Làng đá Non Nước rơi vào “đại hạn”

05/11/2014 23:15

Theo dõi trên

Cuối thu đầu đông, khi những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu tràn xuống, những cơn mưa dầm bắt đầu kéo đến, làng đá Non Nước trở nên đìu hiu vắng khách.

Năm nay hàng đá mỹ nghệ làm ra ế ẩm, thợ thầy rơi vào cảnh lay lắt sống lần hồi chờ ngày hồi sinh. Khi công cuộc di dời làng nghề đến khu quy hoạch mới vẫn còn đang dang dở ngổn ngang vì bao nhiêu vấn đề nảy sinh thì đùng cái, công văn 2662 của Bộ VH,TT&DL ra đời. Làng nghề đá Non Nước rơi vào tận cùng đại hạn!
 


Các sản phẩm lân sư đều rơi vào cảnh ế ấm do không ai dám mua

“Đại hạn” sau 300 năm phát triển!

Chúng tôi trở lại làng nghề đá Non Nước sau nửa năm, khung cảnh xung quanh con đường Huyền Trân Công Chúa không tấp nập nhộn nhịp như khoảng giữa mùa hè. Mưa phùn, cái lạnh đầu mua khiến người ta thích chọn những địa điểm khác để thưởng ngoạn, vui chơi giải trí hơn là leo bậc dóc hít khí lạnh sương đá ngắm cảnh chùa ở chùa Non Nước. Những quầy hàng cơ sở bán đá mỹ nghệ hai bên đường vắng vẻ đìu hiu, tiếng cưa máy, tiếng đục khoét các thớt đá cũng im ắng, không còn ồn ã như trước đây.

Họa hoằn lắm mới có người đi ngang qua con ghé mắt vào các tượng đá, các chủ cơ sở nhanh chóng hồ hởi vẫy tay chào mời. Tượng đá thì nhiều, người đến mua thì ít nên các bà chủ ở đây “chăm sóc, mời mọc” khá kỹ. 

Con đường Huyền Trân Công Chúa sau bao năm dài thi công kiểu “cục giật” cuối cùng cũng xong, nền nhựa trơn láng thay cho con đường đất ngập ngụa bụi bùn trước đây. Tưởng rằng đường làm xong sẽ kéo theo khách du lịch đổ về sẽ giúp các cơ sở đồ đá mỹ nghệ bán buôn thuận lợi, thế nhưng công văn 2662 của Bộ VH,TT&DL “ban bố” rộng ra đã làm “chết đứng” các cơ sở sản xuất, lẫn buôn bán ở đây. 

Các cơ sở buôn bán tượng đá ế ẩm, kéo theo đó các cơ sở sản xuất tượng cũng đứng lại, gần 1000 thầy thợ, người làm công từ lay lắt cầm chừng giờ bỗng chốc thất nghiệp chỉ vì các tượng đá sư tử, lân bị đặt trong phạm vi của công văn.

Tiếp chúng tôi tại gian chái của cửa hàng, nơi đang tồn động hơn 20 cặp lân sư, bà Mai Thị Hiền (SN 1955), chủ cơ sở Trần An Hiền ngao ngán: “Làng nghề này sống nhờ bán lân, sư tử, nhưng 2 tháng ni thì không bán được gì cả. Từ nhỏ đời cha ông trước đây đã làm tượng lân, sư rồi. Từ khi công văn ra là không bán được, chết vốn luôn. Trước đây doanh nghiệp, công ty người ta mua nhiều lắm, giờ thì không ai mua nữa, họ mua rồi mà chưa đưa tiền họ trả lại hàng. Bà con hoang mang lắm”.

Bà Hiền cho biết, với một con lân, sư tử to cao hơn 1m2 thì 2 người thợ làm phải trên 10 ngày với 4 công mài nữa mới xong. Một cặp như vậy công cán rồi có giá thành lên đến 20 triệu. Giờ thì khách hàng chẳng ai dám mua, chủ cơ sở sản xuất, buôn bán thì ế hàng, thợ thầy, mài dũa tượng bỗng chóc rơi vào thất nghiệp. “Từ ngày ra công văn đến giờ thì cơ sở tôi cả 3 công nhân đều nghỉ việc luôn. Mấy cặp lân nằm đó làm từ trước khi ra công văn, đến giờ thì bán không được đành để đó, vốn chết không thu hồi được. Cặp lân đó 1m6, giá trước là 20 triệu, giờ 15 triệu chú mua tui cũng bán cho đó”.

