Sáng 9/10, tại tỉnh Hà Nam, Bộ VHTTDL (Cục Nghệ thuật biểu diễn) và UBND tỉnh Hà Nam (Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam) đã phối hợp tổ chức Họp báo thông tin về Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương (chủ yếu các đơn vị tập trung ở khu vực phía Bắc do đặc trưng của loại hình nghệ thuật này), với 27 vở diễn. Vì thế, khán giả Hà Nam sẽ có hơn 2 tuần lễ sống trong không khí của nghệ thuật chèo chuyên nghiệp với các vở diễn đặc sắc, sẽ được biểu diễn vào các buổi sáng và tối như: "Linh từ quốc mẫu" - Nhà hát Chèo Hà Nội; "Truyện ngoài chính sử - Làm Vua" - Nhà hát Chèo Ninh Bình; "Tình sử ngàn năm" - Nhà hát Chèo Quân đội; "Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm" - Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình…Vở "Những vì sao không tắt" của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam được biểu diễn trong đêm Khai mạc Liên hoan và vở diễn "Cánh diều lạc gió" của Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ biểu diễn đêm Bế mạc, khép lại Liên hoan.
Với tiêu chí không hạn chế đề tài, Liên hoan đã tạo sự đa dạng cho các vở diễn tham dự. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, hội nhập quốc tế".
Tuy nhiên, những vở diễn tham gia Liên hoan phải đảm bảo các điều kiện: được dàn dựng từ năm 2017 đến nay hoặc được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới nhưng đơn vị chưa tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức. Thời lượng các vở diễn từ 90 đến 150 phút (không kể thời gian giải lao, nếu có); các vở diễn có nội dung đi ngược chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đời tư của các cá nhân sẽ không được tham gia Liên hoan.
NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: "Con số 16 đoàn với 27 vở diễn là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vẫn có những hoạt động chuyện nghiệp mạnh mẽ, thông qua đó chúng ta cũng đánh giá được nhân dân vẫn rất yêu Chèo. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các đơn vị đều rất khó khăn về nhân lực, vật lực… Cục NTBD luôn quan tâm đến giá trị truyền thống. Dưới góc nhìn quản lý Nhà nước, Liên hoan không chỉ là cuộc vui mà còn là những đánh giá về nghệ thuật, nhìn nhận các đoàn từ Trung ương tới Địa phương có bước phát triển gì, phát huy được giá trị truyền thống hay không, kế thừa và bảo tồn trong thời đại mới như thế nào? Liên hoan chuyên nghiệp luôn có Hội đồng nghệ thuật để bình xét những tác phẩm có nội dung tư tưởng, vừa có tính tiếp biến với xã hội nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó là điều vô cùng khó mà không phải nhà quản lý nào cũng hướng tới mục tiêu phối hợp như vậy".
"Đây cũng là dịp để chúng ta rà soát lại hướng đi của các Đoàn nghệ thuật, tìm ra những năng lực mới, những tài năng mới. Liên hoan lần này, chúng tôi mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật Chèo được tràn vào nhân dân những giá trị cốt lõi. Trong thời đại 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức Liên hoan là một cách để "giữ lửa" những tinh túy văn hóa phi vật thể, và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận"- Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly nhấn mạnh.
Ông Ngô Thanh Tuân- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, lần đầu tiên đăng cai sự kiện, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng chào đón các nghệ sĩ, khách mời để đảm bảo cho Liên hoan thành công tốt đẹp.
Theo ông Ngô Thanh Tuân, để đảm bảo công tác khán giả, các trường học cấp 2, 3 trên địa bàn đã vận động mỗi buổi diễn 300 học sinh theo dõi. Coi đó là hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức, tình yêu đối với di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại. "Thông qua những buổi ngoại khóa như thế này sẽ giúp các em hiểu và yêu hơn nghệ thuật truyền thống"- ông Ngô Thanh Tuân chia sẻ.
Công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… đều được chuẩn bị tốt nhất, đảm bảo phục vụ Liên hoan. Tăng cường công tác tuyên truyền, trước, trong và sau Liên hoan. Hiện Đài Truyền hình tỉnh Hà Nam mỗi ngày đều có chương trình tuyên truyền về Liên hoan đến nhân dân địa phương.
Được biết, Lễ khai mạc sẽ có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu Chèo như NSND Tự Long, NSND Quốc Chiêm, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Thu Huyền…
Về cơ cấu giải thưởng, Bộ VHTTDL sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng cho các vở diễn có chất lượng nội dung nghệ thuật cao, đạt các tiêu chí trong Quy chế Chấm giải và Khen thưởng; Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng cho các cá nhân nghệ sĩ biểu diễn đạt các tiêu chí trong Quy chế Chấm giải và Khen thưởng. Diễn viên tham gia nhiều vai diễn trong Liên hoan đều đạt khung điểm xét giải thì chỉ được nhận một giải thưởng cao nhất. Đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng trao tặng giải xuất sắc (nếu có) cho các thành phần sáng tạo của vở diễn gồm: tác giả; đạo diễn; nhạc sĩ; họa sĩ; biên đạo múa.