấc mơ, nhưng thể theo nguyện vọng của bạn, ngay hôm sau tiến sĩ Đinh Nho Công đã về làng Thịnh Xá và thấy một đám mây trắng dồn tụ ở vùng Cồn Mai nên ông liền cho xây dựng đền rồi đặt tên là Bạch Vân, nghĩa là đền mây trắng. 

Hàng thế kỷ trôi qua với biết bao biến đổi thăng trầm, theo dấu thời gian đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá mái ngói âm dương đã phủ rêu phong. Những đường nét kiến trúc nghệ thuật trên chất liệu gỗ mít, với cách bài trí đăng đối hài hoà và sinh động đã nâng cao giá trị mỹ thuật cho ngôi đền. Tô điểm cho không gian khiến trúc ở đền Bạch Vân còn có nhiều cây cổ thụ, cành lá sum suê, góp phần làm cho ngôi đền thêm linh thiêng, cổ kính. 

Với những giá trị to lớn về kiến trúc và cội nguồn lịch sử văn hoá, giờ đây đền Bạch Vân đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi tưởng niệm những nhân vật lịch sử học hành đỗ đạt và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Từ nguồn sử liệu và những câu chuyện truyền ngôn về tình bạn giúp nhau lúc thi cử, trả ơn nhau khi đã thành danh đáng để cho người đời sau ngưỡng mộ. Đây cũng là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần hiếu học và học giỏi của người dân tổng Yên Ấp, một vùng đất có nhiều nho sinh thành đạt.

 
 
Đền cổ Bạch Vân với kiến trúc đậm dấu ấn văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn ở thôn Thịnh Xá, xã Sơn Thịnh - Hương Sơn
 
Đền cổ ngàn năm dấu Bạch Vân. Dẫu trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngôi đền vẫn luôn được biết đến là công trình sáng tạo nghệ thuật tài hoa của con người, là sự kết tinh  ý tưởng của các bậc túc nho làng quê Thịnh Xá. Phải khẳng định rằng với kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hoá dân gian truyền thống sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng và quý giá, nhằm lưu giữ lại nền kiến trúc đình, đền Việt Nam, một dân tộc giàu bản sắc văn hoá. Sự tích đền Bạch Vân rồi những câu chuyện cảm động về tình bằng hữu mãi luôn được người dân xã Sơn Thịnh gìn giữ phát huy. Đức tin về các bậc thần linh phù hộ độ trì, vào những dịp lễ tết, hay trước những lúc sĩ tử lên đường, người dân ở vùng hạ huyện Hương Sơn thường đến đền Bạch Vân, chùa Thịnh Xá để cầu phúc, cầu may.

Hẳn trong sâu thẳm trái tim của mỗi người khi dâng nén tâm nhang trước vong linh các vị nhân thần, thành hoàng bản thổ không chỉ làm cho tâm hồn được khang thái mà những ước nguyện chính đáng cũng sẽ trở thành hiện thực. 


Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay, việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống luôn được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân quan tâm, chú trọng. Với xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn, một vùng quê thuần nông bên dòng Ngàn Phố thì đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản địa. Đặc biệt kể từ khi đền và chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, cấp uỷ, chính quyền xã Sơn Thịnh đã huy động mọi nguồn lực để gìn giữ, bảo tồn và tôn tạo cho các hạng mục công trình ngày càng tôn nghiêm, bề thế. 

Đất thiêng sinh lắm nhân tài. Làng quê Thịnh Xá tổng Yên Ấp xưa là làng học nổi tiếng đồng thời cũng là vùng quê lưu giữ nhiều nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh gắn với sự hình thành của đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá. Tiếp nối truyền thống, mạch nguồn văn hoá cha ông xưa, người dân xã Sơn Thịnh hôm nay luôn đoàn kết một lòng, ra sức thi đua học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, giàu đẹp.   
 
Xuân Bắc

Bạn đang đọc bài viết "Linh thiêng Đền cổ Bạch Vân" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.