Lay lắt nghề dệt thổ cẩm làng Chiềng

11/10/2016 16:34

Theo dõi trên

Năm 2008, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Chiềng của xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn được công nhận

Lúc bấy giờ, trưởng làng nghề Hà Văn Nhi vui lắm bởi cái nghề truyền thống của người Mường sẽ vượt ra khỏi những nóc nhà sàn lọt thỏm giữa tứ bề rừng núi, mang lại cơ hội phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho người dân Mường, vốn bị cái đói, nghèo đeo bám hàng bao đời. Theo tập tục của người Mường, bất cứ một xứ Mường nào cũng có một làng tên gọi là Chiềng. Đó là trung tâm của xứ Mường, là nơi quan thổ tù ở và là nơi sinh hoạt chung của người dân. Còn nghề dệt thổ cẩm thì không biết có từ bao giờ, đã là con gái Mường thì ai ai cũng biết dệt, nếu không thì khó lấy chồng. Trước khi về nhà chồng, người con gái Mường phải tự tay mình dệt từ 6 đến 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng để thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ. Vì thế ở nơi đây, con gái 13, 14 tuổi đã thành thạo nghề, hầu như nhà nào cũng có khung cửi.

Bà Sa Thị Thoan, năm nay đã gần 80 tuổi cho biết: “Để dệt được một vuông vải thổ cẩm cần nhiều công đoạn lắm. Tháng 5 âm lịch, chờ ngày nắng đẹp mới thu hoạch bông, bông sau khi nhặt sạch phân loại đem phơi 2 - 3 nắng cho khô, bỏ hạt cán bông. Múi bông sau khi tách, dùng cung để tơi mịn rồi mới ép thành con để kéo sợi, mỗi con bông dài 15 - 20cm. Kéo sợi bằng la, tay quay, tay kéo phải thật đều để đảm bảo sợi chỉ đều, đẹp, mịn. Xong công đoạn kéo sợi mới chuyển sang công đoạn hồ. Nguyên liệu hồ là cơm nấu bằng gạo trắng, dẻo, đảm bảo cơm vừa nước. Cho cơm và sợi vào đuống, dẫm cho cơm nhuyễn rồi lấy sợi ra phơi khô sau đó xe thành ống. Sợi đã xe sẽ được cho vào dụng cụ xếp để xếp sợi dọc, đi sợi dài, số lượng tính vải làm nhiều hay ít, độ khổ rộng hay hẹp là tùy người sản xuất và mục đích sử dụng. Hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt”.


 
 
Bà Sa Thị Khoán, một trong số ít những hộ còn làm nghề dệt thổ cẩm.
 
Thổ cẩm người Mường có màu xanh của cây cỏ, màu đỏ, màu vàng của hoa rừng... Hoa văn không cầu kỳ nhưng rất tươi sáng, mang âm hưởng của rừng núi, chim muông. Chất vải thổ cẩm mềm, mịn, nhẹ mà lại rất bền, không phai màu. Cứ độ xuân về tết đến, những cô gái Mường lại xúng xính, duyên dáng trong những chiếc khăn, chiếc áo rực rỡ làm say lòng những chàng trai xứ Mường, làm nảy nở tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu núi rừng quê hương.

Những tưởng làng nghề được công nhận lại nằm trong vùng đệm của khu du lịch vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ là đòn bẩy để nghề dệt thổ cẩm phục hưng và phát triển nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Trở lại làng Chiềng sau gần chục năm, đập vào mắt chúng tôi là những chiếc khung cửi được tháo ra treo gọn trên mái nhà. Từ 320 hộ thường xuyên dệt khi làng nghề mới được công nhận thì nay chỉ còn khoảng hơn 60 hộ còn dệt, mà cũng chẳng thường xuyên, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn. Nở nụ cười héo hắt khi được hỏi sao làng nghề ngày càng teo tóp như vậy, bà Đinh Thị Bình, trưởng khu kiêm trưởng làng nghề cho hay: “Thổ cẩm làm ra bán rẻ như cho, mà cũng chẳng mấy người mua nên hầu như chẳng có ai còn làm. Hơn nữa, thanh niên lớn lên là đi ra ngoài làm công nhân hoặc các nghề khác, thu nhập vừa cao hơn lại ổn định nên nghề dệt cứ ngày càng mai một. Bên cạnh đó, nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm vừa thiếu, giá lại cao nên số người bỏ nghề ngày càng nhiều. Bây giờ quần áo may sẵn vừa rẻ, vừa tiện, quần áo may bằng vải thổ cẩm chỉ mặc trong dịp lễ, tết; mỗi người 2 bộ mặc hàng chục năm trời nên khó bán lắm”.

Bà Sa Thị Khoán, một trong số ít người vẫn còn đang làm nghề tâm sự: “một vuông vải trơn, có diện tích 40 cm2, không có hoa văn chỉ bán được 5.000 đồng đến 6.000 đồng; có hoa văn thì chỉ được 8.000 đồng đến 10.000 đồng. Một tấm vải trơn có chiều dài từ 10m đến 12m thì bán được khoảng 200.000 đồng, có hoa văn thì từ 220.000 đồng đến 230.000 đồng. Trong khi đó nếu người dệt giỏi, lại được xe sẵn sợi thì ngày chỉ dệt được khoảng 8m đến 10m vải trơn, 1m đến 2m vải có hoa văn. Nghề dệt thổ cẩm ở Kim Thượng hoàn toàn làm thủ công nên rất vất vả, ngay cả lấy công làm lãi cũng không đủ nếu như tính cả tiền nguyên liệu… Thế nên hiện giờ chủ yếu là dệt để cho nhà dùng, người mua chủ yếu là bà con trong xóm có con gái lớn sắp đi lấy chồng nhưng không dệt hoặc dệt không đủ. Những gia đình còn dệt như chúng tôi chủ yếu tâm niệm dù lỗ cũng phải làm, chủ yếu là để giữ nghề chứ không thì chỉ hơn chục năm nữa khéo không còn nghề dệt thổ cẩm ở đây nữa”.

Nghề dệt thổ cẩm làng Chiềng, ngày càng mai một là bởi sự chưa năng động với cơ chế thị trường của những người làm nghề. Đến một số làng nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở Ba Vì, thành phố Hà Nội; Mai Châu, tỉnh Hòa Bình… thấy ở đó phát triển tốt; người làm nghề sống được và làm giàu từ nghề. Sản phẩm của họ rất đa dạng, từ vỏ chăn, gối, quần áo đến túi xách, mũ, khăn quàng, ví, búp bê… Những người đứng đầu làng nghề ngoài dựa vào nguồn khách du lịch đến, thì họ cũng rất chịu khó mang sản phẩm đến các hội chợ,

(Theo Báo Phú Thọ)

Hùng Cường
Bạn đang đọc bài viết "Lay lắt nghề dệt thổ cẩm làng Chiềng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.