
Lễ hội truyền thống này được tổ chức lần lượt theo từng gia đình trong dòng họ, thông thường lễ hội này chỉ diễn ra từ 15 đến 30 tháng 3 âm lịch. Trước kia, người Chơ ro ở nhà dài, các tiểu gia đình trong ngôi nhà tổ chức lễ cúng thần lúa vào từng thời gian khác nhau, tránh trùng lặp, để mọi người trong dòng họ, xóm giềng đều đến chung vui với gia đình.
Trong lễ hội Sa Yang Va, cây nêu có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Theo cách nghĩ của người Chơ Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên. Bởi họ dựng cây nêu là để gửi “tin báo và thư mời” cho thần linh để đến dự lễ hội của cộng đồng Chơ Ro. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng. Hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng vào lễ hội.
Phía dưới nhà sàn, ngay từ buổi sáng diễn ra lễ cúng, những người Chơ Ro tham gia lễ hội làm thức ăn như: bánh dày, cơm lam, củ nần, củ mì, củ chụp, đọt mây… để đãi khách khi lễ cúng hoàn tất. Nếu lượng thức ăn nhiều thì họ chuẩn bị từ đêm trước lễ hội.
Lễ vật gồm một đùi heo phía chân sau, giữ nguyên đuôi; một nửa con gà nhưng giữ nguyên phần đầu và đĩa đựng một số đồ lòng của con vật như gan, cật, một ít thịt chặt rời. Các phần thịt để tươi. Thầy cúng bày lễ vật phía dưới ban thờ Nhang cùng với một ổ bánh dày và các loại củ nầu chín (nần, mì, chụp). Sau đó, người phụ cúng đem đĩa thịt ra xâu vào hai xiên tre (mỗi xiên tre xâu riêng biệt thịt heo, gà).
Sau khi lễ xong, mọi người có mặt trong buổi lễ đó cùng nhau nhẩy múa, ca hát, mọi người mời nhau ăn bánh, uống rượu, khi uống dàn nhạc vẫn thay nhau chơi trong không khí vui vẻ, hoà đồng. Người lớn thì ngồi quây quần, tâm sự ôn lại chuyện xưa, mách cho nhau những vùng rừng mới cần khai thác vào mùa tới. Cuộc chơi này có khi kéo dài hai ba ngày đêm, cho đến khi không còn rượu nữa mới thôi. Tuỳ theo kinh tế từng gia đình mà cuộc vui này kéo dài hay kết thúc sớm.