Ký sự người điên

29/10/2014 15:32

Theo dõi trên

Có lẽ tôi không bao giờ quên ánh mắt của những người được cho là “gánh nặng” của xã hội. Với họ, dù đất trời có đổi thay thiêng liêng đến thế nào cuộc sống của họ vẫn mãi là góc tăm tối trên miền Tây Quảng Trị.




Người phụ nữ trắng toàn thân co ro trên chiếc giường sập sệ đôi lúc cổ họng phát ra những tiếng cười ghê rợn

Chuyện “anh em Bạch Bạc”

Ban ngày cả làng Duy Hòa, Tân Liên, Hướng Hóa vắng hoe. Ai cũng tất bật kiếm tiền để lo cuộc sống trong ấm ngoài êm. Riêng bà Lê Thị Điểu nuốt nước mắt vào lòng ở nhà trông nom đứa con gái bị bệnh bạch tạng giờ đã mất hết khả năng kiểm soát hành động của mình.

Con bà, khi mới sinh bà chọn cái tên thật hay Lê Thị Bích Vân (1977) nhưng có ngờ đâu cái tên đó chỉ dùng trên giấy tờ, còn tên Bạch đã ăn vào máu của những người dân nơi đây. Bưng bát cơm lên rồi lại đặt xuống bà khóc òa: “Đến cơm mem đút cũng không ăn được. Cứ ngồi trông trời trông đất thế kia thì còn gọi gì là con người nữa chú ơi. Nói gì nó cũng không nghe, bảo gì nó cũng không biết. Chỉ nghe tiếng thét the thé đôi lúc lại phát ra từ cái cổ họng sưng vù, đôi lúc lại phô ra những tiếng cười ghê rợn”.

Trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng cách đây bốn năm, ban đầu thế nào thì bây giờ thế ấy, có khi còn thảm hại hơn vì lâu nay không có sự sửa sang tu bổ. Cái giường kê bấp bênh trên bốn viên gạch, người con gái với cơ thể trắng toát nằm co ro vì những đợt gió lùa giữ dội.

Bà bảo: “Chú muốn chụp ảnh thì thình lình mà chụp. Đừng có gây cho nó sự chú ý. Nó mà dậy là không biết đường nào mà lần đâu. Ngay cả tôi là mẹ nó đôi khi nó còn không nhận ra, mem cơm đút cháo có khi nó cào cho xây dước mặt mày hết cả”.

Đèn máy ảnh lóe sáng. Người phụ nữ trắng toát trở mình. Thấy người lạ Bạch cố dùng hết sức bình sinh của mình để xua đuổi. Huơ huơ cái tay cũng trắng toát, tiếng ậm ự trong cổ họng như con bò bị chọc tiết rống lên mà không thành tiếng. Liền sau đó một tiếng cười khanh khách vang lên như đùa cợt với chủ nhân của chiếc máy ảnh đã vô tình làm cô tỉnh giấc. Tôi áy náy vì mình đã hữu tình làm một việc tựa như đánh động giấc ngủ đông quý giá của một con gấu ở Bắc cực vậy.

Nhưng khổ đến tận cùng tại sao lại gieo vào gia đình bà đến hai người con như vậy. Anh trai của Bạch tên là Bạc cũng mắc căn bệnh tương tự. Anh Bạc sinh năm 1975, tên lúc khai sinh là Lê Quang Hữu, nhưng cả làng không ai buồn gọi cái tên đó mà cứ gọi là hai anh em Bạch, Bạc.

Bệnh bạch tạng làm đôi mắt của anh Bạc mờ đi từng ngày. May thay, Bạc vẫn còn biết thương mẹ, thương cái gia đình nghèo. Chứ như đứa con gái tội nghiệp của bà thì bà đến chết từ thuở nào.

Cái đau đớn nhất với người thanh niên này là mỗi khi đến nơi nào lạ lũ con nít lại hùa theo vì ngỡ là “ông Tây bà Đầm”. Mà cũng phải lắm chứ, một người da trắng như trứng gà bóc, tóc bạch kim, cao lớn thế kia là cái cớ để tụi con nít suy luận. Chủ thầu xây dựng thương lắm. Mang theo làm việc. Có bận leo tít giàn giáo, mắt kém, ngã dúi dụi. Trời thương chỉ bị phần mềm, chủ nó không đuổi mà còn thương cho nằm viện, lo thuốc men. Khi tôi đến ngôi nhà có hai người con đặc biệt này thì cũng là lúc anh Bạc theo nhóm người xây dựng sang Lào đổ bê tông. Bà Điểu khóc hoài, cản con: “Người ngợm thế kia mà còn đi gì nữa hả con, ở nhà mẹ con rau cháo qua ngày”. Anh nhìn người chị gái mà khóc rồi trốn đi làm thuê lúc nào bà chả hay, người mẹ già lo lắng lắm cho đứa con của mình”.

