Lễ hội truyền thống tưởng nhớ Nữ tướng thời Hai Bà Trưng

19/02/2019 16:55

Theo dõi trên

Lễ hội truyền thống làng Yên Thượng, xã An Hòa, Tam Dương (Vĩnh Phúc) tưởng nhớ công ơn của Nữ tướng Ả Lợi Càn Ngật, người có công giúp Hai Bà Trưng đánh thắng giặc Đông Hán những 40-43 sau công nguyên, được tổ chức thường niên ngày 15/1 (âm lịch). Miếu Yên Thượng đã được công nhận di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2004.

 
Lễ hội làng Yên Thượng có truyền thống lịch sử văn háo lâu đời

Sáng 19/2/2019, tức 15/1 (âm lịch), Ban tổ chức lễ hội thôn Yên Thượng tổ chức Lễ hội tưởng nhớ công ơn của Nữ tướng Ả Lợi Càn Ngật. Về dự có các đại diện ban ngành đoàn thể xã An Hòa cùng đông đảo nhân dân, khách thập phương.
 
 
Ông Lê Văn Phương, Trưởng thôn Yên Thượng phát biểu tại buổi lễ

Theo tư liệu lưu giữ: Thời Đông Hán sang xâm lược nước ta, cử Tô Định làm Thái Thú. Tô Định vốn là kẻ bạo tàn hung ác hại dân, nhân dân muôn ngàn người đều căm phẫn. Bấy giờ có người anh hùng  liệt nữ họ Trưng tên Trắc cùng em gái là Trưng Nhị ở đất Mê Linh, Hà Nội (trước Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) vốn dòng họ Hùng, có tài thao lược kêu gọi nhân dân đứng lên dấy binh phất cờ khởi nghĩa.
 
 
Cụ Nguyễn Tiến Thịnh, nguyên Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã An Hòa ôn lại quá trình lịch sử phát triển của lễ hội và tích Miếu Yên Thượng
 
Khi ấy ở vùng Tam Dương và Lập Thạch ngày nay (lúc đó thuộc đất Mê Linh) có 3 người con gái tên là: Ả Lợi Càn Mai, Ả Lợi Càn Ngật, Ả Lợi Càn Na, đứng lên kêu gọi nhân dân trong vùng (ước vài trăm người) cùng kéo về hội quần cùng Trưng nữ đánh giặc Tô Định. Trưng nữ thấy 3 bà có khí phách anh hùng lại có tài thao lược bèn giao lĩnh tiền quân, đánh quân Tô Định hướng Tây Bắc có dòng sông Phó Đáy là nơi hiểm trở, sau đó Trưng nữ kéo đại quân đánh thẳng vào quân Tô Định. Một trận đại thắng, riêng Tô Định phải cắt tóc cạo râu trốn về Nam Hải ( Quảng Đông, Trung Quốc) tự chói mình chịu tội.
 
 
Tế lễ là một phần quan trọng của của lễ hội
 
Trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã thu 65 thành trì trong toàn cõi Nam Bang. Trưng nữ lên ngôi đóng đô ở Mê Linh (Năm 40 SCN) và phong bao tướng sĩ, trong đó có 3 bà Ả Lợi Càn Mai, Ả Lợi Càn Ngật, Ả Lợi Càn Na được phong cho thực ấp trấn giữ hướng Tây Bắc trấn Sơn Tây dọc dòng sông Phó Đáy ngăn cách vùng đất Mê Linh là 1 vùng đất rộng lúc bấy giờ.

Đến năm 43 (SCN), nhà Đông Hán lại sai Mã Viện và Lưu Vong đánh nước ta, thế giặc lúc này rất mạnh. Khi ấy Hai Bà Trưng cùng với tướng sĩ đã hô hào nhân dân cùng đứng lên quyết chiến với kẻ thù. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, 3 bà chiến  đấu rất dũng cảm song vì thế giặc mạnh và biết không thể chống trả được, 3 bà đều gieo mình xuống dòng sông Phó Đáy tuẫn tiết để giữ trọn khí phách của người nữ anh hùng dân tộc.
 


 
Một số trò chơi dân gian mang đậm tính truyền thống văn hóa

Tưởng nhớ công ơn của 3 bà, nhân dân trong vùng thương xót lập 3 ngôi miếu thờ  3 bà: Làng Yên Thượng thờ vua bà Ả Lợi Càn  Ngật, làng Nội Điện thờ vua bà Ả Lợi Càn Mai, làng Đô Lương thờ vua bà Ả Lợi Càn Na. Ba ngôi miếu được xây dựng ngoài bờ đê sông Phó Đáy (địa phận xã An Hòa, Tam Dương).
 
Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Yên Thượng, xã An Hòa lại mở hội tưởng nhớ công ơn to lớn của  Nữ tướng Ả Lợi Càn  Ngật và đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
 
Phúc Vĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội truyền thống tưởng nhớ Nữ tướng thời Hai Bà Trưng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.