Lễ hội Sơmă Kơcham của người Ba Na, Gia Lai

11/08/2015 10:15

Theo dõi trên

Sơmă Kơcham là lễ hội lớn nhất trong năm – mở đầu cho một năm sản xuất và các lễ hội khác trong năm của người Ba Na ở Mơ H’ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang (Gia Lai).



Ảnh minh họa

Theo quan niệm của người Ba Na, con người từ khi sinh ra đến khi xuống mồ phải trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ Người - Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên - Giàng. Trong khi điều kiện sinh tồn của các dận tộc còn gặp rất nhiều khó khăn phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật, đói nghèo, chết chóc... mà trình độ nhận thức khoa học của con người hạn chế. Do đó, vòng đời người cũng gắn liền với hệ thống Lễ - Hội tương ứng trong mỗi thời kỳ, tình huống cụ thể. Có Lễ Bỏ Mả (Pơ Thi), Lễ Ăn Trâu, Lễ hội mừng Nhà rông mới, Lễ cúng Sơmă Kơcham.

Vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, khi hoa pơ lang thắp lên muôn vàn đốm lửa giữa bầu trời ngập tràn ánh nắng cũng là tháng đồng bào dân tộc Ba Na tiến hành lễ hội Sơmă Kơcham… Sơmă – tiếng Ba Na nghĩa là cúng; kơcham là cái sân.

Để chuẩn bị cho lễ hội Sơmă Kơcham. Bà con phải dựng đàn tế lễ. Đàn lễ thoạt trông đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ ở các chi tiết trang trí. Theo quan niệm của người Ba Na, những người dựng đàn phải là những người “có con mắt, cái tay của Yang cho” mới làm được việc này.

Cúng sân, hiểu theo nghĩa rộng là cúng đất làng. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Ba Na mở đầu cho một năm sản xuất – đồng nghĩa với một lễ hội đón mừng năm mới.

Lễ hội kéo dài suốt một ngày một đêm với mục đích thông báo cho các vị thần linh biết các công việc sẽ làm trong năm, khấn cầu các vị phù hộ cho mọi việc như sửa chữa nhà cũ, đốn cây làm rẫy… diễn ra suôn sẻ.

Đặc biệt là xin các vị “cho mưa xuống đúng lúc, nắng lên đúng thời”; cây lúa “ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa”; con người khỏe mạnh, sinh sôi “như cây môn mọc”...

Lễ hội Sơmă Kơcham được người Ba Na tổ chức rất long trọng. Vật hiến tế các vị thần linh là trâu, bò, rượu cần, cơm lam được chuẩn bị rất cẩn thận. Sau phần lễ, tiệc ăn uống sẽ kéo dài suốt đêm.

Không gian làng như vỡ ra bởi điệu chiêng tơnơl và những vòng xoang rậm rịch. Xưa kia khi gặp phải các việc bất trắc như ốm đau, dịch bệnh, mất mùa… phải chuyển làng đi nơi khác, người Ba Na cũng phải tiến hành Sơmă Kơcham. Bây giờ các làng Ba Na đều đã định cư. Nhưng lễ hội Sơmă Kơcham, mọi làng vẫn giữ gần như nguyên vẹn.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Sơmă Kơcham của người Ba Na, Gia Lai" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.