Người điên và câu hỏi cho người tỉnh

Chưa hết bàng hoàng với tiếng cười cô độc của người phụ nữ trắng toát, đôi lúc lại giật nảy lên với ý định túm cổ áo kẻ giám nháy máy ảnh vào cái giường sập sệ mình nằm. Tôi lại quặn lòng khi anh Hồ Chỏ - Cán bộ Chính sách xã hội xã Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị dẫn đến với thôn Bản Dài để xem hai bệnh nhân tâm thần, đây là thôn có 100% đồng bào Vân Kiều sinh sống.

Anh Chỏ bảo: “Nhất định tôi phải đưa anh đi. Chứ anh đi một mình thì không hay đâu. Họ sống một mình, điên loạn thế kia biết gì đâu nữa mà hỏi han. Còn một trường hợp cứ thấy người lạ là ba chân bốn cẳng chạy tít vào rừng sâu”.

Căn chòi rách nát của người điên Hồ Cum nằm ngay cây đa đầu bản. Mọi thứ rác rưởi, bao bì đều được anh tha về chất thành đống quanh cái ván gỗ làm giường tựa nắp quan tài. Cum (37 hay 38 tuổi?) chỉ ngồi bất động một chỗ, đôi mắt trợn ngược, đôi khi nhếch mép cười nước bọt chảy nhễ nhãi. Trên cổ là một sợi dây treo đủ thứ. Cum đi dọc đường thấy lược, bấm móng tay, khuy nắp bia lon… là xâu lại thành chuỗi quàng vào cổ như một món đồ trang sức đắt giá của những người lắm tiền nhiều của.

Bản làng ai cũng thương cảm, bữa ăn bưng bát cơm, chén canh nhưng Cum lại đổ đi, nhất quyết không chịu ăn. Đợi đến đêm Cum lại mần mò ra đường lượm lặt những thứ nông sản mà bà con rơi rớt nhai ngấu nghiến. Tựa như một người rừng, thứ gì nhặt được là Cum lại bỏ vào mồm. Sắp đến Tết, trời rét. Có người thương cảm quàng cho chiếc áo ấm, đợi họ về Cum ném vào bếp lửa bên cây đa rồi vỗ tay hò hét khi ngọn lửa bùng cháy trong lúc tấm thân run rẩy.

Trường hợp thứ hai thật đặc biệt, Hồ A Tâm là người điên bị gia đình họ hàng ruồng bỏ, không đếm xỉa gì đến nửa. Người hàng xóm tốt bụng Hồ Diêm (1978) dựng cho căn nhà sàn đối diện với nhà mình để chăm sóc.

Thấy khách lạ, Tâm hoảng hốt chạy thục mạng vào rừng, anh Diêm đuổi theo níu lại không được. Gọi mãi, tiếng gọi thất thanh giữa đại ngàn Trường Sơn, nhưng không hề có tiếng đáp lại. Anh quay về rầu rỉ: “Nó sợ người lạ mặt lắm, ở trong nhà mà thấy người lạ vào là nó nhảy từ trên nhà sàn xuống chạy tít vào núi. Chắc tôi phải huy động xóm làng đi tìm anh à. Để đêm xuống rắn rít nguy hiểm lắm”.

Chia tay họ, mụn con gái của bà Điểu vẫn nằm co ro với âm thanh phát ra từ cái cổ họng sưng vù, còn chàng thanh niên người Vân Kiều thì ngửa mặt lên trời mà cười khanh khách trong khi nước dãi tuột xuống cổ áo đen nhòm. Nếu có một mong ước, tôi chỉ cầu trời khấn phật rằng những cái thây người biết chuyển động kia sẽ có một cuộc sống thực sự. 

Tôi tự trách mình vì sao đang yên đang lành lại xuất hiện để một người điên tội nghiệp phải kinh sợ. Hay cứ để họ chết dần chết mòn trong xó rừng âm u, cho dù ngoài kia bao người tỉnh còn bận bịu trong vòng xoáy tiền bạc.                                                                 
 
Ngoại Hương 

Bạn đang đọc bài viết "Ký sự người điên" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.