Tại một cơ sở chuyên sản xuất tượng đá khác, anh Đặng Kình (30 tuổi) thợ của cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thái Khiêm, quê xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam đang hỳ hục gọt đẽo lại tượng của một đôi quy phụng. Cạnh đó, những cặp lân, sư tử để ngỗn ngang chỏng chơ mặc bùn đất loang lổ. 

“Nhà nước cấm rứa thì nghỉ làm chứ có đồ mô mà làm. Mình làm thợ 12 năm rồi. Giờ thì thất nghiệp. Cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều lắm, trước làm tháng được 4 - 5 triệu, giờ thì nhiều lắm được 2 triệu, không đủ xăng xe cơm nước, chi phí sinh hoạt. Trước đây nơi này có 5 thợ mà giờ còn mỗi mình chứ mấy, họ bỏ hết rồi”, anh Kình cho biết.

Anh Kình hiện tại có 2 con (một đứa 2 tuổi, đứa 4 tuổi), anh cho biết, với số tiền công thợ ít ỏi trên anh không thể nào nuôi đủ cho gia đình. Tính sơ sơ, tiền ăn, tiền học các con anh một tháng đã “ngốn” hơn 2 triệu đồng.

Trước đây, khi làng nghề đá Non Nước còn “hưng vượng”, ngày vào nghề anh Kình đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào công việc này với hy vọng thay đổi cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng công văn ra đời, mọi toan tính trước kia của anh đổ bể hết thảy. “Giờ nghỉ cũng không biết làm gì nữa. Hai tháng nay là không làm được gì. Thời trước hàng sư tử, lân bán chạy lắm. Giờ làm quy phụng nhưng người ta ít mua”.

Bà Nguyễn Thị Thọ, một thợ mài tượng (60 tuổi) cho biết: “Họ cấm cái chết đứng luôn. Dân thất nghiệp vì làm nghề ni từ lâu quen rồi. Giờ quen việc, cũng đã lớn tuổi nữa, mình chuyển sang làm việc khác thì không được nữa rồi vì không quen việc”. Bà Thọ cho biết, trước đây với một ngày công từ một trăm đến trăm hai ngàn, một tuần làm việc bà có thể kiếm được một triệu, thế nhưng số tiền đó giờ đây với bà là quá “xa xỉ”, bởi hiện giờ tuần nhiều lắm bà chỉ được thuê 1 - 2 ngày công đi mài những tượng nhỏ khác. 

Di dời làng nghề Non Nước vào khu quy hoạch rơi vào bế tắc

Những người thợ tại đây, và các chủ cơ sở sản xuất, buôn bán tượng đá cho rằng,  bởi làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm qua, thế hệ này sang thế hệ khác cùng làm một nghề đúc tượng lân, sư; và tại đây tượng lân, sư đã có tiếng dưới bàn tay tinh xảo của người thợ đá đã được thị trường trong và ngoài nước biết tiếng, giờ đây việc cấm đã làm cho người thợ vốn quen tay không có thể chuyển sang làm việc khác được nữa.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng nghề đá Non Nước đưa ra quan điểm: “Ta hồi trước cũng có con lân trong “tứ linh” rồi, làng nghề này có 300 năm thì con lân cũng có 300 năm. Lân ta trước thì đuôi bục ra như cái dù, sau này thì bên Hồng Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc qua đặt hàng, người thợ mình mới sáng tạo làm cho nó gân guốc ra, vẻ ra cho nó cái hồn mới như bây giờ chứ. Ai bảo nó là ngoại lai. Con lân, con sư tử nó có sexy, có chích hút, xì ke, hở mông gì đâu mà kêu ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Giờ con linh vật đó bao năm người ta đã thờ rồi, linh thiêng rồi, ai dám đem đi đập bỏ, vứt đi… Nếu nói là ngoại lai, anh phải nói là con gì cho rõ ràng, không thể nói chung chung vậy được. Đây không phải là nông nghiệp mà anh có thể nói chuyển đổi mô hình nuôi con gì sang con gì dễ dàng vậy được”.

