Đi làm được mấy năm, một buổi sáng tôi đi bộ ra chợ Hôm, đột nhiên nhìn thấy thày Hà Minh Đức đang lững thững đi trên vỉa hè con phố nhà tôi ở. Tay thầy cầm một sấp tài liệu. Tôi chào thầy và hỏi:
Lại cậu - Đôi dòng về Giáo sư Hà Minh Đức
24/11/2020 09:59
Có một lần thời còn là sinh viên khoa Ngữ văn ĐHTH Hà Nội tôi lên xe bus để vào trường ở bến Ngã Tư Sở (chẳng là tôi đến nhà anh cùng khóa chơi và ăn trưa tại đó). Năm đó học chiều, nhìn thấy xe bus đỗ, khi cửa xe vừa mở, không chờ khách xuống, tôi chen vội lên xe vì sợ muộn giờ học của thày Hà Minh Đức. Xe quá đông nên tôi không nhìn rõ những người quen biết đi xe bus vào trường như mọi ngày.
Bỗng có tiếng một người đàn ông trung niên khẽ kêu "Ai dẫm vào chân tôi thế này?". Vội nhìn xuống thì thấy chân mình đang dẫm lên chân ai đó. Vội nhìn lên thì chết cha tôi rồi. Đó là thày Hà Minh Đức. Tôi vội lủi đi chỗ khác và cúi mặt xuống. Tới bến Thanh Xuân, tôi đi sau thày. Trên con đường nhỏ giữa cánh đồng hai bên, thày Đức lững thững, chậm rãi đi. Còn tôi không thể đi kiểu chậm rãi như thày được, đành rảo bước nhanh qua thày và quay lại nói "Em chào thày ạ!". Thày thủng thẳng nói: "Chào cậu!". Buổi học hôm đó, tôi ngồi cuối lớp chứ không lanh chanh ngồi gần bục giảng như mọi hôm.
Đi làm được mấy năm, một buổi sáng tôi đi bộ ra chợ Hôm, đột nhiên nhìn thấy thày Hà Minh Đức đang lững thững đi trên vỉa hè con phố nhà tôi ở. Tay thầy cầm một sấp tài liệu. Tôi chào thầy và hỏi:
- Thày đi đâu vậy?
- Tôi đi photo tài liệu. Cậu biết cửa hàng photo ở đâu không?
- Dạ. Ở ngay dưới nhà em.
- Cậu học khóa nào nhỉ ?
- Em học K19.
- À. Tôi nhớ rồi. Cậu học cùng lớp với cô T cao cao, xinh xinh phải không ?
- Đúng rồi ạ (lúc đó thầm nghĩ sao thày giống mình thế).
Nói xong, tôi bảo thày, thày đưa em tài liệu để em photo cho. Thày đi đâu đi, lát nữa thày quay lại lấy.
Khi thày Đức đi về phía ngã năm Lò Đúc - Phan Chu Trinh, tôi bảo cô bé photo: "Thày giáo đại học của anh đấy. Anh trả tiền photo”.
- Vâng. Anh ạ.
Tháng 5.1995, do là thư ký của đoàn khảo sát về công tác đào tạo báo chí nên tôi có việc vào làm việc với Khoa báo chí (Đại học quốc gia Hà Nội). Khoa nằm ở Thượng Đình. Vừa nhìn thấy tôi, vẫn âm sắc đặc biệt khó lẫn, thày Hà Minh Đức, chủ nhiệm khoa báo chí, thủng thẳng nói: "Lại cậu". Tôi đưa cho thày xem giấy giới thiệu của Bộ VHTT và quyết định thành lập đoàn khảo sát công tác đào tạo báo chí do Bộ trưởng VHTT Trần Hoàn ký. Sau khi nghe tôi trình bày, thày Đức buông lửng một câu:
- Quan trọng thế cơ à? Toàn các ông to. Mà cậu cũng to nhỉ!
- Dạ. Em chỉ là chuyên viên phọt phẹt thôi thày ạ!
