Lập hồ sơ di sản Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế

24/12/2014 11:10

Theo dõi trên

Dự kiến trong 2015, thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế sẽ được nộp hồ sơ cho UNESCO, công nhận Di sản kí ức thế giới.

“Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế là di sản có giá trị rất đặc biệt, gần như chưa bao giờ bắt gặp ở những nơi khác”. Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khi nói về giá trị và lộ trình lập hồ sơ tiến tới công nhận thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế là Di sản kí ức thế giới.

PV: Thưa TS Phan Thanh Hải, ông có thể cho biết những giá trị nổi bật của hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế?

TS Phan Thanh Hải: Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế là một loại hình di sản rất đặc biệt. Đây là một hệ thống di sản nằm trong di sản. Tôi đã có dịp đi khảo sát và nghiên cứu khá nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khối Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Nho giáo như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chưa bao giờ tôi thấy trên hệ thống kiến trúc cung đình, đặc biệt là kiến trúc gỗ, người ta lại sử dụng thơ văn chữ Hán như là công cụ để trang trí, đồng thời lại mang ý nghĩa về mặt tư tưởng, biểu tượng, như là công cụ giúp cho họ nói lên được rất nhiều điều.




  Môtip trang trí ''nhất thi nhất họa'' (một bài thơ thì đi kèm với một bức tranh) trong điện Thái Hòa. (Nguồn: hue.vnn.vn)

 PV: Ông có thể nói cụ thể hơn, giá trị về mặt nội dung của một số tư liệu chữ Hán trên kiến trúc này?

TS Phan Thanh Hải: Nội dung của các áng thơ văn được khắc trên các công trình kiến trúc rất phong phú, nhiều chủ đề. Về chủ đề độc lập thống nhất Tổ quốc, có một bài thơ rất tiêu biểu mà người ta xem như một bài tuyên ngôn của triều đại nhà Nguyễn, được đặt ngay gian giữa điện Thái Hòa - nơi cả 13 đời vua đều lên ngôi tại đây, có 4  câu: “Văn hiến thiên niên quốc - Xa thư vạn lý đồ - Hồng Bàng khai tịch hậu - Nam phục nhất Đường, Ngu”, tức là “Đất nước ta có văn hiến ngàn năm - Nước ta có bờ cõi mênh mông vạn dặm - Từ thời Hồng Bàng mở nước đến nay - Cõi Nam đã khôi phục một quốc gia hùng mạnh như thuở Đường, Ngu bên Tàu”. Có thể nói, đó là bài thơ thể hiện tư tưởng độc lập, thống nhất và cho rằng nước Nam ta không thua kém quốc gia nào, là một nước độc lập, tự chủ, hùng cường ở phương Nam này.

Hoặc là có bài thơ khác cũng ca ngợi sự vững mạnh của triều đại: “Thái Bình tân chế độ - Hiến khoát cửu quy mô - Văn vật thanh danh hội - Xuân phong mã đế đô”, tức là “Thái bình chế độ mới - Mở rộng quy mô xưa - Văn vật về tụ hội - Gió xuân tràn khắp đế đô”, thể hiện lòng tự hào rất lớn về một kinh đô mới được xác lập, thể hiện tài năng văn vật cả nước đang hội tụ về đây. Chúng ta có thể thấy ở đây vẻ đẹp của tư tưởng, của lòng tự hào, tinh thần độc lập bất khuất của người Việt Nam được truyền từ nhiều thế hệ và được tích tụ tại đây chứ không chỉ trong một giai đoạn lịch sử.

PV: Còn về cách thể hiện thì sao, thưa ông?

TS Phan Thanh Hải: Cách thể hiện trên công trình kiến trúc rất phong phú, có khảm, chạm, nổi trực tiếp trên các chi tiết kiến trúc cũng như hệ thống đỗ bản, liên ba trên các kiến trúc gỗ. Lại cũng có loại cao cấp hơn là người ta dùng xà cừ khảm trực tiếp vào công trình. Hay đặc biệt có những chi tiết trang trí bằng ngà voi rất đẹp, tinh xảo. Rồi có một loại hình khác là người ta dùng pháp lam - một loại đồng có men rất đặc biệt chạm trên đó và các bài thơ, áng văn được thể hiện trên đó rất bền vững và đặc biệt sử dụng trong các công trình trang trí bên ngoài.

Ở giai đoạn muộn của kiến trúc triều Nguyễn, người ta còn dùng mảnh sành, mảnh sứ để khảm cận trang trí trên công trình kiến trúc nhưng lại dùng chính thơ văn để trang trí. Chúng ta thấy tiêu biểu trong thời Khải Định. Có thể nói, đây là giá trị rất đặc biệt mà xét trong bình diện chung của văn hóa Việt Nam hay là trên bình diện thế giới thì chúng tôi khẳng định đây là một di sản gần như chưa bao giờ bắt gặp ở các nơi khác.

PV: Trong hàng ngàn văn tự chữ Hán còn nhiều bài thơ, mang nhiều nội dung nổi bật khác cần được phổ biến đến mọi người. Vậy theo ông những bước tiếp theo để tiến tới việc lập hồ sơ công nhận giá trị di sản sẽ như thế nào?

TS Phan Thanh Hải: Việc lập hồ sơ công nhận Di sản thơ văn chữ Hán này trở thành di sản kí ức của thế giới có một quy trình. Chúng tôi đã tham khảo kĩ. Vừa qua tại hội nghị về phát huy giá trị của di sản kí ức thế giới được tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, chúng tôi đã có dịp tham gia đăng kí và có lời giới thiệu đầu tiên về di sản này như một giá trị hiếm có của Việt Nam.

Hiện nay chúng tôi đang tiếp theo quá trình hướng dẫn của Ủy ban di sản thế giới để đăng kí, hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến trong 2015 chúng tôi sẽ nộp hồ sơ và kết quả chính thức sẽ được công bố vào năm 2016.

PV: Nếu như hệ thống thơ văn chữ Hán trong kiến trúc cung đình Huế được công nhận là di sản kí ức của nhân loại thì chúng ta sẽ có thêm một di sản nữa trong cố đô Huế. Như vậy chúng ta sẽ có hệ thống “di sản trong di sản”. Kế hoạch bảo tồn những di sản này sẽ như thế nào?

TS Phan Thanh Hải: Cho đến thời điểm này Huế đã có 4 di sản mang tầm thế giới. Ngoài quần thể kiến trúc cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình thì Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn là hai di sản kí ức thế giới. Nếu di sản thơ văn chữ Hán được công nhận thì sẽ có di sản thứ 5 được công nhận.

Chúng tôi đã chuẩn bị cho một chương trình phát huy giá trị di sản, trong đó có khẩu hiệu “Một điểm đến năm di sản”. Tất nhiên, tất cả mới trong quá trình chuẩn bị nhưng chúng tôi tự tin chắc chắn nó sẽ được công nhận bởi vì đây là một di sản hiếm có. Đồng thời, nếu được UNESCO vinh danh thì sẽ thuận lợi hơn, cộng đồng sẽ nhận thức sâu sắc hơn một di sản quý hiếm của dân tộc. Còn chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị của nó. Điểm thuận lợi nhất là “di sản nằm trong di sản”./.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phương Thúy/VOV - Trung tâm Tin

Bạn đang đọc bài viết "Lập hồ sơ di sản Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.