Làng Phước Tích nằm ở vị trí khá đặc biệt, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, Huế, được bao bọc bởi dòng Ô Lâu huyền thoại. Làng Phước tích được hình thành vào năm 1470 (năm Canh Dần), đúng vào thời gian mở mang bờ cõi về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt.
Theo ghi chép trong gia phả của dòng họ Hoàng, dưới thời vua Lê Thánh Tông cuối niên hiệu Hồng Đức thứ nhất 1470 và đầu niên hiệu Hồng Đức thứ hai 1471, Hầu tước Hoàng Minh Hùng, tục gọi là ông Nồi, người làng Cẩm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau khi chinh phạt quân Chiêm Thành thắng lợi, trên đường trở về, Hầu tước nhận thấy vùng đất này là nơi “đất lành chim đậu”. Ông dừng chân lại đây và cho lập làng. Và ông trở thành thuỷ Tổ họ Hoàng của làng.
Buổi bình minh, làng có tên là Phúc Giang (dòng sông có nhiều phúc lộc) còn gọi xứ Cồn Dương. Đến thời Tây Sơn làng đổi tên thành Hoàng Giang, để tưởng nhớ đến dòng họ Hoàng, người “khai canh lập ấp” vùng đất này. Năm 1802, vua Gia Gia Long lên ngôi Hoàng đế, cho đổi tên là Phước Tích, theo ước nguyện của dân làng “tích luỹ phúc đức cho con cháu về sau”, đồng thời cũng để tránh tên huý chúa Nguyễn Hoàng.
Làng cổ Phước Tích, thuở trước là đất của người Chăm, đến thời vua Chế Mân, năm 1306 đã dâng hiến cho Đại Việt hai vùng châu Ô và châu Lý làm quà cưới Huyền Trân Công chúa. Phước Tích tuy là một làng nhỏ nhưng có đến 12 bến nước, tượng trưng cho 12 dòng họ đầu tiên đến khai canh lập địa.
Cùng với việc lập làng, những lưu dân xứ Nghệ vào đây sinh cơ lập nghiệp, đồng thời họ mang nghề gốm cổ truyền theo, lại gặp nơi không có ruộng đất canh tác, nhưng quanh vùng này rất giàu loại đất sét quý, phù hợp cho nghề gốm phát triển, và là nơi cận sông nước, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá. Từ đó, người dân Phước Tích chủ yếu sống bằng nghề gốm sứ.
Gốm Phước Tích làm từ đất sét. Sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp vùng quê không chỉ bởi độ bền, mà đặc biệt rất phong phú về kiểu dáng, không có cái nào giống cái nào và khác nhau cả về mầu sắc. Các sản phẩm gốm Phước Tích tuy không tráng men, nhưng sau khi nung vẫn có một lớp men nổi bên ngoài không bị thẩm thấu.
Lò nung nung gốm Phước Tích chủ yếu dùng củi, nhưng đây lại là một khó khăn của người thợ gốm, vì vùng này hiếm củi. Nhưng do Phước Tích là nơi sản xuất “om ngự”, nồi nấu cơm cho vua, chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ. Dân gian có câu: Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân.
Do đó, hàng tháng làng phải nộp cho triều đình Huế 30 chiếc “om ngự”. Nhờ vậy, làng được đặc ân đi các nơi khai thác những gì cần cho nghề gốm, mà không cần xin phép chính quyền địa phương, trong đó có việc vào rừng thuộc xã Mỹ Xuyên, hay sang Cồn Gióng, xã Hải Chánh, hoặc đến Dương Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để lấy củi. Lò nung gốm Phước Tích là loại “lò cóc”, vì có hình dáng bầu bầu như bụng con cóc. Lò dài chừng 30m, phía trên có mái che lợp bằng tranh. Gốm Phước Tích làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống. Các sản phẩm được tạo hình bằng cách đặt đất sét lên bàn xoay, rồi dùng tay để tạo dáng sản phẩm.
Sách “Ô châu cận lục” ghi rằng: Tại vùng này có hai làng Phước Tích và Mỹ Xuyên đều làm nghề gốm nổi tiếng nằm cạnh nhau. Nhưng về sau người ta biết chỉ có làng Phước Tích làm nghề gốm. Thậm chí ngay cả người dân Mỹ Xuyên cũng không biết tại làng mình đã từng có lò nung gốm. Nhưng qua trận lũ năm 1990, làm xói mòn khu vực Cầu Máng (gần Cồn Trèng), làm lộ thiên các hiện vật gốm cổ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là gốm Chăm. Một số khác lại khẳng định đây là gốm Việt. Thực ra giữa gốm Chăm và gốm Việt khác nhau chủ yếu qua công đoạn chế tác. Người thợ gốm Chăm chế tác không cần bàn xoay, mà dùng đôi bàn tay khéo léo để tạo dựng bất cứ sản phẩm nào. Họ không cần xây lò nung lớn như lò gốm Việt.
Sản phẩm gốm Phước Tích đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại như: lu (chum), ghè, thạp, thống, om (niêu), ông Táo (bếp đun)… Trải qua một thời dài lịch sử, gốm Phước Tích thịnh suy theo thời gian. Ngày nay có nhiều sản phẩm gốm sứ công nghiệp với độ tinh xảo cao, màu sắc bền, mẫu mã vô cùng phong phú ra đời. Gốm Phước Tích không thể nào cạnh tranh nổi. Làng gốm Phước Tích chính thức tắt lửa vào năm 1980, sau 500 năm hoạt động bền bỉ, đã làm cho bao người nuối tiếc.