Làng ca trù

09/07/2018 00:14

Theo dõi trên

Làng La xá quê tôi chỉ cách làng Đan viên một cánh đồng, cùng một tổng, vậy mà khác hẳn nhau. La xá giàu hơn, nhà ngói cây mít, vườn hoa bể cạn san sát. Nhưng cảnh làng lại không đẹp bằng Đan viên. Mái tranh vàng, vườn thị, vườn ổi, chim cườm véo von… Đặc biệt dọc đường làng có những chiếc Quán Đá cổ nắng chiều chênh chếch xiên ngang.



(Ảnh Internet)

Trai La xá và trai Đan viên rất kình nhau, vì La xá hay xuống ghẹo gái Đan viên, có thằng bị đánh chảy cả máu mũi…

Bọn Đan viên hơi ngốc. Trong khi chúng tôi trên này, ngày ngày cắp sách giấy Tây, cuốc bộ lên phố Phủ học chữ Quốc ngữ và chữ Phờ răng xe, thì trẻ con Đan viên lại cắp sách giấy bản lên La xá học Tam tự kinh mấy ông thầy Đồ hết thời của làng tôi. Thi cử, nhà vua bãi bỏ rồi, học chữ Nho làm gì nữa.
 
Làm ruộng, La xá có thêm nghề đi chợ buôn bán, thì Đan viên có thêm nghề đi hát Ca trù - ả đào. Mùa xuân, khắp vùng Kinh bắc làng nào cũng mở hội. Hội là phải có hát thờ thần nơi cửa đình, và sân đình thì cho trai gái hát giao duyên. Các làng chầu chực để đón được phường Ca trù nào đàn ngọt hát hay, trả tiền hậu hĩnh. Ca trù Đan viên nổi tiếng. Nghe đâu mấy trăm năm trước có một kỹ nữ trong cung vua về đây dậy hát, nghề truyền đến hôm nay, phát triển thành cả chục giáo phường ả đào chuyên đi hát kiếm ăn. Nhàn nhã, thanh lịch, có tiền. Mấy làng bên cạnh thấy vậy cũng vội học nghề, nhưng hát dở òm, chả ma nào vời đến.

Ca trù ả đào đâu phải chuyện đùa. Người phải đẹp, hát phải hay, đàn phải ngọt. La xá quê tôi, biết thân biết phận, không dám mon men, chỉ cum cúp đi chợ bán bán buôn buôn. Đọ được với Đan viên, có chăng chỉ có làng Yên dã có nghề Múa rối Nước cổ truyền là thu hút được người ta …
 
Năm ngoái, anh tôi đậu Sec ti phi ca, bố tôi mổ lợn khao, có đón Phường ả đào Cô Lan đến hát. Lan 18 tuổi, ẻo lả, cổ cao ba ngấn, da trắng nõn, môi mím ngân những câu hát âm âm ư ư trong cổ họng, tay gõ phách giòn tan. Chú tôi là thầy ký Nhật trình tài hoa, viết bài thơ Hát nói đưa cô, cô liếc qua, nhẩm một lúc, rồi hát được ngay. Tiếng đàn Đáy của ông thầy già tếnh tếnh tang tang quấn quện. Ông Chánh đến chơi, cầm chầu tom chát. Khi câu hát của Lan réo rắt, ông gõ tom tom dồn dập, mọi người ném đồng chinh vào đĩa, gọi là thướng.
 
Tôi là chú bé choai choai mới lớn, xán vào sát Lan. Cô liếc mắt đưa tình, làm tôi sướng mê mẩn.
 
- Mẹ xuống Đan viên dạm hỏi cô này làm vợ cho con - Tôi thản nhiên bảo mẹ. Tại bà mấy lần đùa hỏi tôi: Đã muốn lấy vợ chưa?
 
- Hừ, có lấy thì lấy con nhà Thi Thư, chứ ai lấy con nhà xướng ca vô loài - Mẹ nói.
 
- Nhưng mà nó đẹp!
 
- Đẹp có mài ra mà uống!
 
Bố xuýt cho roi vào đít tôi, vì thấy Cụ Chánh có vẻ không vui khi thấy tôi và Lan quấn quýt. Cụ bỏ dở buổi cầm trống chầu.
 
… Sau này, dù đi khắp nơi, nhưng tôi chả thấy có cái làng nào đáng nhớ như làng Đan viên. Nhớ những đêm đến xem họ tập hát. Ca nương già dậy ca nương trẻ. Trong các quán Đá, trăng sáng vằng vặc, gió mát rợi,bọn ả đào chỉ mặc mỗi cái yếm đỏ, hở vai trần, chăm chú hát. Chúng tôi ngoan ngoãn ngồi nghe, không nghịch ngợm gì, nhưng bọn con trai Đan viên, khoảnh tính, gây sự đuổi đi. Các bà ca nương già phải mắng, chúng mới thôi.
 
Ở làng, bọn con gái La xá có dịp gặp là lườm nguýt chúng tôi. Chúng thù lây sang gái Đan viên. Đi chợ bán hàng, gặp khách là gái Đan Viên, chúng bóp cho lòi mắt. Nhưng Đan viên không chấp, khi gái La xá xuống Đan viên đong thóc nếp về làm hàng xáo, các cô vẫn xởi lởi, nới cho một giá…
 
…Con đường quê, mưa xuân lất phất bay, bóng hình một tốp Ca nương ả đào áo dài thâm khuy cài kín cổ, cùng ông nhạc công già xách đàn Đáy liêu xiêu, đi hát kiếm ăn đường dài… như là một bức tranh in hằn trong ký ức tuổi thơ tôi…

Tản văn của Nguyễn Phan Hách

Bạn đang đọc bài viết "Làng ca trù" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.