Nỗi lòng người thợ làm rèn
Người ngoài nhìn vào các sản phẩm dao, kéo vẫn thường nghĩ nó được tao ra một cách đơn giản. Nhưng để có được các sản phẩm tưởng chừng như đơn giản ấy những người thợ rèn làng Đa Sỹ đã phải trải qua rất nhiều công đoạn, vô cùng tỉ mỉ và kì công.
Ðầu tiên là cắt phôi, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000 độ C, tùy thuộc vào nguyên liệu và độ dày, mỏng thời gian nung sẽ khác nhau. Phôi thép nung đến khi chuyển sang màu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai; việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác.
Tiếp đó, đến công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại và “tôi” qua nước để sản phẩm không bị giòn và có màu đẹp. Cầu kỳ nhất là gọt cánh, người thợ gọt cánh phải gọt thẳng xuôi theo chiều mũi dao nghiêng 45 độ. Tay gọt phải khéo, phải đều, như thế sản phẩm mới có độ sắc.
Cuối cùng là các công đoạn: mài nước, bôi dầu, tra cán... thường được người cao tuổi, phụ nữ và thiếu niên đảm nhận. Nhìn vào toàn bộ quá trình làm ra một sản phẩm, có thể thấy gần như tất cả “nhân lực” trong gia đình đều được huy động. Có lẽ vì vậy mà người dân Ða Sỹ gắn bó với nghề rèn ngay từ khi còn nhỏ đến khi đã về già.
Ông Hoàng Văn Dũng, thợ rèn làng Đa Sỹ chia sẻ: “Tôi học nghề từ cha của mình khi tôi 14 tuổi. Tính đến nay tôi đã có 40 năm gắn bó bên bếp lửa lò rèn cùng những tiếng đe, tiếng búa. Để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người làm nghề. Khâu quan trọng nhất là làm thành lưỡi, sau đó là tôi, người thợ phải có những bí quyết riêng, đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm. Quá trình tôi dao trên lò nung với nhiệt độ cao, khi làm không thể đo nhiệt lửa bằng đồng hồ mà hoàn toàn dựa vào mắt và kinh nghiệm của người làm, đòi hỏi người thợ phải căn chỉnh được nhiệt độ phù hợp”.
Điều mà nhiều người thợ rèn lớn tuổi trong làng lo lắng nhất hiện nay, thời thế thay đổi, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề rèn nữa bởi hiện tại nghề rèn thu nhập không mấy dư dả lại còn vất vả.
Tiếp nối “lửa nghề”
Anh Thành Đạt, một trong số ít các thanh niên tiếp nối nghề cha ông truyền lại chia sẻ: “Dẫu biết nghề nhiều vất vả nhưng nó đã là một phần trong tôi ngay từ khi còn nhỏ. Từ nhỏ tôi đã biết bôi dầu, tra cán phụ giúp cha mẹ, càng lớn tôi càng biết làm nhiều công đoạn hơn. Khi trưởng thành tôi cũng đã thạo nghề chính vì vậy tôi đã quyết định theo nghề rèn để tiếp nối ông cha”.
Ngày nay nhiều hộ gia đình còn có thêm thu nhập từ các khách đến tham quan du lịch làng rèn. Khách du lịch đến đây sẽ được trải nghiệm các quy trình làm dao dưới sự hướng dẫn của người thợ làng rèn và có thể mua lại thành phẩm mình đã tạo ra cùng với các sản phẩm mà người thợ đã làm sẵn.
Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều hộ gia đình tại Đa Sỹ đã đầu tư máy móc để giảm bớt sức lao động và tăng năng suất làm việc. Bên cạnh đó nghề vẫn có dấu ấn riêng bởi các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như tạo hình dáng, kỹ thuật “tôi” để dao sắc và bền… vẫn phải được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ rèn nơi đây. Nhờ có máy móc mà nghề rèn đỡ vất vả hơn nhiều…Vì thế nghề rèn vẫn giữ chân được người lao động.
Khi người dân làng nghề coi cái đe, cái búa là phương tiện để mưu sinh thì còn đó sự tận tâm giữ gìn nghề truyền thống của cha ông truyền lại. “Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi.../Nghịch ở đây gia trẻ như nhau/ Nên nụ cười nào có tắt đâu.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đây là một trong những làng nghề độc đáo được người dân ở làng Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông) gìn giữ, phát triển; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.