Lễ hội đền Bạch Mã: “Điển lễ quốc tế, quốc tạo”

21/03/2024 23:50

Theo dõi trên

Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2024 được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức danh tướng Phan Đà - vị tướng có công lao to lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

z4145385315348-1f5e5547d8dc2c0379409670f4469934-1677593685-1711035817.jpg
Đền Bạch Mã (Xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương)

“Kỳ Đồng”

Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) thờ thần Phan Đà, một vị tướng trẻ có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. Ngài mất khi mới 24 tuổi. Bạch Mã là gọi theo tên con ngựa trắng mà tướng Phan Đà thường cưỡi khi ra trận. Thần Bạch Mã sinh tại xã Võ Liệt, họ Phan, 15-16 tuổi đã phò tá Bình Định vương (Lê Lợi) đánh giặc Minh. Ngài lập được nhiều chiến công, vua thường khen là “Kỳ Đồng” (đứa trẻ kỳ tài), và thường xuyên được ở cạnh Vua. 

Truyền thuyết kể rằng, Tướng Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV, trong một gia đình ngư dân nghèo ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du, nay là thôn Minh Tân (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương). Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh, Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu. Tài mưu lược, can trường của vị tướng trẻ làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Khi ra trận Ngài thường mặc áo giáp trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “thần Bạch Mã”.

z4145385397991-28447dc03eccd4180d7d7b6cdab16972-1677594102-1711035858.jpg
Ngày 24/3/1994, Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của Phan Đà đã cấp tiền của, giao cho quân dân sở tại xây ngôi đền bề thế và tổ chức các nghi lễ quốc tế hàng năm, đồng thời sắc phong “đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng - thượng - thượng đẳng tối linh tôn thần”.

Từ xa xưa, Đền Bạch Mã nổi tiếng linh thiêng, người xe qua đây, bất kể dân hay quan đều dừng chân ngả mũ nón vái lạy. Không chỉ giúp người dân trong vùng vượt qua nhiều trận thiên tai, giặc giã, thần Bạch Mã còn phù trợ cho các vị vương, tướng xuất quân đi đánh giặc trăm trận trăm thắng. Sự linh nghiệm của ngôi Đền còn thể hiện ở câu chuyện vào dịp giỗ thần Đền (13/6 âm lịch) bao giờ trời cũng đổ mưa dù có thể trước và sau đó trời vẫn nắng nóng.

Đền Bạch Mã là nơi ghi lại nhiều dấu ấn, sự kiện lịch sử quan trọng trong hành trình chống giặc ngoại xâm và mở mang bờ cõi của dân tộc ta: Năm Quang Thuận thứ 6 (1465) đích thân vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền và làm lễ tế tại đây. Năm Cảnh Hưng thứ 3 (1770), Quận công Bùi Thế Đạt đã vào làm lễ tế đền lúc ông đang trên đường đi đánh giặc.

433139961-3328442543967123-6402925144978717744-n-1711035973.jpg
Đền thờ thần Phan Đà. Ảnh: VHNA

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Bạch Mã đã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương. Với bề dày lịch sử như vậy, ngày 24/3/1994, Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Điển lễ quốc tế, quốc tạo

Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”. Di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác.

Trước khi tổ chức lễ khai mạc và lễ đại tế, trong 3 ngày 7 - 9/2 âm lịch, Ban Tổ chức lễ hội và nhân dân đã tổ chức các nghi thức tế lễ truyền thống, gồm lễ khai quang tại đền Bạch Mã và Phủ Ngoại - nhà ở của tướng Phan Đà; lễ yết cáo tại đền Bạch Mã; lễ rước kiệu từ đền Bạch Mã đi qua các thôn của 2 xã Võ Liệt, Thanh Long; lễ dâng hương tại Phủ Ngoại (thôn Minh Tân, xã Võ Liệt) và tại phần mộ tướng Phan Đà (xóm Long Biên, xã Thanh Long).

433611463-435953005612741-4406922639851093781-n-1711036050.jpg
Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2024 được tổ chức từ ngày 7 - 10/2 âm lịch (tức ngày 16 - 19/3/2024)

Lễ hội đền Bạch Mã gắn liền với sự hình thành của đền, khoảng 500 năm, được Nhà nước Phong kiến liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế, quốc tạo” - nghĩa là quy định lễ tế theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Theo thông lệ ngày xưa, lễ hội đền Bạch Mã thường tổ chức vào ngày 13 tháng Sáu Âm lịch, được coi là ngày húy của tướng Phan Đà, cũng trùng vào dịp lễ Kỳ phúc Lục Ngoạt. Khoảng những năm 1945 - 1994, do điều kiện lịch sử, lễ hội được dân làng tổ chức tế lễ đơn giản, không rước kiệu, nhưng riêng trò vật cù diễn lại tích của tướng Phan Đà vẫn được tổ chức quy mô và duy trì đến nay.

