Làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm

09/01/2017 10:52

Theo dõi trên

Xã Vạn Điểm có khoảng 75% số hộ tham gia sản xuất nghề mộc. Doanh thu từ sản xuất kinh doanh nghề mộc hàng năm chiếm phân nửa tỷ trọng tổng doanh thu của xã. Nghề mộc ở Vạn Điểm đang lớn mạnh từng ngày.

Thương hiệu đã được khẳng định

Vạn Điểm thuộc huyện Thường Tín, nằm ở phía Nam Hà Nội, cách chừng 30 km. Đến Vạn Điểm, du khách sẽ được chứng kiến không khí sôi động, tấp nập của một làng nghề đang phát triển. Sản phẩm của người dân Vạn Điểm làm ra ngày càng đa dạng, từ sập gụ, tủ chè, bàn, ghế, giường, tủ, tranh gỗ, khay trà, gạt tàn thuốc lá, lục bình, tượng, tráp, bệ để ngà voi, chậu cảnh trang trí, vỏ đồng hồ… Mỗi sản phẩm đều mang nét riêng của hàng mộc Vạn Điểm, tạo nên một thương hiệu khó nhầm lẫn, thể hiện ở nét hình thưa thoáng, vẻ đẹp trang nhã, họa tiết, hoa văn cổ kính nhưng duyên dáng, ưa nhìn. Đặc biệt, sản phẩm được sản xuất nhiều nhất có lẽ là bàn ghế cao cấp, từ đầu làng đến cuối xã, từ trong xưởng đến ngoài sân chỗ nào cũng thấy bàn ghế cao cấp.



Đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm không chỉ tiêu thụ trong cả nước, mà còn đưa sang nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Khải, một cán bộ của xã Vạn Điểm, trước đây, các cụ làm mộc ở Vạn Điểm chủ yếu làm sơn son thiếp vàng đồ mộc thờ. Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, các cụ tổ chức thành lập hợp tác xã sơn mài; những năm 80 các cụ chuyển sang làm mộc giả cổ. Bắt đầu từ những năm 90, làng mộc Vạn Điểm chuyển sang sản xuất hàng mộc cao cấp. Năm 2001, làng mộc Vạn Điểm được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp bằng công nhận làng nghề.

Nghề mộc Vạn Điểm đã có từ rất lâu đời. Ban đầu, gồm những nhóm người nhỏ đi buôn bán đồ cổ có đưa kèm các loại bàn ghế, sau đó dần dần sửa chữa bàn ghế hỏng, tạo ra các sản phẩm theo mẫu có sẵn. Theo thời gian, làng nghề ngày càng phát triển, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, đồ gỗ Vạn Điểm dần trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước.



Nghệ nhân làng mộc Vạn Điểm đang tạo hình cho sản phẩm.

Trước đây, nghề mộc tập trung chủ yếu ở làng Vạn Điểm; ngày nay, nghề mộc đã lan rộng ra cả xã, thu hút khá đông lao động. Hiện tại, phần lớn người lao động của xã đều tham gia nghề mộc, người mở xưởng, người lập doanh nghiệp, người đi lao động làm thuê; nghề mộc còn thu hút lao động của các xã lân cận tham gia sản xuất, lúc cao điểm có thể lên đến 4.000 người.

Đưa sản phẩm vươn xa

Làng mộc Vạn Điểm chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng, thị trường chủ yếu là trong nước. Tuy vậy, giá cả sản phẩm của Vạn Điểm cũng không hề rẻ, từ vài chục đến vài trăm triệu một bộ bàn ghế cũng không có gì lạ. Một bộ phận khác trong làng sản xuất sản phẩm thô rồi xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc cùng một số nước khác.



Sản phẩm mộc Vạn Điểm.

Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Điểm, Phùng Đăng Tưởng cho biết, các sản phẩm của làng Vạn Điểm được sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, tạo thành dây chuyền sản xuất chuyên sâu. Hoạt động sản xuất vừa kế thừa kinh nghiệm khéo léo của cha ông để có những sản phẩm bền đẹp, vừa tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất lao động. Tùy theo sản phẩm, đơn đặt hàng hay hợp đồng mà gỗ được chọn có sự khác nhau, song tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất là gỗ không cong vênh, rạn, nứt, thớ dẻo mịn. Hiệp hội làng nghề Vạn Điểm đang tập trung xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề với mục tiêu cụ thể là tổ chức thi tay nghề và đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Hiện, Vạn Điểm có khoảng 1.000 lao động tay nghề cao đã qua đào tạo.

Ông Tưởng cũng bày tỏ mong muốn có được sự hỗ trợ của các cấp ngành để sản phẩm mộc Vạn Điểm vươn ra được thị trường quốc tế; góp phần quảng bá, thu hút khách đến tham quan làng nghề Vạn Điểm ngày một nhiều hơn.

(Theo langvietonline.vn) 

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.