Ông Trần Văn Xuất bên cạnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông trong nhà mình
“Biển là nhà, đảo là quê hương”
Ông Trần Văn Xuất (55 tuổi - Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) là một trong ba mươi người đầu tiên của hải quân Việt Nam ra giữ đảo Trường Sa Đông (quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa).
Ngày 10/5/1984, chàng thanh niên Trần Văn Xuất khi ấy vừa tròn 18 tuổi, đã theo lời kêu gọi của tổ quốc để gia nhập bộ đội Hải Quân. Ông cùng với 30 đồng đội của mình di chuyển từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) ra đảo Trường Sa Đông.
Ông nhớ lại: “Tàu đi trên biển suốt ba ngày ba đêm nhưng không thấy một hòn đảo nào, đến ngày thứ tư chúng tôi thấy một chấm nhỏ trước mặt, cái chấm đó bị sương mù che phủ nên thoắt ẩn thoắt hiện”.
Đến sang ngày thứ năm, ông cùng với đồng đội của mình mới đặt chân lên được đảo. Cảm nhận của ông và đồng đội về Trường Sa lúc đó là “chắc chỉ có chết” và “chuyến đi này thì cũng không bao giờ biết ngày nào mới về”.
Đảo Trường Sa Đông ngày ấy rộng khoảng 2000m2, hình bầu dục, xung quanh bao bọc bởi san hô. Mỗi năm có hai ngày vào tháng 5 và tháng 12 nước biển tràn vào cả nhà công vụ và nhà ở. Ngày đó, cả đảo chỉ có hai ngôi nhà, một của đảo trưởng và một của lính đảo. Nói là nhà nhưng đó chỉ là một láng trại nhỏ, được lợp bằng tôn xi măng, chung quanh dựng tạm bằng tre hoặc lá dừa.
Ở Trường Sa Đông, ông và đồng đội thiếu thốn đủ bề từ thức ăn, nước uống và cả áo quần. Ở đảo, hầu như ngày nào ông và đồng đội cũng ăn cá biển và chim trời, rau xanh là một thứ gì đó “xa xỉ” với các người lính biển. Để cải thiện bữa ăn những người lính trên đảo phải lặn xuống biển để vớt cát lên trồng rau Sam. Cứ thế 30 con người thay nhau ngày này qua ngày khác lặn biển để vớt cát trồng rau. Ba tháng sau, những mớ rau đầu tiên đã có mặt trên bàn ăn của lính đảo, những hôm như vậy thật chẳng khác gì một bữa tiệc đồi với ông và đồng đội.
Đảo Trường Sa Đông là một hòn đảo khô cằn, nước ngọt thiếu thốn quanh năm. Mỗi ngày, những người lính trên đảo chỉ được nhận từ 1 đến 1.5 lít nước ngọt. “Mỗi đứa chúng tôi mỗi ngày nhận được hơn 1 lít nước, không ai dám phí phạm. Ngày đó, tôi sợ nhất là đau ốm vì như vậy đồng đội phải lấy nước của mình ra để san sẻ cho nhau”, ông kể.
Lính đảo thời của ông chỉ có 2 bộ áo quần để thay đổi, nhưng với cái nắng và gió của đảo xa thì chỉ sau ba tháng áo quần đã rách tươm. Mỗi năm chỉ mặc đẹp hai ngày đó là “ngày tết âm lịch và ngày có văn công trong đất liền ra đảo biểu diễn văn nghệ”.
Không chỉ khó khăn về cuộc sống mà các người lính trên đảo luôn căng thẳng vì các chiêu trò phá rối của Trung Quốc. “Máy bay của Trung Quốc thì bay là là trên đầu, tàu của Trung Quốc chỉ cách đảo khoảng 5 hải lý. Tuy chúng không vào bờ và gây chiến nhưng các anh em luôn căng thẳng vì khi nào cũng phải đặt trong tình trạng chiến đấu”, ông nói.
Những lúc thay đổi phiên gác của mình, ông lại cùng đồng đội ra ngồi trước bờ biển, mắt hướng về đất liền vì đó là “hướng Tây là hướng của quê hương, hướng của biên cương tổ quốc”.
