Lễ cưới Cơ Tu

08/11/2015 09:46

Theo dõi trên

Đám cưới của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thường được tổ chức ở nhà trai và có nhiều nghi thức, giá trị truyền thống tốt đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, độc đáo của đồng bào nơi đây.

Nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa

Theo già làng Bh’Riu Pố (thôn Arah, xã Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Đám cưới của đồng bào Cơ Tu thường được tổ chức ở nhà trai, từ lễ ăn hỏi tới lễ cưới được diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống tốt đẹp vốn có. Đầu tiên nhà trai sẽ chuẩn bị sẵn mâm cơm, thịt để thiết đãi khách nhà gái gồm: đầu heo, 2 chai rượu, bộ lòng, móng chân ở chính giữa, các món đặc sản khác được đặt xung quanh mâm lớn. Mâm cỗ này được đậy kín và chỉ được mở ra khi 2 bên thông gia đạt tình, hợp ý khi nói lý - hát lý xong… Trước khi đoàn nhà gái đến, nhà trai tổ chức đánh trống, chiêng nhảy múa đón chào đoàn khách của nhà gái đến theo điệu Tơrglech.


            
Hai bên gia đình cùng dân làng hát, múa chúc mừng đôi vợ chồng trẻ.

Những người đại diện bên nhà trai ngồi xung quanh mâm cỗ đợi nhà gái, khi nhà gái đến, mọi người đều đứng dậy bắt tay nhau rồi mời nhà gái ngồi xung quanh xen kẽ với nhà trai. Khi chỗ ngồi ổn định, già làng bên nhà trai thưa chuyện nói lý trước, khi nói xong thì già làng bên nhà gái đáp từ nói lý tương tự và tiếp theo đại diện nhà trai hát lý. Trước khi nói lý và hát lý của hai bên gia đình, nhà gái cũng không quên góp phần vào mâm cỗ của nhà trai vài chai rượu thật ngon, cá ống to, gà luộc để chung với mâm cỗ của nhà trai đã chuẩn bị sẵn.

Nội dung nói lý và hát lý của hai họ là nhà trai cảm ơn nhà gái đã đến nhà trai tiễn con gái của mình cho nhà trai, gia đình nhà trai rất hãnh diện có được cô dâu xinh xắn, hiền lành, nhà trai không biết nói gì chỉ biết nói lời cảm ơn chân thành nhất, đồng thời thể hiện sự xấu hổ với nhà gái vì không có quà gì quý, món ngon… Còn nhà gái thể hiện sự xúc động vì con gái nhà mình được về làm dâu nhà trai thật là diễm phúc, nhà gái cũng thể hiện sự áy náy khi không có nhiều cơm, xôi, rượu nồng, gà, vịt béo... và mong sao nhận được nhiều sự thông cảm từ nhà trai…


            
Nhà trai và nhà gái cùng thực hiện nghi lễ hỏi, cưới.

Sau phần đón khách là tới phần cúng sống (trước khi giết chết 1 con heo và 1 con gà), heo được đại diện nhà gái chọc tiết và gà được đại diện nhà trai cắt cổ và được làm sạch luộc sớm phần đầu, lòng, móng để cúng chín. Sau khi đã chuẩn bị đồ cúng xong thì tiến hành làm lễ cúng do chính hai gia đình thực hiện.

Sau khi cúng xong nhà gái chuẩn bị những mâm cỗ gồm: thịt, cơm dẻo, rượu nồng để đãi nhà trai. Và tiếp đến là làm cỗ chiêu đãi toàn thể khách mời. Mâm cỗ lớn nhất được đặt chính giữa, xung quanh là những mâm cỗ nhỏ và vừa, mọi người ngồi vòng tròn khép kín vừa uống vừa theo dõi nghe nội dung hát, nói lý của từng lão niên.



… Và uống rượu chúc mừng.

Nét đẹp trong lễ cưới

Trong nghi thức cưới hai bên gia đình phát biểu ý kiến của mình, nội dung chủ yếu cảm ơn bạn bè, người thân đã giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất và yêu cầu nhà trai tạo điều kiện giúp đỡ cô dâu, đồng thời dặn dò con gái phải hết mực thương yêu chồng, bố mẹ chồng… Tiếp đó, trước mặt họ hàng hai bên, đôi vợ chồng trẻ hứa sẽ yêu thương nhau suốt đời. Cô dâu tặng bố mẹ chồng một tấm tút tự dệt và chú rể tặng cho bố mẹ vợ một cái chiêng (ché…) để thể hiện lời hứa của đôi vợ chồng trẻ sẽ sống trăm năm hạnh phúc, mong bố mẹ hai bên yên tâm, tin tưởng vào hai con. Anh Lăng A Rấy (Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Tây Giang) cho biết.



            Cô dâu và chú rể cùng nhau mang rượu, mâm cỗ xuống mời dân làng.

Sau khi hoàn thành xong các nghi lễ trong nhà, cuối cùng sẽ là lễ đâm trâu mừng đám cưới, cầu khẩn thần linh ban cho mùa màng bội thu, họ hàng, buôn làng mạnh khỏe, sống lâu, làm cây lúa được cây lúa, làm rẫy bắp được rẫy bắp, nuôi con heo, con trâu, con gà mau lớn, cầu cho mọi người, cho buôn làng không đói ăn, có nhiều của cải, người già được sống lâu, con trẻ sinh nhiều con… Cha của chú rể làm phép giết trâu, sau đó đưa giáo lại cho một thanh niên khẻo mạnh trong làng thực hiện động tác đâm trâu. Thịt trâu được làm ra để cúng thần linh và khao khách trong tiệc cưới. Cả hai bên gia đình và khách mời có mặt tại buổi lễ cưới tổ chức văn nghệ, nhảy múa, đánh trống, thanh la theo nhịp điệu Pơr Lư.

Theo Làng Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ cưới Cơ Tu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.