Lễ hội đang có những thay đổi

20/01/2017 09:43

Theo dõi trên

Sự biến đổi của các lễ hội truyền thống đang là một thách thức đối với công tác quản lý và tổ chức.

Đã đến lúc nhận diện những biến đổi đó để có cách thực hành, quản lý lễ hội sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa đảm bảo an toàn, văn minh.

Sau những năm 90 của thế kỷ trước, có một hiện tượng “bùng phát” trở lại các lễ hội truyền thống, dựa trên nền tảng mức sống của người dân được gia tăng và những thay đổi về chính sách văn hóa. Một mặt, các lễ hội truyền thống được khôi phục đã góp phần khẳng định và đề cao bản sắc dân tộc, mặt khác, trong bối cảnh xã hội mới, các lễ hội hay nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác đã được sử dụng, khai thác trong một mục đích mới là phục vụ du lịch. Sự chuyển đổi của xã hội đã khiến cho một phần lễ hội truyền thống có một diện mạo lớn hơn trước, từ không gian tổ chức, số lượng khách, tích hợp nhiều thành phần nghi lễ và dịch vụ mới, do đó, nhiều lễ hội quy mô nhỏ trở thành sản phẩm du lịch, thu hút nhiều người tham dự...



Lễ hội truyền thống đang có nhiều biến đổi so với trước đây (ảnh minh họa- Anh Tuấn)

Các lễ hội truyền thống có cần "làm mới" mình không trong tiến trình phát triển của xã hội đương đại, đó là câu hỏi không dễ có câu trả lời ngay được, nhất là khi nhiều lễ hội truyền thống đã có một không gian mới, một cấu trúc bị biến đổi và được coi là một sự kiện không chỉ của từng cộng đồng, mà có sự tham dự của khách thập phương.

Nhận định về điều này, PGS.TS Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: “Bản thân các lễ hội cũng đang tự biến đổi, nhìn từ góc độ cơ cấu nội tại của nó cũng như các yếu tố thuộc về môi trường cho nó vận động”.

Theo ông Quang, các lễ hội đã có thay đổi trong chủ thể tổ chức; sự mở rộng hay thay đổi tính chất trong không gian – thời gian tổ chức; sự thay đổi về thành phần người đi lễ/khách hành hương.

Theo ông Quang, sự thay đổi thành phần tổ chức thể hiện từ thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi, giới, nơi ở cho đến hệ thống giá trị và chuẩn mực hiện hữu nơi chủ thể. Sự thay đổi này đi kèm với sự thay đổi về cơ chế tổ chức, với sự hiện diện song hành của ít nhất là 2 cơ quan là Ban Tổ chức theo quy định của Quy chế tổ chức lễ hội năm 2001 và Nghị định số 11/2006/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, với các thành phần hỗn hợp bao gồm các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội tại cộng đồng; các ban trong truyền thống với nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền như Ban Quý tế, Ban khánh tiết, các Hội tự nguyện...do người dân lập ra để tổ chức lễ hội.

Trong lễ hội, trên thực tế, đứng về mặt tổ chức là bao gồm các chủ thể sau: Ban tổ chức; Ban Quản lý di tích danh thắng (nếu có); các cụ Thượng (nóc làng) với vai trò tiên chỉ, quyết định việc nghi lễ và duyệt các vấn đề hành chính chủ yếu, có quyền lực tối thượng (gồm các cụ từ 80 trở lên), Ban Bộ lễ (gồm các cụ trên 70 và dưới 80, còn khỏe) chỉ dẫn các vấn đề về nghi thức cho Ban khánh tiết); Ban Khánh tiết (gồm các ông tuổi 50 hay 51), tùy vào từng làng, vừa mới ra gánh vác việc làng, tuổi còn khỏe, lo việc tu lễ theo chỉ dẫn của bậc cao niên hơn, ngoài ra còn vai trò của thôn (xóm) hay một vài tổ chức xã hội nào đó, tùy từng truyền thống của mỗi cộng đồng, như Hội Đồng niên, Hội Phụ lão, Hội Cựu chiến binh, Hội vãi... Đây là một phức hợp nhiều tổ chức xã hội có vai trò và vị trí khác nhau trong tổ chức lễ hội.

Sự mở rộng hay thay đổi tính chất trong không gian – thời gian tổ chức: Lễ hội xưa chỉ mang tính chất là một không gian sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư tại chỗ, nay được mở rộng cho cả những khách hành hương bên ngoài. Đặc biệt, cùng với tiến trình này là sự giải thiêng của các không gian nghi lễ bên trong mỗi người hành hương, nó không còn tính chất Thiêng nguyên vẹn như trong truyền thống bởi bối cảnh xã hội đã có những thay đổi. Thời gian tổ chức nghi lễ cũng có những thay đổi về thời điểm và tính chất. Do những tác động của biến đổi khí hậu, các tính chất khí hậu mùa xưa kia, ví dụ hội Xuân, không còn đơn thuần chỉ là mùa của gió bấc, mưa phùn, mà xen lẫn là những ngày nóng như mùa hè, do đó, việc rửa cửa đình/đền khi khai hội bằng những cơn mưa, nổi mưa giông, sấm vào lúc rước giã hội, không còn mang tính Thiêng như xưa nữa. Hay do những yếu tố về sản xuất nên khoảng thời gian diễn ra hội cũng không còn dài như xưa, do đó, người dân cũng gộp hay rút ngắn các diễn trình nghi lễ.

Sự thay đổi về thành phần người đi lễ/khách hành hương: xưa kia, người đi lễ chủ yếu là người dân cộng đồng, nay điều đó không còn đúng nữa. Ngay người dân trong làng xã khi có hội, cũng đã chủ động mời khách. Họ là nhóm người ngoài làng xã, tuy không được “mời” nhưng cũng tự nguyện đi lễ hay hành hương, làm du khách. Cấu trúc thành phần tham dự khiến cho lượng người dồn vào trong một thời điểm và một không gian vốn chỉ được tạo lập cho quy mô nhỏ, đòi hỏi phải có những điều chỉnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo ông Quang, nhận diện những thay đổi này của lễ hội là cần thiết để có những giải pháp thích hợp trong công tác tổ chức và quản lý./.


Hoàng Nguyên

Nguồn: Tổ Quốc
Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội đang có những thay đổi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.