Kỳ… sáo trúc

30/12/2015 15:36

Theo dõi trên

Đam mê âm nhạc dân tộc từ nhỏ, lớn lên Nguyễn Kỳ theo học lớp chuyên ngành sáo trúc ở các trường nghệ thuật. Cũng từ đây, anh bắt tay chế tác sáo trúc và mở “lớp” truyền lửa đam mê cho người trẻ…

Lớp học bằng niềm đam mê

Trong căn nhà cấp bốn nơi con hẻm của phường Hương Hồ, cứ buổi chiều cuối tuần lại thấy các bạn trẻ sinh viên, học sinh quay quần bên “thầy” Kỳ để học thổi sáo trúc. Với Kỳ, được truyền lửa đam mê âm nhạc dân tộc cho các bạn trẻ là một niềm vui bất tận!



Nguyễn Kỳ với niềm đam mê sáo trúc

Từ nhỏ, qua các chương trình ti vi, cây sáo lúc véo von đã trở thành niềm kích thích kỳ lạ trong con mắt cậu học sinh “nhà quê” Nguyễn Kỳ. Lớn lên, Kỳ theo học lớp sáo trúc ở Trung tâm giáo dục năng khiếu Văn Thể mỹ Huế rồi thi đỗ vào các trường Trung cấp VHNT tỉnh, rồi tiếp tục theo học Học viện Âm nhạc Huế. Kỳ tâm sự: “giai đoạn 2010-2011, để tìm một nơi học âm nhạc dân tộc rất khó. Mình thấy nhiều bạn trẻ có năng khiếu, đam mê nhưng lại không có cơ hội đến lớp. Thế là mình nghĩ ra việc “mở lớp dạy” sáo trúc miễn phí cho các bạn có nhu cầu. Mượn nhà lục giác trong công viên hoặc nhà mình để dạy.”

Lớp học sáo trúc của Kỳ có “học viên” cố định từ 30-40 em, chủ yếu là các bạn trẻ đam mê âm nhạc dân tộc. Chứng kiến một buổi chiều cuối tuần ở nhà lục giác trong công viên trước trường ĐHSP Huế, hàng chục học viên với đôi mắt tròn xoe quay quần bên “thầy” Kỳ để được hướng dẫn cách thổi sáo, chợt thấy phố phường lắng đọng bên nhịp sống xô bồ, hối hả! Từ trên “bục giảng”, Kỳ say mê hướng dẫn từ cách cầm sáo đến chuyên sâu hơi thổi sao cho đúng cao độ, trường độ…



Lớp học làm sáo của các bạn trẻ tại nhà do Kỳ hướng dẫn

Kỳ còn là người phát hiện ra những học viên có năng khiếu, đam mê để “bồi dưỡng” các bạn thi vào các trường nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn sáo trúc. Ngồi trò chuyện, Kỳ bảo: “Đến giờ mình cảm thấy rất vui vì đã “đào tạo” được 3 học viên thi vào Học viện Âm nhạc Huế. Các bạn trẻấy đều rất tài năng và chăm chỉ. Dù trở thành sinh viên, các bạn vẫn trở lại lớp học, đôi lúc phụ giúp mình “truyền lửa” cho những người đến sau.”

Gian nan chế tác

Lớp học sáo trúc ngày một đông, nhạc cụ phục vụ công tác “giảng dạy” khan hiếm là điều Kỳ trăn trở. Cũng không phải đến khi mở lớp dạy Kỳ mới học cách làm sáo. Trong ký ức thời phổ thông của Kỳ, là những ngày xuôi ngược từ những bụi trúc nhỏ trong làng rồi về vùng Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) lấy cây trúc về làm sáo, hơ lửa đến “cùn” cả ngón tay.

Thời gian sau đó, nhờ sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Quang Vinh (giảng viên Trường trung cấp VHNT), những cây sáo trúc “nên hình hài” phục vụ giảng dạy đã được Kỳ chế tác thành công. Đi vào chuyên môn sâu hơn, từ kỹ năng làm sáo trúc, có âm thanh trong mượt thì Kỳ may mắn được thầy Lê Văn Phổ (giảng viên bộ môn Sáo trúc Nhạc viện Quốc gia Hà Nội) hướng dẫn.