Sau khi di tích được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994, nhân dân trong xã khôi phục lại lễ hội với đầy đủ các nghi lễ như trước đây. Tuy nhiên, do ngày hội vào đúng dịp nắng nóng cao điểm của miền Trung nên nhân dân trong xã đã chọn ngày 8 – 12 tháng Hai Âm lịch để tổ chức lễ hội, cũng là dịp nhân dân rảnh rỗi, là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở.

432048556-435952928946082-4648063184471588805-n-1711036098.jpg
Năm 2020, lễ hội Đền Bạch Mã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Rạng sáng ngày 8 là lễ Khai quang tẩy uế với nước làm lễ mộc dục được lấy ở hợp lưu sông Rộ, sông Giăng và sông Lam cùng các loại lá thơm. Sau đó, Ban nghi lễ đến phần mộ của Phan Đà tại xóm 4, xã Thanh Long để khai quang, làm lễ. Theo tục xưa truyền lại, sau khi ngài Phan Đà qua đời, mộ ngài được an táng tại một bãi đất cao ráo ở Thanh Long và giao cho làng chăm lo hương khói. Việc tổ chức nghi lễ thỉnh mời ngài Phan Đà là một nghi lễ quan trọng trong diễn trình của lễ hội, mặc dù không được tổ chức quy mô, song các thủ tục tế lễ, lễ vật thì không được thiếu. Chủ tế thỉnh mời ngài về dự hội, phù hộ cho thời tiết hanh thông để nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự lễ hội được thuận tiện và gặp nhiều may mắn. Tiếp đó, Ban lễ nghi đến Phủ Ngoại ở thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt làm lễ tạ ơn thân sinh của tướng Phan Đà.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, hội đền Bạch Mã có trò chơi đặc sắc là vật cù nhằm tái hiện hành trạng, công tích của tướng Phan Đà trong tuyển mộ binh lính chống quân Minh. Theo truyền thuyết dân gian, vào thế kỷ XV, Phan Đà gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, được  giao cai quản vùng đất Thổ Du và tuyển mộ dân đinh, trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn của địa phương để sung quân đánh giặc. Ông đã nghĩ ra hình thức tuyển binh tương đối đơn giản song lại khá hiệu quả là tổ chức thi vật cù để lựa chọn những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có tố chất tham gia chiến đấu. Đây cũng là hình thức rèn luyện sức khỏe cho tân binh của Phan Đà. Quả cù được làm từ củ chuối hột loại lớn, được đẽo thành hình tròn cỡ 30cm và trọng lượng khoảng 5 - 7kg. Quả cù đẽo xong, luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng kỹ cho dẻo, không bị nứt vỡ khi chơi. Tham gia hội vật cù là những người nhanh nhẹn, khoẻ mạnh được tuyển chọn từ các làng xã. 

433493550-3714926572166754-6615460795436402303-n-1711036301.jpg
Lễ rước thần tại Lễ hội

Trước đây, hội đền Bạch Mã tổ chức cả 3 hình thức cù gôn, cù đẩy và cù nước. Nay hội thường tổ chức vật cù gôn, nghĩa là ở hai đầu sân, mỗi bên đào một hố sâu rộng 50cm x 50cm, phía trên cắm 1 lá cờ hội. Mỗi trận diễn ra khoảng 15 phút, mỗi đội có 7 người tham gia tranh cù, vật cù để làm sao đưa được quả cù vào hố của phe đối phương mà không được ôm, vật đối phương. Mỗi trận cù thực sự là một cuộc đấu trí, đấu sức mạnh và phô diễn sự khéo léo, đoàn kết của hai đội. Theo quan niệm dân gian, đội cù của làng xã nào giành giải - giải chỉ mang tính tượng trưng - thì làng xã năm đó sẽ được mùa lúa, ngô, chăn nuôi phát triển, trẻ già đều khoẻ mạnh.

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Đền Bạch Mã gắn với phát triển du lịch, huyện Thanh Chương đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan để xúc tiến việc quy hoạch, đưa lễ hội Đền Bạch Mã vào bản đồ du lịch, tuyến tham quan văn hóa tâm linh của tỉnh; gắn với nghiên cứu đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Thanh Chương.

433472702-435953032279405-9141467966646642233-n-1711036470.jpg
Trò chơi vật cù - nét đặc sắc tại Lễ hội đền Bạch Mã

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội đền Bạch Mã: “Điển lễ quốc tế, quốc tạo”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.