Làng chài Mỹ Thủy và ký ức đau buồn

27/11/2015 21:40

Theo dõi trên

Đã 67 năm trôi qua, quãng thời gian đủ để xóa nhòa đi những lưu dấu của thời gian. Thế nhưng, người dân huyện Hải Lăng nói chung và thôn Mỹ Thủy, xã Hải An nói riêng lại nhói lòng, đau xót khi hoài niệm về cái ngày đen tối nhất của người dân nơi đây. Vào năm 1948, 526 người con làng chài này đã về với đất mẹ khi bị giặc Pháp sát hại không thương tiếc, từ người già cho đến trẻ nhỏ…



Đền tưởng niệm 526 nạn nhân vụ thảm sát năm 1948

Ký ức đau buồn

Để tìm hiểu kĩ hơn về vụ thảm sát năm đó, chúng tôi đã tìm về làng chài nhỏ Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Đi dọc tuyến đường chính của thôn Mỹ Thủy nối dài ra biển, chúng tôi thấy một cụ ông luống tuổi đang thắp hương cho từng ngôi mộ nhỏ ghi thông tin cụ thể và rõ ràng. Cụ ông ấy tên là Phan Thơ (81 tuổi), một trong những nhân chứng sống trong vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948 do giặc Pháp gây ra.

Ông Thơ nhìn một hồi lâu lên tấm bia tưởng niệm rồi nói: “Để tưởng nhớ những người dân mất vào đợt thảm sát năm đó, dân làng xây dựng lên khu tưởng niệm này và lấy ngày 8/4 hằng năm làm ngày kỷ niệm”. Theo chân ông Thơ, chúng tôi tìm về nhà ông Phan Trung Hiếu (từng là Trung đội trưởng dân quân du kích xã Hải An). Tuy năm nay đã ngoài 91 tuổi nhưng ông Hiếu vẫn rất minh mẫn và kể lại chi tiết từng dấu mốc lịch sử trong cuộc kháng chiến của dân làng Mỹ Thủy lúc bấy giờ chống lại giặc Pháp.

Ông Hiếu xót xa, đến bây giờ nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào nguôi ngoai được. Những hình ảnh đau thương xưa cũ lâu lâu lại hiện về, ám ảnh. Vào cái ngày ấy, thây xác phụ nữ, người già và trẻ nhỏ chồng chất lên nhau, máu chảy thành suối. Oan uổng lắm!

Ánh mắt xa xăm, sâu thẳm của ông Phan Trung Hiếu đưa chúng tôi trở về cái ngày lịch sử năm 1948. Ông Hiếu kể, vào năm 1946, thực dân Pháp với âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta đã trắng trợn phá vỡ Hiệp định sơ bộ được ký kết tại Hà Nội giữa đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp (6/3/1964). Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Hải Lăng, tháng 6/1946, Chi bộ Đảng Tân – Thuận – Mỹ (ba thôn Tân An, Thuận Đầu và Mỹ Thủy của xã Hải An) được thành lập. Cùng với lực lượng vũ trang huyện Hải Lăng, nhân dân, dân quân du kích xã Hải An đã lập được nhiều chiến công hiển hách dưới sự chỉ đạo của Trung đội trưởng Phan Trung Hiếu. Dân quân, du kích Hải An đã tiêu diệt nhiều tên ác ôn, tay sai… khiến kẻ địch phải dè chừng, khiếp sợ.

Với sự tàn phá của chiến tranh, các tuyến đường bộ ở Hải Lăng bị chia cắt, phong tỏa nên Mỹ Thủy được chọn làm địa điểm tập kết lương thực, vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm chi viện cho chiến trường lớn Bình – Trị - Thiên. Để tiếp tế lương thực, đạn dược ra chiến trường, ngư dân nơi đây đã nghĩ ra nhiều cách ngụy trang để qua mắt kẻ thù. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã nắm được hoạt động của tuyến đường vận chuyển huyết mạch này nên đã huy động lực lượng ngày đêm bắn phá, vừa phá hỏng cơ sở vật chất vừa uy hiếp tin thần quân dân ta.

Ngày 5/3/1947, thực dân Pháp đưa quân tàn phá, thiêu rụi nhà cửa người dân thôn Mỹ Thủy và giết 3 người. Những ngày sau đó, chúng liên tục tăng cường càn quét vào tận từng gia đình, ngõ hẻm vùng biển Hải Lăng.

