Lâm Đồng "giữ lửa" cồng chiêng

13/09/2015 11:06

Theo dõi trên

Lâm Đồng hiện có trên 40 dân tộc anh em chung sống; trong đó, 3 tộc người bản địa có nguồn gốc lâu đời nhất là người Kơ Ho, Mạ, Churu. Trong đời sống tinh thần, cồng chiêng luôn gắn liền với sắc thái vui, buồn, niềm tin và ước vọng của cư dân ở từng thôn, buôn, làng, bản…

Cồng chiêng – “hồn vía” Tây Nguyên

Lâm Đồng hiện có trên 40 dân tộc anh em chung sống; trong đó, 3 tộc người bản địa có nguồn gốc lâu đời nhất là người Kơ Ho, Mạ, Churu. Trong đời sống tinh thần, cồng chiêng luôn gắn liền với sắc thái vui, buồn, niềm tin và ước vọng của cư dân ở từng thôn, buôn, làng, bản…



Trong tất cả hoạt động của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS): mừng lúa mới, lễ cúng Yàng (Trời), lễ hội văn hóa - thể thao, lễ đâm trâu, cầu mưa, lễ bỏ mã, tang ma…luôn có sự hiện hữu của cồng chiêng và rượu cần. Trước nay, 12/12 huyện, thành phố của Lâm Đồng đều tồn tại các nhóm cồng chiêng. Ngoài mỗi huyện, thành phố có một nhóm chính thức còn có nhiều đội cồng chiêng ở các xã, thôn, buôn hay tại mỗi gia đình do người DTTS truyền giữ để tham gia trong các dịp lễ lớn .

Dù sự biến đổi về đời sống vật chất, tinh thần đã và đang làm mai một văn hóa cồng chiêng ở một bộ phận dân cư, nhất là lớp trẻ các DTTS. Tuy nhiên, vẫn không làm giảm sút tình yêu và niềm đam mê của cư dân bản địa đối với văn hóa cồng chiêng.

 Qua khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, ở từng thôn, buôn dù đời sống vật chất còn gặp khó khăn, nhưng bà con dân tộc vẫn lưu giữ “hồn chiêng” như giữ gìn cốt cách của dân tộc mình. Bởi theo họ “cuộc đời dài như tiếng chiêng”! Trên vùng đất Nam Tây Nguyên này hiện có trên 100 nhóm, đội chiêng nam, nữ hoạt động. Riêng tại một làng nhỏ trên dưới chân núi LangBiang, thuộc huyện Lạc Dương có tới 12 đội chiêng tồn tại. Đặc biệt, tại buôn Bon Dưng (xã Lát, huyện Lạc Dương) có một dàn chiêng nữ gồm 6 nghệ nhân lớn tuổi; đó là những người đàn bà đánh chiêng đã qua gần 70 mùa rẫy; trong đó Mò Cil Kar (trưởng nhóm) đã 85 tuổi vẫn còn đủ sức cùng 5 nghệ nhân nữ dóng lên âm vang những bài chiêng rộn ràng giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên hung vĩ !

Làm gì để bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên?

Ở Lâm Đồng những năm gần đây, ngành VH TTDL đã tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại và cấp phép hoạt động chính thức cho hàng chục đội, nhóm cồng chiêng tại nhiều địa phương; đồng thời ngăn chặn hiện tượng thương mại hóa, dùng cồng chiêng để kinh doanh kiếm tiền thuần túy. Đặc biệt, tại nhiều huyện: Đạ Tẻh, Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm…ngành VHTTDL đã phối hợp mở trên 100 lớp truyền dạy đánh cồng, chiêng cho hàng trăm thanh thiếu niên DTTS. Một số địa phương kết hợp giới thiệu, quảng bá văn hóa cồng chiêng, các sản phẩm văn hóa của người đồng bào DTTS với đông đảo du khách thông qua loại hình lửa trại, rượu cần và biểu diễn cồng chiêng…

Để văn hóa cồng chiêng không bị mai một, theo chúng tôi, trước hết, tập trung tuyên truyền, nâng cao lòng tự hào và ý thức cộng đồng cho chính người đồng bào các DTTS Tây Nguyên; tổ chức mở các lớp, các khóa đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng chơi các nhạc cụ cồng chiêng (kể cả trình độ chỉnh chiêng) cho lớp trẻ. Chính quyền và ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách tạo những điều kiện cơ bản nhất để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này bằng việc xây dựng các Phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại các Trung tâm dữ liệu quốc gia và tại các tỉnh; tổ chức biểu diễn, giới thiệu rộng rãi đến công chúng và trong các nhà trường, khách du lịch trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác giao lưu, quảng bá văn hóa cồng chiêng đến các nước trên thế giới; đồng thời làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa cồng chiêng, tránh tình trạng “thương mại hóa” văn hóa cồng chiêng…

Theo THANH  DƯƠNG HỒNG (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Lâm Đồng "giữ lửa" cồng chiêng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.