Từ những khoản tiền làm thêm ít ỏi, Kỳ đầu từ vào… xăng xe để thực hiện những chuyến “thượng sơn” tìm cây trúc về làm sáo. Gần 5 năm qua, không nhớ hết bao lần Kỳ cùng một số bạn trẻ trong nhóm có những buổi “nhật ký đi rừng” để tìm lên các vùng A Lưới, Nam Đông và Hướng Hóa, ĐaKrông (Quảng Trị) để tìm nguyên liệu.

Kỳ nhớ lại: “Hè năm 2015, mình cùng nhóm bạn lên vùng cao A Lưới để tìm cây trúc. Đi bốn anh em mà chỉ mang theo có hai lít nước. Đi từ sáng đến trưa mới tới nơi, chặt cây xong thì chiều trở ra, anh em đều mệt lả, cứ đùa vui cho qua thời gian. Đến khi đói bụng quá nhóm phải hái trái bứa rừng mà ăn. Tuy mệt thiệt, nhưng ai cũng vui vì đợt đó chọn được nhiều nguyên liệu ưng ý.”

Nhiều năm mày mò chế tác sáo trúc, đã cho Kỳ nhiều kinh nghiệm về thứ cây nguyên liệu “quý phái” này. Kỳ chia sẻ, trúc vùng Hương Thủy, A Lưới tuy đẹp nhưng làm sáo không bằng trúc vùng cao Hướng Hóa. Thời tiết ở đây độẩm cao nhưng gió Lào lại khô khốc, cây trúc cũng như được “tôi rèn” trong tiết trời khắc nghiệt. Khi chế tác sáo làm từ trúc vùng này đốt sáo dài hơn, cho âm thanh trong, “đẹp” hơn.

Câu chuyện chuyến đi vùng Hướng Hóa, làm cho Kỳ “nhớ” hơn cả. Đó là một dịp cuối tháng 10 năm 2015. Như thường lệ, nhóm Kỳ lên vùng bản Cheng chặt trúc. Những lần trước, dân bản đều vui vẻ đồng ý. Không biết sao lần này khi đưa trúc ra khỏi rừng, dân bản kéo đến rất đông… phản đối. Nói là một người ở lại để… làm rể của bản. Già làng đứng ra “trịnh trọng”: Chưa xin phép làng mà đã chặt cây. Nói đoạn, già làng bản Cheng mời cả nhóm vào nhà sàn ngồi… uống nước. Ai nấy mặt xanh như tàu lá chuối. Qua trò chuyện, nhóm Kỳ mới thở phào vì vào bản mà chưa… uống nước với già làng, chưa kính cáo thần linh.

Chia sẻ về cách chế tác sáo, Kỳ tâm sự: “Từ cách chọn nứa, mình phải khai thác cây vào thời điểm tháng 10-11 (DL) thì nứa sẽ ít mối mọt, âm trong và độ ăn nắng nhẹ hơn khi phơi. Nứa đưa về phơi trong 6 tháng mới bắt đầu chế tác. Công đoạn chà nhám, hơ lửa uốn nứa và khoan lỗ, cân chỉnh âm thanh là một kỳ công, người phải am hiểu âm nhạc mới thực hiện được.”

Món quà du lịch

Sáo trúc mang “thương hiệu” Nguyễn Kỳ không chỉ được những người theo âm nhạc chuyên nghiệp, du khách trong nước biết đến mà còn thông qua các chương trình biểu diễn của Kỳ, của những đồng nghiệp, sáo trúc đã “đi” đến với du khách nước ngoài. Cũng trong những lúc giảng dạy tại nhà lục giác, từng tốp sinh viên say mê học làm cho du khách nước ngoài đi qua trở nên thích thú. Một số khách phương tây đã ghé mua sáo về sử dụng hoặc làm quà.

“Đến nay mình đã làm được trên 2.000 sáo trúc các loại, chủ yếu bán làm “quà du lịch” cho khách trong nước, người chơi chuyên nghiệp và một ít đưa ra nước ngoài theo các chuyến lưu diễn của các thầy, đồng nghiệp.” Kỳ trải lòng.

Đặc biệt, năm 2013, trong chương trình Festival âm nhạc truyền thống Bắc Kinh (Trung Quốc), Kỳ đã được vinh dự cùng 10 nghệ sĩ trong Khoa Di sản - Học viện Âm nhạc Huế lưu diễn tại lễ hội này. Chuyến đi đã cho Kỳ thêm nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng nhạc cụ truyền thống sáo trúc và quảng bá sản phẩm sáo trúc ra nước ngoài.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ… sáo trúc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.