Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh Phan Thiết rất hữu tình, nên ông đã mua lại mảnh đất rộng 536m2, cách Tháp Po Sah Inư 100 m về hướng nam để xây dựng biệt thự.
Lầu ông Hoàng trên một vị trí cao - Ảnh: Nguồn internet
Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây. Lầu Ông Hoàng có một vị trí đẹp, cao 105 m so với mặt nước biển, cách trung tâm Thành phố Phan Thiết 7 km nằm trên khu vực đồi Bài Nài.
Tháng 7 năm 1917, Công tước De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau này, vua Bảo Đại mới mua lại nó.
Lầu Ông Hoàng là điểm hiếm hoi để có thể ngắm bình minh ửng hồng lên từ mặt biển và chìm khuất sau những dãy núi mờ xa lúc hoàng hôn.
Thú vị hơn là vào những đêm trăng. Ánh trăng mười sáu vằng vặc làm mọi vật trở nên huyễn hoặc, mờ ảo. Tất cả như chìm trong một lớp sương mờ, như có như không. Những người đang yêu, say mê thiên nhiên, không khỏi cảm xúc trước non nước hữu tình này.
Bởi thế, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thường xuyên ca ngợi ánh trăng trên lầu Ông Hoàng. Nơi đây đã chứng kiến những giây phút đẹp của mối tình thi sĩ và bao nhiêu mối tình khác nữa. Điều này, thể hiện rõ trong những vần thơ của ông.
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...
Đẹp đến mơ hồ. Bởi thế, nhiều người bảo chưa đến lầu Ông Hoàng ban đêm vào đêm trăng là chưa đến Phan Thiết.