Lào Cai: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

26/12/2022 20:36

Theo dõi trên

Trong hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ.

1-lao-cai-1671802666-1672061668.jpg
Lễ hội Đền Thượng  - thành phố Lào Cai

Với vị trí địa kinh tế địa chính trị và xu thế, nhu cầu phát triển trong tình hình hiện nay, trong giai đoạn tới cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai 

Tỉnh đã ban hành các đề án chuyên đề trong đó có nội dung về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; từng hoàn thiện bộ máy quản lý về di tích lịch sử văn hóa từ tỉnh đến xã. Ở cấp tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao có 01 phòng chuyên môn tham mưu về công tác quản lý nhà nước về di tích, 01 đơn dự nghiệp công lập (Bảo tàng) trực tiếp thực hiện nghiệp vụ về công tác lập hồ sơ di tích, tôn tạo, tu bổ di tích, tổ chức trưng bày, giới thiệu tại các điểm di tích,….; các huyện đều có Ban quản lý di tích cấp huyện, xã, ban quản lý di tích đơn lẻ để trực tiếp quản lý các di tích.

Công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia được đặc biệt quan tâm thực hiện. Năm 1999, Lào Cai mới có 4 di tích (Khu căn cứ cách mạng Cam Đường, Đền Thượng, Đền Bảo Hà, Di tích lịch sử chiến thắng đồn Phố Ràng ) được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, chưa có di tích cấp tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 52 di tích được cộng nhận, trong đó 32 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và 22 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Các di tích đều được quan tâm trùng tu, tôn tạo theo từng giai đoạn, đảm bảo tính nguyên gốc, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, có các công trình phụ trợ phù hợp.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, triển khai các quy định của pháp luật về di tích tới các cơ quan, địa phương để cộng đồng hiểu được giá trị của di tích cũng như trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy di tích. Công tác thanh tra, kiểm tra các di tích được tổ chức thường xuyên và tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành vào các dịp lễ, tết để kịp thời trấn chỉnh các sai phạm, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về công tác di tích; ban hành các văn bản pháp luật quy định về công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, chủ động hướng dẫn các địa phương, các ban quản lý di tích trong việc triển khai thực hiện các các hoạt động liên quan đến bảo tồn, phát huy di tích; quan tâm kiểm kê, đánh giá các di tích theo định kì để đề xuất kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích.

Nhất quán quan điểm bảo tồn gắn với phát triển, trong những năm qua, các di tích đều trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong hành trình đến với mảnh đất Lào Cai. Nhất là các di tích thuộc hệ thống tứ phủ, đạo mẫu như: Đền Bảo Hà, Đền cô Tân An, Đền Đôi Cô, Đền Cấm, Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Bắc Hà, Đền Hàng Phố,….. Qua đó, góp phần gia tăng tổng doanh thu về du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đồng thời, tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trong thời gian qua còn một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương trong lĩnh vực quản lý di tích còn nhiều bất cập dẫn đến những khó khăn trong công tác quy hoạch, khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ di tích. Nhiều cơ quan, địa phương chưa thực sự xác định được vai trò vị trí của công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn. Do đó, để xảy ra tình trạng coi việc bảo vệ di tích là việc của ngành văn hóa; Công tác quản lý di tích vẫn còn mang tính sự vụ; việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tich lịch sử cách mạng còn chưa thực sự hiệu quả; việc phát huy giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch còn gây một số ảnh hưởng thiếu tích cực đến công tác bảo vệ di sản; Đội ngũ cán bộ làm công tác di tích tại cơ sở còn thiếu và yếu, nhất là về lĩnh vực quản lý di sản, di tích, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các di tích.

2-dinh-thu-hoang-a-tuong-bac-ha-1671802713-1672061709.jpg
Dinh thự Hoàng A Tưởng Bắc Hà - Lào Cai

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa

Để phát huy những thành tựu và khắc phục các hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, trong giai đoạn tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch quân tâm đến một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích.

Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống di tích trên địa bàn, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích khoa học, khách quan, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về di tích của tỉnh.

Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản, phổ biến pháp luật về di sản thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, vai trò của các tổ chức, cá nhân về vị trí, giá trị của di tích trong đời sống văn hóa xã hội.

Tham gia tích cực vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý di tích lịch sử văn hóa; chủ động xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách về lĩnh vực di tích áp dụng tại địa phương. Gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể tại các địa phương với việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích. Kiện toàn và nâng cao vai trò của bộ máy quản lý di tích các cấp.

Xây dựng quy trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về di tích và triển khai hướng dẫn đến các đơn vị, địa phương có liên quan; trong đó dự báo được những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai và cách thức giải quyết những vấn đề đó; định hướng tốt các hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý di tích.

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích.

Hai là, gắn công tác bảo tồn, tôn tạo với  phát huy giá trị di tích lịch sử ở địa phương, trong đó, công tác bảo tồn, tôn tạo phải là trọng tâm.

Gắn kết giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể như nghệ thuật trang trí trong các đền, chùa, ý nghĩa thờ tự của đền, chùa, các câu truyện, huyền thoại gắn liền với di tích,…..; Bảo tồn di tích lịch sử gắn với nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và giáo dục cộng đồng.

Tiếp tục phát huy giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch, khắc phục triệt để những tác động thiếu tích cực trong hoạt động du lịch tâm linh; xác định rõ nội hàm, mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch để phát triển bền vững không phải chỉ là mục tiêu mà còn là hành động; kết nối, hình thành các chuỗi giá trị; phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực du lịch văn hóa.

Đẩy mạnh hoạt động diễn giải văn hóa, lịch sử gắn với trưng bày, giới thiệu tại các điểm di tích để làm nổi bật giá trị của di tích.

Từng bước xây dựng giải pháp để phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng trong giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử và phát triển du lịch của địa phương.

Triển khai có hiệu quả các chương trình phối phối hợp liên ngành, nhất là các ngành Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Công an, Tỉnh đoàn,…..

Ba là quan tâm đầu tư các nguồn lực cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Ưu tiên ngân sách cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, huy động các nguồn vốn tài trợ của cộng đồng và viện trợ của nước ngoài, các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, như: tổ chức các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống gắn với lễ hội tại các di tích. Hình thành điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực di tích, di sản. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản, quản lý di tích theo hướng tập trung đào tạo để hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quản lý di tích. Tổ chức tập huấn cho cho những người làm công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích, đội ngũ quản lý và nhân viên tại các di tích theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Từng bước xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm di tích có kiến thức về lịch sử văn hóa, có khả năng sử dụng ngoại ngữ để thuyết minh, hướng dẫn khách đến tham quan, chiêm bái.

Mặc dù không số lượng di tích lớn như các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng hay Bắc Trung bộ song Lào Cai là một tỉnh biên giới, là trọng điểm về du lịch có khu du lịch quốc gia Sa Pa, có những di tích nằm trong hệ thống tứ phủ đạo mẫu nên các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều là những điểm thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái. Điều này cũng đặt ra cho Lào Cai yêu cầu quan tâm đến việc triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trong giáo dục lịch sử, truyền thống, phát triển du lịch, dịch vụ.

Lan Phương
Bạn đang đọc bài viết "Lào Cai: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.