Hồ sơ Di tích đền Xã Tắc (phường Ka Long, thành phố Móng Cái) do Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh quản lý, ghi: “Theo nội dung ghi trên văn bia còn lại ở đền Xã Tắc, đền trước kia là nơi lập đàn để tế long thần thổ địa của bản thôn và là nơi thờ Bản cảnh thành hoàng của châu Móng cái xưa là Xã Tắc Đại Vương nên đền có tên là: Đàn miếu Xã Tắc Đại Vương”.
Ngày 16/3, Móng Cái tổ chức “Phục dựng lại lễ tế đàn Xã Tắc”. Cụ thể, lễ tế bao gồm: lễ Cấp thủy (lấy nước); lễ Mộc dục tại đền Xã Tắc; lễ Nghinh thần (Rước thần Xã - thần Tắc du hương)…Đặc biệt, lễ tế đàn Xã Tắc sẽ có nghi thức Nghênh thần, Tế tại đàn và nghi lễ Tống thần. Bên cạnh phần lễ, nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: cờ người, thi chọi chim, chọi gà, bịt mắt đập niêu kéo co...
.gif)
Đàn tế Xã Tắc trong Lễ hội Đền Xã Tắc năm 2019
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Bùi Quang Thanh – Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Theo tôi, khi đã có đền hiện hữu rồi thì trên cơ sở không gian đấy mà tổ chức các hình thức sinh hoạt lễ hội cho phù hợp, chứ không cần xây dựng đàn tế mới. Bởi vì nếu chưa có đền thì mới xây đàn tế còn đã có đền rồi thì xây đàn tế để làm gì?”.
TP. Móng Cái lập luận rằng “đã trao đổi kỹ với Viện Hán Nôm” về các yếu tố chuyên môn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho biết: “Chúng tôi chưa hề có cuộc làm việc chính thức nào với Sở Văn hóa Thể thao Quảng Ninh về vấn đề đàn hay đền Xã Tắc. Các thành viên của Hội đồng Khoa học hiện nay cũng không ai xác nhận tham gia việc này”.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định các cán bộ đương nhiệm của viện không tham gia tư vấn về đền hay đàn Xã Tắc cho Quảng Ninh. “Nếu cán bộ về hưu của Viện mà làm việc với Quảng Ninh thì đó là tư cách cá nhân”.
Ông Cường cho biết nếu Viện hoặc người đại diện có cuộc làm việc chính thức với các địa phương, thì phải có công văn được đóng dấu của Viện, hoặc giấy giới thiệu có dấu. “Tuần trước Viện đã họp và quán triệt rằng, cán bộ Viện nếu đi làm việc với địa phương hoặc đối tác mà không có công văn của Viện cử đi làm việc thì đó là đi với tư cách cá nhân nhà nghiên cứu, không đại diện cho Viện. Các cán bộ Viện cần thông báo cho đối tác biết điều này”.
Lắp ghép từ Huế về Móng Cái
Trước khi có lùm xùm với Viện nghiên cứu Hán Nôm thì việc phục dựng đàn Xã Tắc ở Móng Cái từng bị Phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đưa lên mạng xã hội về việc “đánh tráo khái niệm”.
Trên trang mạng xã hội chính thức của Phòng Nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Lê Thị An Hòa – Trưởng phòng đã có ý kiến phản hồi về chuyện lễ tế Xã Tắc ở Móng Cái- Quảng Ninh như sau:
“Cuối năm 2017, có đoàn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh do anh Thái (Chủ tịch Hội) vào Huế và đến Trung tâm BTDTCĐ Huế xin làm việc, mục đích là tìm hiểu về lễ tế Xã Tắc ở Kinh đô Huế mà chúng tôi đã bảo tồn và phục dựng từ năm 2008 đến nay.
Ban giám đốc Trung tâm cùng tôi đã tiếp và làm việc với đoàn này. Tại buổi làm việc, chúng tôi đã giới thiệu về lễ tế Xã Tắc tại kinh đô Huế đồng thời giới thiệu một số nguồn tư liệu của triều Nguyễn liên quan đến lễ tế Xã tắc trong lịch sử.
Còn việc tỉnh Quảng Ninh phục dựng lễ tế Xã Tắc như thế nào thì hoàn toàn là việc của tỉnh này, tôi và Trung tâm BTDTCĐ Huế không hề tham gia vào bất cứ nội dung nào. Tôi khẳng định điều này để các bạn đọc và ai quan tâm về lễ tế Xã Tắc ở Quảng Ninh được rõ”, TS Lê Thị An Hòa nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Thái - quyền Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh đồng thời là tổng đạo diễn chương trình phục dựng lễ tế đàn Xã Tắc (Móng Cái) cho biết phải nhờ chuyên gia ở Trung tâm BTDTCĐ Huế giúp đỡ. Nhóm nghiên cứu đã vào Huế làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế để “nhờ tư vấn”.
Trong hồ sơ đề nghị được công nhận lễ tế đàn Xã Tắc, Phòng văn hóa TP. Móng Cái nói đã “tham khảo ý kiến người cao tuổi”, song khi chúng tôi đặt vấn đề về danh sách người cao tuổi, cán bộ Phòng văn hóa nói “bị mất, chưa tìm được”. Hỏi kỹ hơn, vị cán bộ này nói có tham khảo ý kiến “hai cụ hưu trí”.
Lên tầm quốc gia?
Phát biểu với báo giới trong ngày phục dựng lễ tế đàn Xã Tắc, ông Lê Ngọc Lưu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho rằng lễ tế “nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ tế đàn Xã Tắc và di tích lịch sử văn hóa đền Xã Tắc, đồng thời là điểm đến về văn hóa tâm linh của nhân dân Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo tài liệu PV có được, ông Nguyễn Văn Lễ - nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Móng Cái đã phản đối việc này tại Hội thảo về đền Xã Tắc được UBND TP Móng Cái tổ chức vào ngày 24/11 năm ngoái.
.gif)
Lễ hội Đền Xã Tắc năm 2019
Ông Lê Thanh Bình - nguyên Trưởng công an thành phố Móng Cái còn nêu ra sơ sót trong tổ chức lễ tế, không phải tế thần mà là nghi thức của… đám hiếu.
Có chăng, việc tổ chức lễ hội đền Xã Tắc tại TP Móng Cái không chỉ thiếu sở cứ vững chắc mà còn là sự sao chép từ địa phương khác, gây dư luận trái chiều.
Theo tbdn.com.vn