Lễ ngàn núi của người Khmer Nam Bộ

30/10/2015 15:05

Theo dõi trên

Người Khmer Nam Bộ xưa và nay đều có những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo thể hiện qua phong tục tập quán, lễ hội, ca múa,… trong số các nghi lễ trước đây của họ phải kể đến Lễ ngàn núi.


Nghi lễ ngàn núi. Ảnh: Internet

Từ khi được sinh ra đời đến khi trở lại với tổ tiên, người Khmer Nam Bộ cũng như các tộc người khác luôn có nhiều lễ hội ghi dấu sự có mặt của mình trên thế gian này và sự hàm ơn đối với các thế lực siêu nhiên. Những lễ hội đó phần nào phản ánh được sắc màu văn hóa mang dấu ấn dân tộc của họ. Đối với người Khmer, Lễ ngàn núi (Beân Phnom Ponn) - là nghi lễ làm phước với mục đích xin lỗi thú vật tha thứ cho con người.

Theo quan niệm, người Khmer cho rằng, đối với mọi sinh vật họ đều có lỗi vì đã đuổi giết chúng để ăn thịt, bảo vệ mùa màng, bảo vệ sức khỏe,… Họ lo sợ khi con người qua đời sẽ bị các loài thú kéo nhau trả thù và linh hồn người chết phải xuống địa ngục. Do đó, đồng bào trong phum sóc hàng năm hùn tiền bạc lại để tổ chức Beân Phnom Ponn.

Lễ có thể tổ chức tại phum, sóc, hay ở chùa. Thời gian không cố định, nhưng thường diễn ra trong những ngày khô ráo trước khi vào năm mới (Tết Chôl Chnam Thmây) một hai tháng. Lễ Beân Phnom Ponn kéo dài hai, ba ngày dưới sự hướng dẫn của Achar và các vị sư sãi.

Đầu tiên mọi người chọn khoảng đất trống cất tạm nhà hội để làm lễ. Trước nhà hội là một khoảng sân lớn. Nơi đó, họ dựng bàn thờ, trong có tượng Phật, chung quanh đắp các ngọn núi cát hình vuông, núi cách núi cỡ thước tây, trên núi có cắm cây hoặc tre làm hàng rào. Người ta tin rằng mỗi hạt cát đắp núi sẽ giúp giải thoát được một kẻ có tội ở trần thế. Vì thế, họ hăng say đắp núi, mong đức Phật ban phước lành cho mọi người.




Chuẩn bị mâm cỗ cúng lễ ngàn núi. Ảnh: Internet

Buổi lễ bắt đầu, mọi người tập trung trong nhà hội để đọc kinh dưới sự hướng dẫn của Achar. Rồi mỗi người cầm một nắm nhang đang cháy đi chung quanh “ngàn núi” và cắm lên các núi đó. Xong, họ tiếp tục vào bàn thờ Phật. Họ đốt nhang, đèn cầy làm lễ cúng tam bảo, cầu mong tam bảo tha thứ cho họ, đừng để các thú vật bị giết bắt tội họ trong kiếp sau. Họ nguyện dâng hết những điều thiện họ làm hiện nay cho tất cả những thú vật đã bị con người sát hại. Lễ xong, họ trở ra theo đường cũ. Những người khác dự lễ cứ tuần tự làm như thế.

Trong những ngày tổ chức lễ, bà con dâng cơm cho sư sãi trong chùa vào sáng và trưa, tối dâng trà, đường, sữa. Ngày cuối, khi các nhà sư thọ trai, mọi người dự lễ ăn chung mâm cơm thì lễ ngàn núi cũng chấm dứt.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ ngàn núi của người Khmer Nam Bộ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.