![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/124123525235252562.gif)
Đối diện Tạp chí Nhật lệ, trước đây, là một không gian vừa đủ để trở thành điểm đến của đàn cò trắng. Những hàng chuối xanh quây quần, nối liền nhau như một bờ tường che chắn, vững chãi, ngăn chặn những hiểm nguy đang rình rập. Cái hồ nho nhỏ nhưng quanh năm phủ một màu xanh biếc non của rau muống. Thỉnh thoảng, bên khoảnh ao này có vài người cặm cụi thu hoạch rau, bên khoảnh ao kia những cánh cò trắng muốt chao lượn, nhẹ nhàng đáp xuống rồi lại cất cánh bay. Nhìn khoảnh khắc “cộng sinh” đầy yên bình này, tôi cứ ước ao Đồng Hới giữ mãi chút đồng quê giữa lòng thành phố, dẫu xung quanh dày đặc những nhà cao tầng, khu chung cư. Nhưng rồi, chút đồng quê cũng chỉ còn thổn thức, quay quắt trong nỗi nhớ. Để rồi hôm nay, cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Linh điểu” của nhà văn Nguyễn Văn Học, tôi như được chạm lại nỗi buồn mong manh trắng muốt ấy.
Hôn phối hai yếu tố hiện thực và huyền ảo, “Linh điểu” là câu chuyện sống động về sinh thái. Ở đó, cò vạc, trong mắt của bà Thi, Diệp Sương, Diệp Chi, mẹ Ngãi, Ngờ, ông An,… đặc biệt là Diệp Vân, là một sinh mệnh, một cá thể, một chủ thể, luôn song hành cùng con người. Chi tiết đàn cò tìm về nhà và báo hiệu cho Diệp Vân, hay chi tiết Diệp Vân mọc đôi cánh và mơ về đàn cò,… hoặc chi tiết mẹ Ngải, Ngờ, cô Hằng,… mang theo trên người vết sẹo; theo tôi, đây không chỉ là khát vọng “cộng sinh” như Nguyễn Văn Học nói, mà còn là khát vọng về hiện thực lấy sinh thái làm trung luận. Vì vậy, các loài, dưới cái nhìn nhân ái của anh, đều có tâm tư, tiếng nói riêng. Con người không thể tách mình ra khỏi sinh thái. Nhờ sinh thái, con người mới được là chính mình, biết mình là ai. Nếu tìm mọi cách hằn học, trả thù, tiêu diệt sinh thái, như hành động của nhóm thằng Hùng, cái giá mà con người phải trả rất lớn, đó là mối hiểm nguy và diệt vong.