Ông Minh cũng cho rằng, từ trước trong hồ sơ xin làng nghề Đá Non Nước là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, khi đó có đưa cả con lân vào danh sách trong hồ sơ. Nếu tại thời điểm đó, Bộ thấy không đúng thì phải cấm từ lúc đó, chứ đến thời điểm bây giờ thì cả làng nghề sẽ rơi vào cảnh điêu tàn. 

“Có thể nói, làng đá Non Nước sau 300 năm ra đời và phát triển đến bây giờ đã rơi vào tận cùn “đại hạn”!, ông Minh chua chát.

Ông Huỳnh Chính, Trưởng BQL làng nghề đá Non Nước trước phản ứng gay gắt từ phía bà con làng nghề cho rằng:“ Công văm không cấm, chỉ “đề nghị và khuyến cáo” thôi, nhưng thông tin khi các báo lan ra làm người mua không dám mua dẫn đến việc thị trường đứng lại. Các báo đưa thông tin cấm linh vật ngoại lai, mà họ không phân biệt đâu là linh vật đâu là thú, chụp hình con sư tử lên làm người ta không dám mua nữa. Con sư tử nó là con thú chứ đâu phải là linh vật gì. Trong công văn 2662 của Bộ VH,TT&DL cũng không có đề cập đến việc cấm con sư tử, hay cả con lân mà chỉ là đưa ra khuyến cáo chứ cũng không nói cấm. Còn công văn nói là bắt buộc phải di dời các linh vật ngoại lai thì đến giờ vẫn chưa có!”

Ông Chính cũng nói thêm, việc phân biệt con lân ngoại lai cũng là cả một vấn đề, con lân chẳng biết con nào là lân ta, con nào là lân Trung Quốc, vì so với 300 năm trước thì hình tượng lân ta và lân Trung Quốc giờ cũng khác với bây giờ.

Làng nghề “đứng lại” do thị trường lân, sư tử - hai mặt hàng có giá trị sản xuất chiếm phần lớn tại làng nghề đá Non Nước rơi vào cảnh ế hàng dẫn đến các cơ sở sản xuất vỡ nợ, đình đốn. Theo thống kê của BQL làng nghề đá Non Nước, việc ra công văn 2662 của Bộ VH,TT&DL đã tác động mạnh làm tồn động một lượng lớn tượng lân, sư tử lên có giá trị lên đến 80 tỷ đồng, cùng với đó 400 lao động đã phải nghỉ việc do cơ sở bị tạm ngưng sản xuất.

Điều này kéo theo việc kế hoạch di dời làng nghề vào khu quy hoạch theo kế hoạch cũng đứng trước nguy cơ khó thực hiện được theo đúng như kế hoạch. “Làng nghề đứng lại làm việc di dời làng nghề vào khu quy hoạch theo kế hoạch cũng bị “bể” luôn khi người ta nói không có đủ kinh phí để di dời cơ sở sản xuất được nữa..”, ông Huỳnh Chính cho biết.

Được biết, vừa qua, thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã vào Đà Nẵng họp bàn giải quyết vấn đề liên quan đến làng nghề đá Non Nước, thế nhưng sau cuộc họp diễn ra vẫn chưa có biện pháp cụ thể hỗ trợ người dân tại làng nghề đá Non Nước.

Dự án sẽ di dời 407 cơ sở sản xuất tại làng đá mỹ nghệ Non Nước với hơn 2.500 lao động sẽ được di dời đến khu quy hoạch làng nghề mới cách chỗ cũ khoảng 2km, nằm giữa hai phường Hòa Quý và Hòa Hải. Dự án có tổng kinh phí hơn 134 tỉ đồng. 
 
Uông Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết "Làng đá Non Nước rơi vào “đại hạn”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.