Bia tưởng niệm Anh hùng Hoàng Công Chất. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN
Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm trong 2 ngày 24 -25/2 âm lịch để tưởng nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất. Vào thế kỷ 18, tại địa phương này, Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải, tướng Khanh là hai vị thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên lãnh đạo nhân dân các dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh.
Để có căn cứ hoạt động lâu dài, Hoàng Công Chất đã cho xây dựng Thành Bản Phủ; từ đó căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp mười Châu của Phủ An Tây, phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía nam mở rộng xuống Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài từ năm1739 - 1769 đã tập hợp nhân dân các dân tộc trong vùng thành một khối thống nhất, xây dựng tình đoàn kết, cùng nhau đánh giặc giữ nước bảo vệ núi rừng vùng biên cương của đất nước.
Lễ hội Thành Bản Phủ gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng rước kiệu, múa rồng trang trọng; sau đó là phần dâng hương, đọc chúc văn kể lại quá trình đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm và giữ bản làng của thủ linhc tướng quân Hoàng Công Chất.
Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.
Di tích lịch sử Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất đã được Nhà nước xếp hạng công nhận là Di sản văn hóa quốc gia. Lễ hội Thành Bản Phủ cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch và nhân dân các dân tộc đến tham quan, thắp hương tưởng niệm.