Trước khi đi tham quan, chúng tôi được xem cuốn phim giới thiệu khái quát sự ra đời của khu di tích này. Qua cuốn phim cho chúng tôi biết: Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay Đảng Cộng sản Việt nam), gồm một số đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng được Ban Chấp hành Trung ương cử ra, uỷ nhiệm: Tổ chức, chỉ đạo công tác Đảng ở miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương do Bộ Chính trị thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, hoạt động từ năm 1961 đến năm 1975.
Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Cục miền Nam đặt căn cứ ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 3km, cách trung tâm TP. Tây Ninh khoảng 60km về phía Bắc, cách Sài Gòn, sào huyệt của Mỹ - nguy không xa, đó là khu rừng già Rùm Đuôn, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Đọc tài liệu cho thấy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bằng Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng vừa thuận lợi cho thế thủ, có nhiều ưu thế cho thế công, đặc biệt dễ dàng liên lạc với Trung ương trong mọi tình huống. Tại đây các vị Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… đã từng lãnh đạo chỉ huy cuộc kháng chiến của Trung ương Cục miền Nam.
Người hướng dẫn tham quan cho biết di tích này còn có nhiều tên gọi khác nhau, nào là: Căn cứ R - mật danh mà các cán bộ Trung ương Cục thường dùng; Căn cứ Chàng Riệc, tên của khu rừng đặt căn cứ; Căn cứ Phạm Hùng, tên của Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian khá dài hay Căn cứ Bắc Tây Ninh…
Theo bảng chỉ dẫn, thì Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm 3 khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Tại đây chúng tôi thấy ngoài hội trường lớn hội họp, nhà bếp Hoàng Cầm, nhà ăn tập thể, còn có một số nhà ở và là nơi làm việc của các vị lãnh đạo Trung ương Cục như: Ông Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… Tất cả các công trình nhà ở, làm việc, hội trường… được nối với nhau qua một hệ thống giao thông hào khá sâu, dài trên 1.200m và 430m đường mòn đi bộ và đều được nằm dưới tán cây rừng xanh mượt, như một sự hoà quyện giữa con người và thiên nhiên hoang dã, mà không phải nơi nào cũng có được, ngoài chiến khu Việt Bắc năm xưa. Do đó, dù máy bay Mỹ - nguỵ ngày đêm ném bom, bắn phá ác liệt, cày xới khắp cánh rừng, nhưng các khu nhà làm việc của các vị lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam vẫn an toàn.
Được xem, tham quan mọi ngõ ngách, chúng tôi vô cùng tâm đắc, bởi tất cả các công trình đều được xây dựng nửa nổi nửa chìm xuống lòng đất và được đấu nối với hệ thống giao thông, nên rất thuận lợi và nhanh chống ẩn nấp mỗi khi máy bay oanh tạc. Đặc biệt tất cả các cột, kèo, tường vách nhà cửa… đều được làm bằng gỗ có sẵn ở rừng. Các cán bộ, công nhân xây dựng thường chọn gỗ tốt, để nguyên cây tròn (không xẻ và bóc vỏ) để tránh mối mọt, giữ được lâu. Càng ngạc nhiên hơn:
Tại sao không dùng tranh để lợp mái cho nhanh, mà lại lợp lá trung quân? - Tôi hỏi.
Tranh dễ bốc cháy, theo gió rất dễ lan ra nhiều nơi. Lá trung quân có nhiều phẩm chất phù hợp cho nhà ở rừng; lâu mục, khó bị cháy, cháy không bốc thành ngọn lửa, do đó không cháy lan, hạn chế được hoả hoạn.
Ở mỗi nhà đều có hầm trú ẩn chữ A (chìm hẳn vào lòng đất) trên có mái bằng. Có một số hầm đặc biệt như hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y, thường xây khá rộng để tiện cho thao tác.
Mọi công trình, nhà cửa, hầm hào… đều có một đơn vị đặc biệt làm nhiệm vụ, đó là Đại đội Công binh C23. Cùng với C23 còn có C24, chuyên xây dựng cầu đường. Nhưng do đường dùng trong căn cứ chủ yếu là đường mòn đi bộ, không phải xây dựng nhiều, nên nhiệm vụ chủ yếu của C24 là tham gia chiến đấu đánh giao thông bộ bên ngoài căn cứ.
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam mang một giá trị đặc biệt. Trong vòng 15 năm từ 1961 đến 1975, tại đây Trung ương Cục đã cụ thể hoá nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam. Và từ đây đã ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam Việt Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.
Lịch sử đã chứng minh quyết định thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương cực kỳ đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại nhiều bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn liền với nhân dân, đặc biệt là bài học về xây dựng Đảng.Chính vì ý nghĩa lịch sử to lớn đó, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), ngày 31 tháng 8 năm 1990 đã ra Quyết định số 839 - QĐ/BT, công nhận Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích Quốc gia đặc biệt.