Lễ hội Hàn Sơn linh thiêng và thơ mộng

27/06/2017 08:48

Theo dõi trên

Những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), có dịp về xã Châu Lộc (Hậu Lộc), du khách sẽ được đắm mình trong không khí tấp nập của Lễ hội Hàn Sơn. Cụm di tích Hàn Sơn nổi tiếng thơ mộng và hữu tình bởi trên có dãy núi Sơn Trang bao phủ, dưới có sông, ghềnh đá nơi sông Mã tách dòng trước khi về biển cả, nơi một tiếng gà gáy cả 6 huyện cùng nghe...



Công tác chuẩn bị tuyên truyền cho Lễ hội đền Hàn năm 2017 đang được thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thơ - Chủ tịch UBND xã Châu Lộc cho biết: Cụm thắng tích Hàn Sơn đã một thời gian dài bị lãng quên bởi chiến tranh. Từ những dấu tích còn sót lại, để tỏ lòng tôn kính, hàng năm nhân dân địa phương đóng góp tiền của, công sức khôi phục dần những ngôi đền này. Đến nay, ngôi đền đã được trùng tu tôn tạo du khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước dù đi đâu về đâu cũng không quên được “tháng Sáu hội Gai (hội đền Hàn), tháng hai hội Mía” là lễ hội văn hoá tâm linh lớn.

Du khách đến Hàn Sơn với nhiều lý do: Thưởng ngoạn cảnh vật, tìm hiểu về những kiến trúc cũ và mới mà được người dân nơi đây khôi phục, họ còn đến nơi đây để cầu xin sức khỏe, may mắn, bình an hạnh phúc, công danh sự nghiệp... Tựu trung trong mỗi người là xuất phát từ cái tâm, tìm về đây để tĩnh tâm, gột rửa phiền muộn giữa chốn đời thường để lòng nhẹ nhõm, thanh thản.

Mỗi ngôi đền được gắn kết với những câu chuyện do người xưa ghi chép lại với một giai thoại riêng biệt, theo sử sách ghi lại cụm thắng tích Hàn Sơn gồm có Phủ Mẫu, đền Cô Tám, đền quan Hoàng Ba, đền Quan Giám Sát, đền Cô Đôi...




Cổng vào đền Mẫu Thoải.

Đặt chân đến cụm di tích ta bắt đầu đến Phủ Mẫu (cung cấm) ta cảm nhận được sự uy nghi và linh thiêng. Phủ Mẫu gồm 5 cung: Thượng điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngồi ở giữa và cao nhất, bên hữu là mẫu Thoải (mẹ của sông nước), bên tả là mẫu Thượng ngàn (mẹ của núi rừng). Cung thứ hai ở giữa là ban thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu; bên tả thờ vua cha Bát Hải, bên hữu thờ vua cha Diêm Vương. Cung thứ ba là ban thờ đức Thánh Trần có 2 công chúa hầu cận. Cung thứ tư thờ ngũ vị tôn ông: 4 nhiên thần của miền vũ trụ và quan lớn Tuần Tranh (Trần Quốc Toản). Cung thứ năm thờ tứ phủ Chầu Bà, các bà được nhân dân coi trọng, tạo thuận lợi trong công việc và giúp họ đánh quân xâm lược. Sau đó ta đến đền cô Tám thờ vị “cứu tinh linh thiêng” là người lặn lội vào tận rừng sâu tìm những loại thuốc quý đem về bào chế ra những bài thuốc để cứu giúp những người dân lành, tương truyền có thể trị khỏi cả bệnh nan y. Vì thế cây cỏ quanh khu vực đền này đều là những dược liệu quý giá, và mỗi khi khách đến đền Hàn Sơn luôn nhớ mua và mang về làm quà và phục phụ cho chính bản thân mình. Đền cô Tám còn giữ được một cung Nhất bên cạnh cây đa cổ thụ trên 500 tuổi, tỏa bóng mát cho ngôi đền. Cây đa này cũng đã gắn liền với thời cuộc, với lịch sử thắng tích và chứng kiến nhiều biến cố.



Một góc đền Mẫu Thoải.

Thời gian lễ hội được diễn ra bắt đầu từ mùng 1/6 âm lịch và thường kéo dài đến hết tháng 6 nên ngoài phần lễ, khách thập phương sẽ được hòa mình vào những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đầu tiên là nghi lễ dành cho các bản hội: Ngày lễ, đêm họ ở lại hầu bóng. Ngày 12 của tháng hội là ngày rước bóng, sau đó là những cuộc đua thuyền náo nhiệt trên sông, trai gái thi tài, hát đối đáp giao duyên... Cũng bởi Hàn Sơn tọa lạc trên vùng đất “bồng lai tiên cảnh”, nằm ngay chỗ núi sông giao hòa, sơn thủy hữu tình tựa như bức tranh thủy mặc, thế nên, về đây du khách sẽ được thưởng ngoạn nét đẹp huyền ảo của thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xã Châu Lộc.

Có thể nói đến thời điểm này công tác đảm bảo ATGT khu vực lễ hội đã được tổ chức khá tốt. Cùng với đó Công an xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị triển khai các giải pháp phòng, chống trộm cắp, móc túi, chèo kéo, cờ bạc, lừa đảo du khách... Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội đã thiết lập đường dây nóng nhằm giúp người dân và du khách dễ dàng liên lạc. Ban tổ chức lễ hội cũng đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ATGT, nhằm hạn chế tình trạng hành khất, mê tín dị đoan, móc túi, trộm cắp, sư giả... góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội.


Hà Thanh

Nguồn: vanhoadoisong.vn
Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Hàn Sơn linh thiêng và thơ mộng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.