Ký ức “hùng mà bi” của nữ tướng cướp hoàn lương từng là nỗi khiếp đảm của người dân miền Đông

26/12/2015 10:49

Theo dõi trên

Dù thời gian đã qua đi, tất cả đã là quá vãng, nhưng bây giờ ai đó đi vào cái ấp nhỏ nằm cạnh một nhánh sông Đồng Nai hỏi về người phụ nữ này thì không ai là không biết. Chỉ cần người hỏi nhắc đến tên bà, người ta sẽ kể cho nghe về những chiến tích “lẫy lừng” từng gây khiếp đảm cho người dân nơi đây của người đàn bà mang số mệnh đàn ông nay đã qui ẩn giang hồ để sống một đời sống thinh lặng, khép kín.



(Ảnh minh họa Internet)

Người đàn bà mang số mệnh đàn ông 

Người đàn bà có họ tên là Trần Thị Tép, năm nay ngót nghét 80 tuổi nhưng theo người dân ấp Bến Đình (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), thì bà vẫn rất chắc khỏe. Mỗi sáng bà vẫn xách một thùng nước lớn để tắm cho đàn lợn của mình. Bao nhiêu năm tuổi trẻ sống đời sống giang hồ, nay bà chọn cho mình một đời sống thinh lặng, khép kín. Năm thì mười họa, người ta mới thấy bà lóc cóc đạp xe ra ngoài.
 
Kể về cuộc đời mình, bà bảo cái tên Tám Lũy là tên của chồng bà, ông Nguyễn Thanh Liêm. Thời con gái, bà là một người có nhan sắc nhưng cũng không kém phần nghịch ngợm. Tuy vậy, chẳng hiểu sao Tám Lũy lại đem lòng yêu một người đàn ông hiền khô như ông Liêm. Thế rồi đám cưới được tiến hành sau đó ít lâu. Và như một lẽ thường tình, những đứa con, kết quả tình yêu giữa hai người, sau đó cứ đều đặn chào đời. Bà cười: “Ngày đó lạc hậu, nào có kế hoạch gì đâu, cứ đụng vào là đẻ thôi”. Cho đến lúc ông Liêm mất, hai vợ chồng đã “sản xuất” ra tất cả là mười ba người con cả trai lẫn gái.
 
Khi nói về người chồng đã mất của mình, Tám Lũy thừa nhận, ông là một người hiền lành, thật thà nhưng có phần vô trách nhiệm với gia đình. “Gần như mọi việc trong nhà đều do một mình tôi đảm nhiệm. Tôi vừa là người vợ nuôi nấng các con, vừa là người chồng lo kinh tế cho gia đình. Còn ông ấy chỉ ở nhà quanh quẩn nuôi con gà, con vịt”. Khi nói về Tám Lũy, những người hàng xóm cũng thừa nhận rằng, bản chất bà chưa hẳn đã là xấu, nhưng vì một mình phải nuôi 13 đứa con nên buộc bà phải lao vào con đường giang hồ, trộm cướp.
 
Anh Nguyễn Năm (45 tuổi), một người hàng xóm, thỉnh thoảng qua nhà bà xin trấu, kể: “Có lẽ bà Tám là một người đàn bà mang số mệnh đàn ông, sinh ra để làm thay việc đàn ông.”. Anh Năm còn kể rằng, tính bà Tám Lũy cũng mạnh mẽ, khác người. Ngày đó, tuy có đất ở Sài Gòn, nhưng vì gia đình làm sai giấy tờ nên bị người khác chiếm dụng. Thế nhưng quan điểm của Tám Lũy là không xin, không đòi, có thì ăn, không thì thôi. “Và đi ăn trộm, ăn cướp là cách bà ấy chọn để nuôi sống đàn con của mình”, anh Năm nói. Trong ký ức, anh vẫn còn nhớ, trước đây còn nhỏ, mỗi lần chèo thuyền ra sông, hễ thấy bà Tám Lũy lướt ghe đi qua là anh đã sợ hãi nổi da gà. Ngày ấy bà thường mặc một cái quần cộc ngang đầu gối, mặc áo sơ mi, đội mũ tai bèo, đeo khẩu AK47. Mỗi lần bà ghé chuồng heo, chuồng vịt của ai là sẵn sàng hốt hết. Có nhà mất lần hơn trăm con vịt nhưng không dám lên tiếng, vì “nói là bà xử liền”.
 
