Làng Tiên Cung, xã Trung Sơn: Nơi lưu giữ một văn bia quý

15/08/2018 13:30

Theo dõi trên

Làng Tiên Cung trước đây được chia thành 3 xóm là xóm Gành, xóm Chùa và xóm Đền. Nhân dân trong làng có truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đạt được bổ ra làm quan.

Theo Gia phả dòng họ Đặng Đình (xóm 7, xã Trung Sơn) thì làng được hình thành từ thế kỷ XV, kể từ khi 2 anh em dòng họ Đặng Đình từ Hà Nội vào vùng đất này lập nghiệp. Được một thời gian, người anh quay về Bắc, người em tên là Đặng Đình Đĩnh ở lại tiếp tục khai hoang, làm ăn sinh sống dần dần lập nên làng gọi là Tiên Cung (1).

Làng Tiên Cung nằm ven dòng Lam hiền hòa, đất đai màu mỡ, trù phú. Đất lành chim đậu, sau đó các dòng họ khác lại tiếp tục vào đây khai phá như dòng họ Nguyễn Văn, Đặng Viết, Đoàn Văn, Nguyễn Văn, Hoàng Đình... Làng Tiên Cung trước đây được chia thành 3 xóm là xóm Gành, xóm Chùa và xóm Đền. Nhân dân trong làng có truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đạt được bổ ra làm quan.

 


Mặt trước và sau của văn bia

Hiện nay, trong làng có một bia đá rất lớn, được chạm khắc rất tinh vi. Phía trước và sau đều khắc chữ rất đẹp, theo nội dung trên bia cho biết, bia được làm vào ngày 12 tháng 9 năm 1881, dưới triều vua Tự Đức, tính đến nay (2018) là đã có 137 năm. Bia do ông Nguyễn Thành - nguyên là Tiến sỹ khoa Tân Hợi (1851), làm tới chức Hồng Lô tự Thiếu khanh, Quyền tham Nội các sự vụ hồ hồi dượng Đô cẩm - viết. Và do ông Nguyễn Cửu Tựu - nguyên là Cử nhân khoa canh Ngọ (1870), Phụng thành Đại phu, Tri phủ bản phủ - mua đá, làm bia, thuê thợ trang trí, khắc chữ và cấp ruộng để cúng tế. Nội dung văn bia như sau:

“Ngày xưa người học để tâm vào bậc Tiên sư (ý chỉ đức thánh Khổng Tử - PV), tỏ rõ sự trọng đạo vậy. Nay thiên hạ, từ kinh đô cho đến nơi ngõ hẻm không đâu là không có học, ở các thôn không đâu là không có đền thờ tiên sư, đó là chuộng chính đạo vậy. Thôn (tương đương với xã - PV) Thuần Trung (nay là 3 xã Đà Sơn, Trung Sơn và Thuận Sơn thuộc huyện Đô Lương) y theo thôn (tương đương với xã) Tổng Quán cùng con dấu và sổ sách, văn từ cùng thờ phụng các bậc văn võ khoa bảng, trước sau rực rỡ sáng ngời, phong lưu từ xưa.

Năm Mậu Ngọ (1858), niên hiệu Tự Đức, tú tài Vương Viết Dữ cùng bàn với xã rằng: Vẫn sự như cũ, chẳng được sao. Bèn mua gỗ tốt, khởi công sửa sang nền cũ làm cho mới, làm nhà thượng, nhà hạ 2 tòa toàn dùng gỗ lim, lợp ngói tốt để được bền lâu. Công việc xong xuôi, họp mọi người lại cùng nhau thống nhất rằng: Đền này, ở trung tâm xã, ở nơi nền cổ, địa thế cũng không sai vậy. Năm Bính Dần (1866) chín thôn kính chia triện hạ, nhưng đền vẫn chung. Nghe việc đó quan trên không ưng, bèn đến mời ta, ta nghĩ rằng việc tham chuộng đức của các bậc tiên triết, thiên lý tại lòng người, tức là ghi lòng tạc dạ vậy, ắt là (cũng như) ghi vào bia đá. Cúi nghĩ, nền xã mà dời đổi bất thường, nhân tâm trở lại như xưa, nho khoa thịnh suy bất thường. Nay lại chuộng chính sách nhanh nhẹn vậy. Không phải vận văn lớn (thì sao có được) sóng Lam biếc, suối nguồn văn vẻ, khí chất trong trẻo, làm thịnh vượng nho học, tư văn một mạch, cùng với sông núi trường tồn. Bèn khắc lời vào đá vậy.

Sau tiết Trung Dương 3 ngày (tức ngày 12 tháng 9) năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881).

Tiến sỹ khoa Tân Hợi (1851), Hồng Lô tự Thiếu khanh, Quyền tham Nội các sự vụ hồ hồi dượng Đô cẩm Nguyễn Thành.

Cử nhân khoa Canh Ngọ (1870), Phụng thành Đại phu, Tri phủ bản phủ Nguyễn Cửu Tựu trang sức đầy đủ bia trụ, đỗi liễn khuyên cúng ruộng tế”.

Như vậy, đây là một văn bia quý, nó được lập nên nhân việc xã Thuần Trung xây dựng lại đền thờ đức thành Khổng Tử nhằm khơi dậy sự học ở đây. Vậy nhưng cho đến nay, theo tìm hiểu của PV thì bia đá vấn chưa được nghiên cứu đầy đủ và đang có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mong muốn các cấp, các nghành có liên quan quan tâm nghiên cứu, xếp hạng và có phương án bảo vệ tấm văn bia quý này.

 (1) Theo Gia phả dòng họ Đặng Đình ở Tiên Cung (xóm 7)
 
Hoàng Kiểm

Bạn đang đọc bài viết "Làng Tiên Cung, xã Trung Sơn: Nơi lưu giữ một văn bia quý" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.