Dù là năm đầu tiên tổ chức nhưng Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh TBMR (Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái) và TP.HCM triển khai khá hiệu quả.
Phát huy hiệu quả tiềm năng trong khó khăn
Từ thực tế tình hình du lịch ở các địa phương hiện nay có thể thấy, mặc dù ngành Du lịch đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng 8 tỉnh TBMR và TP.HCM vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Với vai trò là trưởng nhóm hợp tác năm 2021, tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các tỉnh trong nhóm xây dựng kế hoạch phối hợp phát triển du lịch với 3 nội dung hợp tác cơ bản: Công tác quản lý nhà nước, trao đổi thông tin; tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá; phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều du khách phía Nam đã chọn các điểm đến Tây Bắc để du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh đang tiếp diễn nên các tỉnh, thành phố cần có phương án thống nhất trong điều kiện đón khách của TP.HCM đến với 8 tỉnh TBMR đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, thực hiện Nghị quyết 128, chuyển từ trạng thái “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã định hướng, mở đường cho ngành Du lịch, đặc biệt các địa phương và doanh nghiệp sẵn sàng cho khôi phục hoạt động du lịch trở lại. Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh TBMR và TP.HCM thời gian qua là sáng kiến có tính chiến lược, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, tích cực và quyết tâm đẩy mạnh liên kết vùng, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về du lịch của mỗi địa phương, góp phần phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất kế hoạch, giải pháp triển khai chương trình hợp tác năm 2022 như: Đổi mới phương thức hợp tác; cung cấp, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng số; phát triển các tour du lịch mới; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; đối thoại với doanh nghiệp lữ hành; đào tạo nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ....
Thời gian tới, các tỉnh TBMR và TP.HCM cũng cam kết tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, phát huy thế mạnh riêng; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm phù hợp với yêu cầu phân khúc thị trường; tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy liên kết vùng, thu hút khách du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động động xúc tiến, quảng bá du lịch; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch. Lãnh đạo các địa phương cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện thỏa thuận hợp tác này.
Xây dựng sản phẩm phù hợp
Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị ngành Du lịch 8 tỉnh TBMR và TP.HCM triển khai có hiệu quả việc xây dựng cơ chế liên kết hiệu quả giữa các thành viên của Nhóm công tác; tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút, khôi phục lại thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, đảm bảo sâu, rộng, đúng đối tượng. Đồng thời, phát huy tiềm năng, điểm độc đáo trong sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương; xây dựng tour - tuyến - điểm du lịch sáng tạo, đặc trưng giữa TP.HCM kết nối các điểm du lịch tại 8 tỉnh TBMR...
Đánh giá về tính khả thi, hiệu quả, định hướng khai thác tour liên kết TP.HCM, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho rằng: “Phát triển du lịch Tây Bắc trong giai đoạn hiện nay được xem là rất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Do những tác động của dịch Covid-19, du khách có xu hướng chọn điểm đến gần gũi với thiên nhiên, đi theo nhóm với số lượng từ 6 - 8 khách với những người thân quen để đảm bảo an toàn”.
Trải dài trên vùng đất rộng lớn phía Tây Bắc và các tỉnh mở rộng được thiên nhiên ban tặng nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp được tạo nên bởi khí hậu, địa hình, hệ sinh thái, các di tích, di sản quý báu. Các điểm đến hấp dẫn như thị xã Sa Pa quanh năm mát mẻ, danh thắng Mù Cang Chải xanh mướt, thung lũng Mai Châu quyến rũ, nóc nhà Đông Dương Fansipan luôn thu hút những người thích chinh phục thiên nhiên. Hay miền đất Tổ Phú Thọ đang thay đổi từng ngày; Hà Giang hùng vĩ, đầy màu sắc; Lai Châu với những làng văn hóa du lịch cộng đồng kiểu mẫu; Hòa Bình với nhiều khu nghỉ dưỡng mới mẻ… Có thể nói, mặc dù mỗi địa phương trong vùng có điều kiện địa hình, khí hậu khác nhau nhưng đều sở hữu những lợi thế riêng, rất độc đáo để phát triển du lịch.
Ông Trần Đoàn Thế Duy cho biết, sau khi nghiên cứu các lợi thế của địa phương trong vùng và tiềm năng hồi sinh sau dịch Covid-19, Vietravel đã cho xây dựng các sản phẩm đến Tây Bắc hay liên tuyến đến Tây Bắc với quy trình khép kín, hứa hẹn được nhiều khách du lịch quan tâm. Riêng với tỉnh Hà Giang, mảnh đất nằm ở cực Bắc Tổ quốc, nơi giao thoa văn hóa giữa vùng Đông Bắc - Tây Bắc, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là các điểm đến trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. “Những địa danh, điểm tham quan: Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, Dinh thự họ Vương… được du khách phương Nam vô cùng yêu thích. Ngoài ra, Hà Giang còn có dãy Tây Côn Lĩnh chạy dọc phía Tây, với đỉnh núi cao hơn 2.400m so với mặt nước biển cùng nhiều cánh rừng nguyên sinh chưa được khai phá, xứ sở hoa tam giác mạch, vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, hội tụ 19 dân tộc cũng là những yếu tố cực kỳ thu hút khách du lịch và có tiềm năng để phát triển trong tương lai”, ông Trần Đoàn Thế Duy nói./.