Phút trải lòng của người mẹ từng vứt đứa con dứt ruột đẻ ra
 
Trong mớ hỗn độn những ký ức vui buồn của mình, có những khoảnh khắc mà suốt cuộc đời Tám Lũy không thể nào quên được. Trong tất cả mười ba người con, có đứa còn, đứa mất, đứa thế này, đứa thế khác, nhưng với tấm lòng bao dung của một người mẹ, đối với bà, đứa nào bà cũng yêu chúng hơn tất thảy những gì trong cuộc sống của mình. Nhưng có lẽ 4 người con đã từ giã cõi đời, cũng là 4 nỗi đau lớn nhất mà bà phải gánh chịu, là những khoảnh khắc suốt đời không phai.
 
Kể về những đứa con đã mất của mình, giọng Tám Lũy lộ rõ nỗi buồn dấu kín. Bà thở dài: “Âu cũng là số phận, tôi không có quyền trách mắng chúng”. Có lẽ do thừa hưởng tính cách mạnh mẽ, ngang tàng từ Tám Lũy nên những người con của bà khi lớn lên, trưởng thành cũng luôn thể hiện điều đó. Nhất là những người con trai đã không còn sống nữa.
 
Người con trai thứ 4, tên Tùng, được mọi người trong xã Phú Đông đặt cho biệt danh là Tư Tùng. Với bản tính ngang tàng, ngay từ khi mới lớn, Tùng đã hay gây gỗ, đánh nhau, rồi một lần đánh một thanh niên trong xã bị thương, Tư Tùng đã phải lãnh án 2 năm tù vì tội cố ý gây thương tích, quấy rối trật tự an ninh. Sau khi ra tù chưa được bao lâu, chỉ vì thấy ngứa mắt với một anh công an xã nên Tùng đã thẳng tay bắn chết người này. Những người dân trong ấp Bến Đình đến nay vẫn đồn đại, lần đó thấy người công an tên T đang đi trên đường, Tùng gọi lại hỏi: “Mày hả T. ?”, rồi bắn chết tại chỗ luôn. Với tội danh, cách hành động côn đồ như trên, Tư Tùng bị kết án tử hình. Trong một ngày bị dẫn giải đi đến tòa án, Tùng đã tìm đến cái chết cho mình trước khi bị pháp luật trừng trị. Tám Lũy chia sẻ, ngày đó xe chở tù còn sơ sài, hời hợt, không che chắn. Chính vì thế khi đi ngang qua Thủ Đức, có xe lửa chạy ngang qua, Tùng đã nhảy vào xe lửa tự vẫn.
 
Rồi người con trai thứ 6 tên Hoàng, được mọi người đặt cho biệt danh Sáu Hoàng, cũng là một tay giang hồ khét tiếng, gây khiếp đảm cho người dân vùng Nhơn Trạch (Đồng Nai) một thời. Nhưng, cuối cùng cái chết cũng đến với Sáu Hoàng như một sự tất yếu. Năm 2007, thời điểm đó Sáu Hoàng vừa mới ra tù. Trong khoảng thời gian ở tù trước đó, Hoàng đã làm quen với một bạn tù quê ở tận Hải Phòng. Chính vì thế, khi ra tù, hai người vẫn liên lạc với nhau, rồi bàn nhau đi thực hiện cướp tiệm vàng Kim Hồng nằm trên địa bàn xã Phú Đông. Theo thông tin của cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai, Sáu Hoàng đã nhờ người này mua một khẩu AK, sau đó cũng chính người này tận tay mang vào Đồng Nai cho Sáu, để cùng nhau bàn bạc vụ cướp. Kết cục, vụ cướp không thành, Sáu Hoàng và đồng bọn bị sa lưới. Nhiều người dân ở ấp Bến Đình kể lại rằng, lúc Sáu Hoàng đã lấy xong vàng, quay lưng định đi, do xót của nên ông chủ tiệm vàng Kim Hồng đã hô lên, ngay lập tức bị Sáu Hoàng quay lại bắn chết tại chỗ.

