Đền Ken được lập dựng từ đầu thế kỷ XIX, qua thời gian trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Ken từng nhiều lần bị tàn phá, có lúc tưởng chừng không còn dấu tích, nhưng rồi năm 2006 Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Chiến, người con quê hương đất Văn Bàn, thủ nhang cụm di tích đền Bảo Hà, Lào Cai bắt đầu đến thôn Chiềng Ken, xã Văn Bàn tìm hiểu và xác minh.
Ông gặp từng cụ cao niên trong làng và được các cụ kể lại: “Do lợi thế về điểm cao, lại có tầm quan sát rộng, nên thời thuộc Pháp, các quan binh thực dân đã chọn nơi này là điểm “chốt giữ” cả 4 thôn: Ken, Chiềng, thôn Bô, thôn Bẻ xung quanh bán kính 4 km. Tuy nhiên, quân địch không giữ đồn được lâu trước phong trào đấu tranh và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quân Cách mạng, bọn thực dân đã phải rút chạy, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân địa phương. Từ đó, tính linh thiêng của ngôi đền càng được nhân dân tôn thờ, bởi địch chốt giữ nơi này càng đánh càng thua.
Đền thờ ông Nguyễn Hoàng Long và các vị tướng lĩnh dòng họ Nguyễn đã có công đánh đuổi giặc xâm lăng trên quê hương Văn Bàn, giúp nhân dân các dân tộc nơi đây khai khẩn ruộng vườn, bảo vệ bản làng. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng, nhân dân lại tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ đến công lao của ông Nguyễn Hoàng Long và các chư vị”. Với kinh nghiệm từ những lần phục dựng nhiều khu di tích tâm linh và sự quyết tâm ông đã phục dựng từ một ngôi miếu đổ nát, nơi mà ở đó chỉ còn là những “phế tích” theo năm tháng trở thành ngôi đền Chiềng Ken khang trang được người dân cả nước đến chiêm bái như ngày nay.
Đền Ken là di tích lịch sử có giá trị văn hoá trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngay khi bước chân vào cổng, ngôi đền đã khiến du khách ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính, uy nghiêm và trầm mặc. Trấn giữ ngay trước cổng là một cây đa cổ thụ. Bước chân qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp 2 hàng cây lim xanh sừng sững tỏa bóng mát cho toàn bộ khu sân trước ngôi đền. Xung quanh là những vườn cây cổ thụ xanh mát, đem lại cảm giác thanh bình, yên ả.
Đứng giữa đồi cây vào một ngày giữa mùa hạ mới thấy hết sự quý giá của những tán cây cổ thụ gần 300 năm tuổi này. Cùng với cây đa tại đền Thượng (thành phố Lào Cai), 2 nhóm cây vân sam, đỗ quyên ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) và quần thể 231 cây gỗ nghiến, gỗ trai tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly (Bắc Hà), thì quần thể 5 cây sui ở Chiềng Ken (Văn Bàn) cũng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lào Cai.