Lễ cúng Thần rừng của người Nùng ở Hà Giang

23/11/2015 14:58

Theo dõi trên

Cúng Thần rừng là một lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc của người Nùng ở Hà Giang, được tổ chức nhằm cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…


Thầy cúng làm các nghi lễ cúng thần Rừng. Ảnh: Internet

Trong ý thức người Nùng ở Hoàng Su Phì, rừng cấm là nơi thần rừng cư ngụ và để có cuộc sống no đủ, gia đình được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được phép xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú... hàng năm, vào tháng hai hoặc tháng tháng ba âm lịch, người Nùng ở khắp các thôn bản trong huyện lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng rừng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng, trước đó khoảng 1 ngày, các hộ gia đình trong toàn xã cử một người nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm để đóng góp. Trong các vật phẩm thì có một số lễ vật không thể thiếu được đó là: Một con trâu (cứ 3 năm thì cúng một lần), một con lợn từ 50kg trở lên, 4 con gà trống, rượu và cơm xôi đỏ để làm lễ cúng. Ngoài ra, còn có hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó. Các lễ vật được bày trên 4 đàn lễ gồm: Đàn lễ cúng Hoàng Vần Thùng và 3 đàn lễ cúng các cận thần của Hoàng Vần Thùng là ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều.

Thầy cúng tiến hành tuần tự các bài cúng đối với từng lễ vật dâng lên thần rừng và tổ tiên, báo cáo thần rừng từng lễ vật dâng thần, xin thần rừng làm chứng. Nội dung của phần cúng này là mời thần rừng về dự lễ cúng, liệt kê những lễ vật mà dân làng dâng lên và mong các vị thần đón nhận. Bài cúng kết thúc cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã tề tựu đầy đủ và chấp nhận những lễ vật mà dân làng dâng lên. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần linh đã che chở cho dân làng, hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, để mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt.




Chỉ có đàn ông mới được phép tham gia lễ cúng rừng. Ảnh: Internet

Sau khi tiến hành các nghi thức cúng mang tính bắt buộc như: Nhập đàn, cầu phúc, cầu lộc, nhận lễ sống, nhận lễ chín, tiễn Thần rừng xa giá về Cản Nhủng thì số lễ vật sẽ được dành một ít để chế biến làm đồ lễ và làm thức ăn sau khi tế lễ, số còn lại được chia đều thành các phần nhỏ cho mỗi gia đình một ít, sau khi nhận số thịt này, mọi người đem về làm lễ vật để tiếp tục cúng thần nông tại khoảng sân bằng ngay trước gian giữa của miếu thờ. Toàn bộ số lễ vật còn lại được chế biến và ăn uống ngay tại khu rừng cấm.



Cúng xong, dân làng tiến hành chặt thịt để nấu ăn ngay tại rừng. Ảnh: Internet

Tiếp đến Phần hội diễn ra, trong đó không thể thiếu được điệu múa ngựa - điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Nùng. Cùng với ý nghĩa muốn dâng lên Hoàng Vần Thùng những đồ dùng, dụng cụ và phương tiện sinh hoạt hàng ngày thì với những động tác uốn lượn mềm dẻo linh hoạt, hòa trong tiếng nhạc chuông rộn rã cho thấy sự điêu luyện trong nghệ thuật trình diễn và tính độc đáo của các đạo cụ của người Nùng. Qua đó, khiến cho lễ hội cúng rừng trở lên sinh động nhưng không kém phần huyền bí giữa một không gian chốn rừng thiêng mà hàng ngày vốn âm thầm tĩnh lặng.

Trước khi ra về, tất cả mọi người tham gia lễ cúng đều đến vái tạ trước bài vị Hoàng Vần Thùng để thể hiện sự tôn kính đối với những bậc tiền nhân.

Nghi thức cúng Thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì đã thể hiện những nét văn hóa độc đáo riêng, tạo nên sự đa dạng trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng mà chúng ta cần phải giữ gìn. Thông qua Lễ cúng Thần rừng cũng làm cho nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ rừng và nguồn nước được tốt hơn. Bên cạnh đó xét về khía cạnh lịch sử thì Lễ cúng thần rừng chính là kho tài liệu quý báu về tinh thần gắn kết cộng đồng của các tộc họ người Nùng trước một thiên nhiên bao la rộng lớn mà cũng đầy rẫy những bất trắc khó khăn luôn rình rập.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ cúng Thần rừng của người Nùng ở Hà Giang" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.