Làng “ma” Bút Tưa, ngày ấy bây giờ…

11/11/2014 00:01

Theo dõi trên

Làng Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã từng một thời gây xôn xao dư luận bởi câu chuyện “ma ám”. Trở lại ngôi làng sau một năm trôi qua, cuộc sống nơi đây nay đã có nhiều thay đổi, thế nhưng tận sâu trong tâm trí mỗi người dân Cơ Tu nơi đây hình ảnh “con ma” vẫn còn ám ảnh.




Vẫn ám ảnh ma làng, người dân treo nhiều đầu lợn để trừ tà

Lời giải cho 4 cái chết do … “ma ám” 

Trở lại Bút Tưa vào một ngày đầu tháng 11, người dân làng đang chuẩn bị cho chuyến đi rẫy mới. Chúng tôi dừng chân hỏi một người phụ nữ trạc tuổi 60 đang phơi đồ, để nhờ chỉ đường vào làng ma, nhưng bà lắc đầu không biết. Đi xa hơn một đoạn rồi quay lại nhìn người phụ nữ đó, tôi vẫn còn bắt gặp ánh mắt “trông chừng” của bà. Tôi cảm nhận dường như khi nhắc đến “làng ma”, người dân Cơ Tu vẫn còn “cảnh giác”.

Rất may sau đó chúng tôi gặp được già làng Bút Tưa, ông A Lăng Văng, khi nghe chúng tôi đề cập đến việc muồn được nghe kể lại chuyện “ma ám”, ông nói: “Có gì đâu, tôi đã báo cáo lên xã rồi, họ chết không phải do ma ám”. Và câu chuyện đi tìm lời giải cho những cái chết kia bắt đầu.

Già làng bắt đầu bằng một câu chuyện thời kỳ chống Pháp, năm 1932, người Pháp đổ vào làng Bút Tưa, rất nhiều người Cơ Tu bị buộc nghe theo Pháp, tuy nhiên sau đó người Cơ Tu quyết tâm giành lấy tự chủ trên đất mình và họ đấu tranh. Và dẫn đến nhiều cái chết trên đất Bút Tưa của thực dân Pháp, người Cơ Tu.

Già làng A Lăng Văng nói: “Năm 1984, làng Bút Mưa xuất hiện nhiều con buôn đi mua lúa của dân, sau đó, chính quyền ngăn cản không cho họ lấy lúa làng nữa, để có thóc khi đói. Tháng 8 năm ấy, công an huyện đã xuống bắt họ, hồi đó, ông  A Lăng Tua, vốn nằm trong Hội đồng xã Sông Kôn, phụ trách chủ yếu tại thôn Bút Mưa và xã. Vì ông A Lăng Tua sợ công an bắt mình, nên 5 giờ sáng, ông A Lăng Tua ra sau rừng, tìm lên ngọn núi cao của thôn thắt cổ tự tử”.

Đó là cái chết đầu tiên và cũng bắt đầu từ ngọn núi, nơi ông A Lăng Tua tự tử, có ma. Già làng cũng cho biết thêm, cái tên Bút Tưa, vốn là tên một người con gái của ông A Lăng Tua.

Cái chết tiếp theo là năm 2008, ông A Lăng Nhứt thắt cổ tự tử, mà theo già làng nguyên nhân là do uống rượu rồi tự kết liễu đời mình. Sau đó, là 2 người nữa là A Lăng Nghĩa và A Lăng Tròn vào năm 2013 và 2014,  tất cả đều chết vì thắt cổ tự tử, trong đó A Lăng Nghĩa và A Lăng Tròn đều có tiền sử bệnh tâm thần.

Dù nguyên nhân cái chết được làm rõ, nhưng với nhiều người dân nơi đây vẫn còn bị ám ảnh, trong chòi trước nhà của mình, nhiều họ treo rất nhiều đầu xương đầu heo, nhằm tránh… “ma ám”.

Làng Bút Tưa bây giờ…

Cả 17 hộ dân Bút Tưa ngày ấy đã rời bỏ ngôi làng của mình, chuyển đến khu đất mới. Cuộc di dân được người trong cuộc cho rằng là lớn nhất trong lịch sử của làng này. 

Tại nơi ở mới, cuộc sống bắt đầu có những thay đổi. Già làng A Lăng Văng cho biết: “Hiện nay, làng có 57 hộ, 195 nhân khẩu, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ biết làm kinh tế”.

Con đường vào thôn Bút Tưa được đổ bê tông khang trang, đã có vài ngôi nhà xây mọc lên, người dân nơi đây bắt đầu lên rừng làm rẫy.
Nhà già làng A Lăng Văng có 3 người con, mỗi đứa con, già chia mỗi người con vài hecta rừng, theo đó, A Lăng Ớt, có 3 ha rừng trồng keo, mỗi lần thu hoạch keo được khoảng 20 triệu/lần. A Lăng Nghĩa, người con gái duy nhất được ông chia 3 ha rừng để đi lấy chồng, còn người con trai kế là A Lăng Núi, vừa được ông chia 1 ha để trồng.

Theo phong tục người Cơ Tu nếu họ đã rời làng thì sẽ không bao giờ trở lại nơi ở cũ, dù chính quyền “ra sức” vận động. Khi rời khỏi làng, người dân không để tên Bút Tưa nữa thay vào đó là Tổ 1, Tổ 2. Nên việc tìm lại ngôi làng thật khó khăn.

Nhìn Bút Tưa bây giờ đã có “hơi” sức sống mới, nơi đây gần đường lớn, đi ra khoảng 1km là đến UBND xã Sông Kôn, giúp cho dân Cơ Tu tiếp cận được thông tin đài báo, hơn nữa, giờ nhà nào cũng có ti vi, điện.
 
Bình Phú

Bạn đang đọc bài viết "Làng “ma” Bút Tưa, ngày ấy bây giờ…" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.