Ngày 19/3/1948, giặc Pháp thẳng tay giết hại 74 người dân vô tội ở làng chài Mỹ Thủy và đốt phá gần hết ngư lưới cụ của người dân. Đỉnh điểm là ngày 8/4/1948, khi người dân Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng chưa nguôi ngoai nỗi đau mất đi người than thì thực dân Pháp tiếp tục thực hiện thêm một cuộc tàn sát đẫm máu với cường độ, quy mô tàn bạo hơn, giã man hơn nhằm vào làng chài Mỹ Thủy. “Chúng nó thấy trong nhà toàn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ mà vẫn xả đạn không thương tiếc. Chúng đốt phá, cướp bốc, hãm hiếp rồi đốt cháy nhà cửa mới chịu rút quân. Khung cảnh lúc đó tang tóc, hỗn độn lắm! Khói lửa phủ kín bần trời Mỹ Thủy, máu nhuộm đỏ nền đất cát trắng. Cả thôn chỉ còn sót lại 20 người, ngày hôm đó, chúng giết hại 452 mạng người. Gia đình bên nội tôi bị sát hại 49 người. Tổng cộng, sau hai ngày càn quét, giặc Pháp đã giết hại 526 người dân của 140 hộ gia đình thôn Mỹ Thủy” – Ông Hiếu gạt dòng nước mắt chảy ròng trên gò má nhăn nhúm.

Mỹ Thủy nay đã "thay da đổi thịt"

Ngồi bên cạnh nghe cựu Trung đội trưởng dân quân du kích Phan Trung Hiếu kể chuyện từ đầu tới cuối, bấy giờ ông Phan Thơ mới lên tiếng: “Nhớ lại cảnh hôm đó, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Suýt chút nữa tôi đã về với ông bà tổ tiên rồi. Tôi vẫn không tin là tới lúc này mình vẫn còn sống và sống tới thời điểm bây giờ”. Chỉ tay lên vết sẹo dài hơn 10cm ở vành tai bên trái, ông Thơ kể tiếp: “Thời điểm xảy ra vụ thảm sát, tôi mới 14 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ lắm. Ở làng lúc đó đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Giặc Pháp kéo đến rất đông. Vừa tới làng, chúng đã xả sung không thương tiếc vào từng ngôi nhà đang có người ở trong. Người nhà tôi chết gần hết. Thấy tôi chưa chết, tụi giặc chĩa súng vào đầu tôi rồi bắn. Tôi nghe 1 tiềng đoằng rất lớn rồi ngất lịm đi. Đến lúc tỉnh lại, tôi thấy choáng váng, sây sẩm mặt mặt và máu ở đâu trên đầu chảy xuống ướt đẫm áo. Sờ soạng một hồi mới biết vành tai bên trái của mình bị viên đạn cắt đứt. Tôi thoát chết, từ đó trở đi thính giác của tôi bị ảnh hưởng, nghe lúc được lúc không”.

Sau vụ thảm sát, phụ nữ làng chài nhỏ này còn lại rất ít, có thể nói là hiếm hoi lắm. Nhiều người phụ nữ ở xã Hải Ba, Hải Lăng xót xa cho cảnh gà trống nuôi con, những người đàn ông đầu tắt mặt tối suốt ngày thiếu vắng bóng dáng người mẹ, người vợ nên đã tình nguyện sang Mỹ Thủy, Hải An cưới chồng, sinh con đẻ cái gây dựng gia đình.

Ngoài nguồn thu nhập chính là đánh bắt thủy hải sản gần bờ với những chiếc thuyền công suất nhỏ. Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng ủy, chính quyền các cấp và người dân Mỹ Thủy đã và đang chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ bãi tắm và nuôi tôm thể chân trắng trên đất cát. Nhờ những chuyển hướng đúng đắn về mặt kinh tế nên đời sống của người dân nơi đây đã tăng lên đáng kể. Số lượng hộ nghèo giảm đi nhiều, nhờ đó người dân thêm hăng hái, phấn khởi làm ăn kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, nhiều hộ trở nên giàu có nhờ nuôi tôm và làm dịch vụ...

Bên cạnh đó, phong trào di dân ra vùng cát lập nghiệp cùng mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều mô hình trang trại trên cát ra đời đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.

Qúa khứ đau buồn qua đi. Mỹ Thủy ngày hôm nay từng bước vươn lên và đã "thay da đổi thịt". Tuyến đường nhựa phẳng lỳ trải dài ra gần tới biển, thúc đẩy tiềm năng du lịch, dịch vụ bãi tắm. Bên cạnh đó, dự án khu kinh tế Đông Nam đang trên bước đường triển khai xây dựng và những hồ tôm trải dài theo tuyến biển góp phần nâng cao kinh tế cho làng chài nghèo này. Ngoài bến, những chiếc thuyền công suất 10 - 20 mã lực mang lên bờ những chú cá trích trích, cá nục tươi chông. Trên những tuyến đường làng, tụi trẻ con í ới gọi nhau đến trường… Một khung cảnh êm đềm đến lạ! Nhìn thấy những cảnh tượng đó, chúng tôi không khỏi bồi hồi, phấn khởi cho vùng quê đang dần khởi sắc.
 
Trần Thanh

Bạn đang đọc bài viết "Làng chài Mỹ Thủy và ký ức đau buồn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.