Kỷ niệm 67 năm ngày 15/10/1956 - Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam: Tưởng nhớ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm

15/10/2023 08:45

Theo dõi trên

Ngôi nhà liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cất tiếng khóc chào đời ở Huế hiện nay vẫn như xưa. Cái tên “Đào lý phương viên” (vườn đào lý thơm mãi) khiến người ta luôn tưởng nhớ đến người liệt sĩ và lý tưởng sáng ngời của chị. Nơi đây, vẫn phảng phất bóng hình Đặng Thuỳ Trâm trở về cố xứ.

1-1697115545-1697334137.jpg
Cô sinh viên trường Y, Đặng Thùy Trâm đi lao động

Ngôi từ đường họ Đặng “Đào Lý Phương viên” ra đời vào cuối thế kỷ 19, do cụ Đặng Như Bá (ông cố Đặng Thùy Trâm) từ Thường Tín, Hà Tây vào Huế làm quan triều Nguyễn xây dựng. Là người hay chữ, cụ Đặng Như Bá giữ chức Hàn lâm viện thị giảng, tòng tứ phẩm- Đây là chức quan giảng sách cho vua, thế tử, và giúp các học sĩ ở Hàn Lâm viện biên soạn chương sớ.

Năm 1922, cụ Bá cho triệt bỏ cái nhà tranh, để làm lại khu nhà rường ba gian hai chái, một nhà ba gian lợp ngói, một căn nhà phố hai gian và một nhà bếp. Hoàn tất công trình, năm 1923 khu nhà được cụ Bá đặt tên “Đào Lý Phương viên”. Ngôi nhà nằm trong "xóm quan lại" ngày xưa, nơi cư ngụ của các vị quan làm việc tại khu Lục Bộ (sáu bộ) của triều đình cạnh đó. Mùa đông năm Nhâm Ngọ (26/11/1942) Đặng Thuỳ Trâm đã chào đời ở Đào lý phương viên. Bà Doãn Ngọc Trâm cho biết: Thùy Trâm đã có những ngày tháng đầu đời hạnh phúc dưới mái nhà cổ Đào Lý Phương viên. Lúc ấy căn nhà vui tươi đông đúc, trong nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Thân phụ Thùy Trâm, ông Đặng Ngọc Khuê cùng vợ chuyển ra Thanh Hóa dạy học, mang theo con gái đầu lòng Thùy Trâm. Theo lời kể của bà Ngọc Trâm: nhiều lần bé Thùy đã được đưa về Đào Lý Phương viên thăm nội.

2-1697115638-1697334186.jpg
Những hình ảnh Đặng Thùy Trâm thời đi học tại Hà Nội

Đất nước thống nhất năm 1975, về quê nhà, ông Khuê ở lại giữ từ đường, lo phụng thờ ông bà đúng với trách nhiệm cháu đích tôn trong dòng tộc họ Đặng. Ông cũng đưa di ảnh của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm về nơi chào đời. Sau gần 10 năm ở Huế, năm 1985 ông mới chuyển ra Hà Nội sống cùng vợ con. Bây giờ, bước vào nhà vẫn còn nguyên vẹn hai cổng trụ cao lớn và bức bình phong kiểu cuốn thư lối xưa, trên đề chữ Hán “Đào Lý Phương viên”. Không gian sau bức bình phong rất cổ xưa. mái ngói liệt chuyển màu rêu phong che trên dãy cột gỗ và hàng cửa bàn khoa của ngôi nhà cổ. Căn nhà rường cổ ba gian hai chái, hệ thống rường cột, rầm thượng và vách ngăn vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Ngôi nhà từ đường họ Đặng hiện nay ở số 120 đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, Thành nội Huế. Đây là nơi gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ngày 22/7 năm 2008 UBND thành phố Huế đã hoàn thành tu bổ nhà thờ họ Đặng.

3-1697115707-1697334221.jpg
Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra tiếng nước ngoài

Người đang trông giữ ngôi từ đường Đào Lý Phương Viên, anh Hoàng Công Sấm đưa tôi đến dâng hương bàn thờ dòng họ (ở gian phía trái của căn nhà) nơi có di ảnh LS Đặng Thùy Trâm. Bàn thờ với nhiều di ảnh được sắp theo từng tầng bậc, đủ cả bốn thế hệ nhà họ Đặng. Phía trên cao nhất là cụ cố Đặng Như Bá, hàng cuối là di ảnh chị Thùy, em trai Đặng Ngọc Quang và thân phụ Đặng Ngọc Khuê. Dù đại gia đình họ Đặng đến nay người mất kẻ còn, người thì ở xa, tận Hà Nội, nhưng Đào Lý Phương viên vẫn luôn là nơi trở về của các thành viên trong gia đình. Mỗi mùa Xuân sang, đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch, đại gia đình nhóm họp để lo chạp giỗ. Tất cả mọi người đều xem đây là nơi để đoàn tụ.

6-1697115955-1697334312.jpg
Tượng LS Đặng Thùy Trâm tại Di tích Phổ Hòa, Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi
4-1697115758-1697334260.jpg
Ngôi mộ của LS Đặng Thùy Trâm tại Đức Phổ, Quảng Ngãi

Đào Lý Phương viên rộng 530m2, hiện nằm trên mặt tiền phố Mai Thúc Loan buôn bán sầm uất của thành nội Huế. Vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp cổ kính để mỗi dịp lễ tết, tất niên, các trường học, đoàn thể và học sinh, sinh viên Huế đến đây thăm viếng, dâng hương.

Vũ Hảo
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 67 năm ngày 15/10/1956 - Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam: Tưởng nhớ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.