Lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt: Công trình nghệ thuật ghi dấu văn hóa Gia Định xưa

26/10/2023 08:50

Theo dõi trên

“Lăng Ông” là tên gọi dân gian khu di tích Lịch sử - văn hóa Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, tại 126 đường Lê Văn Duyệt, Phường 1, quận Bình Thạnh. Lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) - Tổng trấn thành Gia Định xưa, dưới triều đại 2 vua Gia Long và Minh Mạng.

Tháng 11/1988, Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

Ngày 25/8/2022, UBND quận Bình Thạnh (TPHCM) tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) khi mới 16 tuổi, Ông đã theo Chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh) và lập rất nhiều chiến công hiển hách, sau khi giang sơn thống nhất Chúa Nguyễn lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long và phong cho Ông chức Tả Quân.

Khi mất, Lăng mộ của Ông được xây dựng trên gò đất cao thuộc vùng đất Gia Định. Năm 1835 sau cuộc binh biến do con nuôi của Ông (Lê Văn Khôi) khởi xướng, vua Minh Mạng đã cho san phẳng rồi cho xiềng xích mộ phần của Đức Tả Quân. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị và sau đó năm 1848 vua Tự Đức đã giải oan, phục hồi quan tước và uy danh cho Đức Tả Quân, đồng thời xây đắp mộ phần và tu bổ lại khu điện thờ bên cạnh khu mộ. 

Cổng chính vào Lăng có tên là Cổng Tam Quan, từng được chọn là biểu tượng của Sài Gòn - Gia Định (xưa). Tổng quan về kiến trúc, Lăng được xây dựng trên một trục thẳng, gồm: Nhà bia – Lăng mộ – Miếu thờ (Tiền điện – Trung điện – Chánh điện), theo hướng từ cổng chính đường Vũ Tùng đi vào. 

Quần thể khu Lăng mộ Đức Tả Quân được bắt đầu với Nhà Bia (Lê Công miếu bia), bên trong có tấm bia đá do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894) ca tụng công đức của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân. 

lang-duc-ta-quan-le-van-duyet-1698284971.jpg

Sau Nhà bia là Khu lăng mộ được bao bọc trong một tường thành hình chữ nhật với hai cạnh hướng đông và hướng tây dài 14,5m, dày 0,8m. Cạnh hướng Nam là cửa mộ có bức bình phong phía trước dài 4,2m. Cạnh hướng Bắc được xây cao hơn, có bức bình phong phía sau với hình rồng 4 móng đắp nổi. Trong đó có hai nấm mộ được xây giống nhau về hình dáng và kích thước, theo kiểu “nấm liếp” (bệ dưới hình chữ nhật dài 4,5m; rộng 6,3m; cao 0,4m) và trứng ngỗng (phần úp bên trên), dựa vào sự sắp đặt tất cả các vật thờ từ xưa, vào quan niệm “nam tả, nữ hữu” thì phần mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt nằm bên trái theo hướng từ miếu thờ nhìn về nhà bia. 

Qua khu Lăng mộ là Miếu thờ (Tiền điện, Trung điện và Chánh điện) với sân Miếu được lát đá trong khuôn viên ngang 26m rộng 15m, đây là khu vực trung tâm diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Tiền điện, được xây dựng theo kiểu nhà ba gian truyền thống, với khung nhà gồm 4 cột cái và 12 cột biên. Trung điện, nơi thờ bài vị và hình thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chánh điện, nơi có tượng thờ Tả Quân đúc bằng đồng cao 2,6m và nặng khoảng 3.5 tấn cùng với bốn cột chính được thiết trí thành long trụ sơn son thếp vàng. Với lối kiến trúc khảm sành sứ, dù được xây dựng và duy tu qua nhiều thời kỳ nhưng các nghệ nhân Sài Gòn – Gia Định vẫn kế thừa tính nhất quán nên kiến trúc Lăng vẫn giữ được nét đẹp độc đáo, cổ kính và đậm chất nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. 

Qua thời gian, Lăng mộ Đức Tả Quân được người dân khắp nơi đóng góp duy tu, mở rộng và trở thành công trình giá trị như ngày nay. Ngày 6 tháng 12 năm 1989, toàn bộ khu Lăng được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt: Công trình nghệ thuật ghi dấu văn hóa Gia Định xưa" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.