Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: thegioidisan.vn
Bên cạnh đó là những ngôi nhà cổ với đường nét kiến trúc từ thế kỷ XVII - XVIII cùng phong tục tập quán tín ngưỡng, lễ hội được gìn giữ bất biến qua nhiều đời. Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình… cùng với những ngôi nhà cổ.
Dạo quanh ngôi làng, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà cổ nằm ẩn mình, với màu ngói vẩy cá rêu phong đã có tuổi đời vài thế kỷ được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng Xứ Đoài xưa.
Ẩn sâu trong ngôi nhà ấy là những phong tục tập quán, tín ngưỡng, gia phong cổ truyền được truyền từ nhiều đời nay. Ngôi nhà cổ của ông Hà Hữu Thể cùng nghề làm tương gạo và ủ rượu truyền thống là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch.
Đặc biệt, với người dân Đường Lâm, hình ảnh chiếc cổng làng đã trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi trong tâm thức của họ. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực người dân đang sinh sống. Người đương thời sống sau cái cổng làng và người quá cố được an nghỉ bên ngoài cổng làng. Có thể thấy, cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực cũng như đời sống tâm linh của người dân Đường Lâm xưa.
Cũng như những công trình kiến trúc truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi thuật phong thủy. Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Các bậc tiền bối xứ Đoài cho biết, Đông Nam là hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc – hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng. Và cũng bởi quay hướng Đông Nam nên giữa trưa hè oi bức, không gian của cổng vẫn mở ra như ống thông gió, hút theo đó những hương vị của cây trái làng quê.
Cổng làng bao đời nay vẫn vậy, là sự ngăn cách giữa trong làng và ngoài đường, ngoài xã hội. Việc nhỏ, đóng cổng làng bảo nhau theo hương ước, quy ước. Trên dưới chấp hành tôn ti trật tự, nhà nhà, người người dần thích nghi mang tính truyền đời. Mà hương ước, quy ước cũng không bất biến, nó cũng được “khơi trong, gạn đục” cho hợp với từng thời, từng thể chế.
Cánh cổng làng cổ Đường Lâm bao đời nay luôn mở, cửa có chân quay, được ghép từ những phiến gỗ lớn, chắc khi khắc những dòng chữ lên Thượng Lương, tiền nhân cũng muốn chia sẻ thông điệp với người vào làng: Hãy thích nghi! Các nàng dâu về làng thì nhập gia, tuỳ tục. Quan khách tới làng thì hạ mã, xuống xe…
Gần nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, nhưng những dấu ấn lịch sử – văn hóa của Đường Lâm xưa vẫn còn in đậm nơi cổng làng như một nét đẹp của văn hóa dân tộc.