Lại một ngôi đình có nguy cơ sụp đổ

06/08/2018 16:13

Theo dõi trên

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Do Nghĩa (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đang trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt trong diễn biến phức tạp của mùa mưa bão, ngôi đình được cảnh báo rất có thể sẽ trở thành… phế tích.

 
Ngôi đình vẫn lưu giữ những nét kiến trúc độc đáo

“Nếu không kêu cứu thì có lẽ chỉ trong mùa mưa năm nay, ngôi đình làng rất giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật này có thể sẽ sụp đổ bất cứ khi nào…”, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết sau chuyến điền dã về đình làng Do Nghĩa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Chiều ngày 1.8, chúng tôi về thăm đình Do Nghĩa ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trời thì nắng nhưng nước đọng trên mái đình vẫn tí tách rơi xuống nền đình. Theo quan sát, ngôi đình cổ đã rơi vào tình trạng xuống cấp nặng nề và chắc chắn, tình cảnh này đã diễn ra trong một thời gian khá dài…”.

 
Tại vị trí một số đầu cột sát mái, nước thấm sâu vào trong thớ gỗ, gây mục, mủn các mộng, hệ thống cột kèo bị mối mọt lại phải dầm mưa dãi nắng khiến cho kết cấu của ngôi đình trở nên vô cùng yếu ớt, có thể sẽ bị đổ sập lúc nào. Ngoài ra, hệ thống xà, rường của đình cũng bị mục ruỗng rất nặng nề, vì vậy khi gặp nước các kết cấu gỗ càng nhanh mủn…

Nhóm điền dã đã nghiên cứu sâu về văn hóa, kiến trúc đình làng không khỏi xót xa. Tình cảnh ngôi đình gợi nhớ lại sự thê thảm của đình Chu (thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) trong mùa mưa năm trước. “Tại vị trí một số đầu cột sát mái, nước thấm sâu vào trong thớ gỗ, gây mục, mủn các mộng, hệ thống cột kèo bị mối mọt lại phải dầm mưa dãi nắng khiến cho kết cấu ngôi đình càng trở nên yếu ớt, có thể sẽ bị đổ sập bất kỳ lúc nào. Hệ thống xà, rường của đình cũng bị mục ruỗng rất nặng nề, vì vậy khi gặp nước các kết cấu gỗ càng nhanh chóng bị mủn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nhận định.

Đình Do Nghĩa nằm trên một gò đất cao của làng Do Nghĩa. Đình thờ Đại Hải Long Vương cùng thời với Tản Viên Sơn Thánh phụng sự triều đại Hùng Vương. Đình có tổng diện tích 4.636m2, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Cổng đình gồm một cửa chính, hai cửa phụ. Cổng chính hình vòm, được trang trí bằng những con giống với các đường diềm, đường nét hoa văn nghệ thuật. Trong đình có nhiều hiện vật rất có giá trị.


 
Tình trạng bị xuống cấp ở đình làng Do Nghĩa

Là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một hình ảnh mẫu mực của phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, đình Do Nghĩa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 1539-VH/QĐ ngày 27.12.1990.

“Trước tình trạng hư hại trầm trọng này, đề nghị các cơ quan quản lý về di sản tại địa phương cần sớm có biện pháp kịp thời. Hãy xuống tận nơi, nhìn tận mắt để nhanh chóng tìm cách khắc phục. Bởi nếu không sớm xử lý thì rồi chúng ta lại bị mất đi một di sản quý giá. Bài học vừa diễn ra quá đau xót ở đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn còn đó. Đình Do Nghĩa nếu không được “cứu” kịp thời thì cũng sẽ có nguy cơ cùng đình Lương Xá đi vào dĩ vãng mà thôi…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình than thở.

 
"Trước tình trạng này, đề nghị các cơ quan quản lý về di sản tại địa phương cần sớm có biện pháp kịp thời. Hãy xuống tận nơi, nhìn tận mắt để nhanh chóng tìm cách khắc phục. Bởi nếu không sớm có giải pháp thì rồi chúng ta lại mất đi một di sản quý giá. Bài học vừa diễn ra quá đau xót ở đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn còn đó. Đình Do Nghĩa nếu không được “cứu” kịp thời thì cũng sẽ có nguy cơ cùng đình Lương Xá đi vào dĩ vãng mà thôi…", Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình).
 
Nhân Anh
Theo Báo Văn Hoá

Bạn đang đọc bài viết "Lại một ngôi đình có nguy cơ sụp đổ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.