Chẳng là năm ấy Ban bí thư chỉ đạo Ban tuyên giáo, Bộ VHTT và một số Bộ liên quan tiến hành khảo sảt đánh giá về công tác đào tạo báo chí để đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo báo chí. Đoàn khảo sát gồm 6 người. 4 người là lãnh đạo Vụ. Gồm: Anh Lưu Văn Hân - Vụ trưởng Vụ báo chí - làm trưởng đoàn, anh Phan Khanh - Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ VHTT - làm phó đoàn. Anh Lâm -phó Vụ trưởng thuộc Bộ nội vụ, anh Lê Viết Khuyến - phó Vụ trưởng Vụ Đại học. Tôi - chuyên viên Vụ đào tạo Bộ VHTT và anh Nguyễn Hữu Chất - chuyên viên Vụ báo chí -Bộ VHTT.
Sau đó thày Hà Minh Đức nói với tôi: "Tôi được nhà trường phân công làm chủ nhiệm khoa báo chí vì báo chí gần gũi với văn học. Hơn nữa báo chí VN dựa trên nền tảng của văn học VN. Ở khoa thì chật chội, lại xa. Tôi sẽ mượn chỗ của TTXVN để tiếp đoàn.". Và thày Đức tiếp đoàn khảo sát ở một căn phòng khá đẹp tại một tòa nhà đẹp của TTXVN mới xây ở ngã năm Lê Thánh Tông - Trần Hưng Đạo. Tôi khá bất ngờ khi thày Đức tiếp chúng tôi chu đáo quá. Nào hoa quả, bánh kẹo, trà và cả phong bì nữa. Tôi cặm cụi ghi chép những câu trả lời của thày Hà Minh Đức trước các thành viên trong đoàn. Thày Đức vẫn phong cách dí dỏm đã phân tích khá kỹ cho đoàn về đặc điểm báo chí VN, nhu cầu đào tạo, mặt mạnh và yếu của công tác đào tạo báo chí ở VN.
Năm 1996, tôi chuyển về Vụ báo chí Bộ VHTT và năm 1999, Vụ trưởng Vụ báo chí Đỗ Quý Doãn phân công tôi làm thư ký Dự án đào tạo báo chí VN do Sida Thụy Điển tài trợ. Do bận công việc nên lãnh đạo Vụ phân công tôi tiếp nữ nhà báo Thụy Điển - chuyên gia độc lập - sang VN để đánh giá khả năng thực hiện Dự án. Nữ nhà báo Thụy Điển hỏi tôi khá nhiều: "Vì sao VN chọn TĐ làm đối tác để đào tạo nhà báo? Báo chí VN có đặc điểm gì? Điểm mạnh và yếu của các nhà báo VN? VN mong muốn gì ở dự án này...". May quá, tôi vẫn còn nhớ những điều thày Hà Minh Đức nói khi thày làm việc với đoàn khảo sát đào tạo báo chí năm 1995. Còn những điều khác tôi học lỏm từ một số bậc lão thành báo chí khác. Tất nhiên tôi cũng chém thêm một ít, nào là mối quan hệ thân thiết giữa chính phủ và nhân dân hai nước VN và TĐ, nào là cố thủ tướng TĐ Ôlopanmo đã xuống đường biểu tình phản đối Mỹ xâm lược VN, nào là TĐ đã giúp VN xây dựng bệnh viện Nhi, Nhà máy giấy Bãi Bằng... Nghe tôi nói một hồi, nữ nhà báo Thụy Điển gật gật.
Và cho đến một đêm cuối năm 2018, giữa tiết trời đột nhiên trở lạnh, tôi nhìn thấy thày Hà Minh Đức tới dự chương trình VỪNG ƠI của các cựu sinh viên phối hợp với khoa Văn học tổ chức tại Mễ Trì. Tôi chạy ra chào thầy và thầy lại tủm tỉm buông một câu với tôi: "LẠI CẬU”.
Tôi không phải là trò giỏi, trò cưng, trò yêu của thày Hà Minh Đức để thày phải nhớ mặt, nhớ tên. Nhưng ít ra cái mặt tôi thày Đức vẫn có thể mang máng nhớ ra vì nó cứ ngơ ngơ khi gặp thày
Đôi dòng về GS HÀ MINH ĐỨC - người thày trí tuệ, dí dỏm và say mê cái đẹp.
Bùi Thế Vịnh
Bạn đang đọc bài viết "Lại cậu - Đôi dòng về Giáo sư Hà Minh Đức" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.