Ngày về của lính đảo Trường Sa Đông
Ba năm ở đảo đã để lại cho ông quá nhiều yêu thương, chính vì vậy mà ngày rời đảo ông đã khóc, giọt nước mắt của người lính được rèn luyện giữa biển đảo quê hương lăn dài trên má ông.
Giữa tháng 5/1987, có một tàu tiếp tế từ đất liền ra đảo, như mọi khi ông lại bơi thuyền ra để hướng dẫn tàu vào bờ. Nhưng ông lại không biết rằng đó là thời khắc cuối cùng mà ông còn ở lại Trường Sa Đông.
Khi tàu vừa vào đảo, anh lính trẻ Trần Văn Xuất đã nhận được thông báo rời đảo để vào đất liền. “Lúc đó tôi dường như không tin vào tai mình, từ lúc nhận được lệnh rời đảo đến khi tàu chạy tôi chỉ có 30 phút để thu dọn hành lý chứ chưa kịp chào ai lấy một lời”, ông bùi ngùi kể lại. Ông nói: “Khi lên tàu tôi đã khóc và đó cũng là lần đầu tiên sống trên đảo mà tôi khóc. Tôi không kịp chào ai lấy một câu, các anh em chỉ biết chào tôi bằng 12 phát súng lúc đó tôi mới biết là tôi không mơ”.
Ngày xuất ngũ, trong tay ông chỉ có 45 đồng để đi xe từ Cam Ranh về lại Đà Nẵng. Trên đường đi lại hết tiền nên ông phải nhờ xe và nhảy tàu lậu mới thấy nhà.
Đã 30 năm trôi qua, người lính trẻ Trần Văn Xuất giờ đã là một doanh nhân thành công bằng nghề làm tượng đá tại Ngũ Hành Sơn. Nhưng có một điều luôn làm ông day dứt đó là không kịp chào đồng đội trước khi rời đảo. Năm 2005, trong một buổi chiều ngồi nhìn về phía biển, ông lại nhớ đồng đội da diết và ông quyết tâm đi tìm lại đồng đội của mình. Đến giữa tháng 5/2005, ông bắt đầu rong ruổi trên mọi chuyến đường để tìm lại đồng đội năm xưa của mình.
Ông đi từ Hà - Nam - Ninh cho đến vùng núi xa xôi ở Kon Tum để tìm đồng đội. Sau năm năm tìm kiếm, ông đã tìm thấy 27 trong số 30 đồng đội của mình năm xưa. Gặp lại đồng đội cũ ông không khỏi buồn cho cuộc sống của những người năm xưa đã từng sống và chiến đấu với mình. Ông giúp đỡ bạn mình bằng cách tặng tiền xây nhà, mua bò giúp bạn cải thiện kinh tế hay hỗ trợ con bạn đến trường.
Năm 2014, kỷ niệm 30 năm ngày ông đặt chân lên đảo, ông đã quay về lại Trường Sa Đông. Tại đây, ông đã hỗ trợ tiền xây dựng đảo, tặng đảo các vật phẩm do chính tay mình làm ra.
Năm 2009, ông Xuất xây một cột mốc đảo Trường Sa Đông ngay trước cửa nhà mình để những đồng đội ông chưa tìm thấy “nếu có duyên đi qua Đà Nẵng rồi có ngày sẽ gặp lại nhau”.
Cột mốc cao 6m, rộng 1.5m, bốn mặt khắc lớn chữ Trường Sa Đông, vĩ độ 080 55' 00"N, kinh độ 1120 21' 00"E. Phía dưới khắc bốn bức bằng khen của cựu binh Trần Văn Xuất - chủ nhân và là tác giả của cột mốc chủ quyền.
Với những đóng góp của mình cho hải quân Việt Nam, ông đã vinh dự nhận bằng khen của Bộ tư lệnh hải quân, được vinh dự tiếp đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại nhà của mình.
Chiều đến, một mình ông lại ra biển, mắt nhìn xa xăm về biển đông. Bao nhiêu biến động trong cuộc đời ông đã trôi qua, nhưng những ký ức về năm tháng chiến đấu tại Trường Sa Đông thì vẫn như hôm qua. Trong tâm thức của ông vẫn quan niệm một điều “không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi”.