Với tội danh này, người con thứ 6 của Tám Lũy phải nhận án tử hình. Ngồi tù một thời gian, sinh buồn chán, tuyệt vọng, vào một buổi sáng, Sáu Hoàng đã thăt cổ tự vẫn trong tù. Đối với Tám Lũy, đó thực sự là khoảng thời gian khủng khiếp, bởi không khí tang tóc bao trùm lên gia đình bà. Tám Lũy kể lại rằng, buổi sáng mà Sáu Hoàng thắt cổ tự vẫn trong nhà tù thì cũng đúng chiều ngày hôm đó, người con trai có biệt danh là Út Chót cũng bị sốc thuốc mà chết.
 
Kể đến đây, người đàn bà từng khiến bao người khiếp đảm như muốn ứa lệ, nhớ lại cái ký ức xa xưa, Tám Lũy bảo, hồi mới giải phóng, cũng vì đói khổ nên bà phải lặn lội xuống tận miền Tây buôn gạo. Dịp đó bà mới sinh đứa con trai hơn hai tuổi. Để tiện đường chăm nom nó, mỗi lần đi xa, bà đều cho đứa con ngồi lên ghe. Giọng trầm xuống, bà kể: “Có một lần đi chở gạo ở vùng 4. Du kích bắt rất dữ. Một tay tôi cầm bánh lái, một tay cầm ga. Chạy nhanh đến nỗi có đứa con mới hơn 2 tuổi bị lọt xuống sông cũng bỏ luôn chứ không quay lại cứu”. Sau này, khi nhiều người hỏi tại sao lại làm thế, Tám Lũy thắng thắn trả lời: “Chứ tao quay lại cứu được đứa này thì cả chục đứa khác ở nhà không có gạo nó chết đói thì biết làm sao”.
 
Qui ẩn giang hồ
 
Mỗi cuộc đời con người, có lẽ khó ai tránh phạm sai lầm, cái quan trọng là chúng ta biết nhận ra sớm hay muộn những lỗi lầm đó để sống tốt hơn. Đối với Tám Lũy, dù nhận ra con đường mình đi là sai lầm lúc tuổi đã xế chiều, nhưng như ông cha ta nói, “muộn còn hơn không”. Ông Ba Khương, trưởng ấp Bến Đình, cho biết, gần chục năm nay Tám Lũy sống đời sống khép kín, quanh quẩn trong nhà nuôi con heo, con vịt. Nhưng mỗi khi có hàng xóm đến chơi, bà luôn vui vẻ, đối đãi hết mình. Gặp ăn thì bà mời ăn, có gì là bà bưng ra hết, mời ăn hết thì thôi. Khi chúng tôi đến, Tám Lũy vui vẻ tiếp chuyện với yêu cầu, không được chụp hình. Bà dí dỏm: “Tôi đã quá nổi tiếng rồi, nay chỉ muốn được sống yên bình thôi”. Khi về tìm trên mạng, may mắn có một tám hinh của bà, một nhà báo đã chụp được khi nào đó, mà tác giả bài viết này mạn phép đưa vào bài để người đọc dễ hình dung về bà hơn./.    
 
Đỗ Đăng Huỳnh

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức “hùng mà bi” của nữ tướng cướp hoàn lương từng là nỗi khiếp đảm của người dân miền Đông" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.