Kỷ niệm 57 năm ngày thành lập huyện Tân Yên (06/11/1957 – 06/11/2014): Tân Yên vùng đất địa linh

05/11/2014 10:07

Theo dõi trên

Lịch sử Tân Yên đồng thời cũng là lịch sử đấu tranh bền bỉ, dũng cảm chống các thế lực đen tối trong xã hội và giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương và cuộc sống yên bình.

Tân Yên nằm ở phía Nam của huyện Yên Thế mà sử sách và dân gian vẫn quen gọi là miền Yên Thế hạ. Theo các nguồn thư tịch cổ và khảo cứu của nhiều học giả được phản ánh trong các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa lý Việt Nam, huyện Yên Thế có từ thời Lý - Trần với tên gọi là Yên Viễn - vùng đất xa xôi bình yên, thuộc Bắc Giang đạo (sau là lộ Bắc Giang). Tên huyện Yên Thế có từ thời Trần, trong sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi cho biết, Yên Thế thuộc Kinh Bắc với đặc điểm có tên nỏ tẩm thuốc độc dùng vào việc chống giặc ngoại xâm.



Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên ngày nay. Ảnh: Châu Giang.

Dấu xưa

Ngay từ những năm đầu Công nguyên, nơi đây đã có bà Dương Thị Giã (Nàng Giã đại thần) chiêu binh đứng dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc phương Bắc. Các thế kỷ tiếp theo, vùng đất này thu hút nhiều cơ dân, văn thần, võ tướng, sĩ phu về mở đất lập nghiệp. Nổi lên, dưới thời nhà Mạc có 18 vị Quận công họ Dương, 4 vị tiến sỹ của Yên Thế đều quê tại Tân Yên… Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất đó là Phong trào Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 - 1913), trong đó Tân Yên là cái nôi của phong trào và là quê hương của 2 thủ lĩnh tối cao Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám.

Cuộc Khởi nghĩa này giờ vẫn in dấu trên Đồi Phủ, thị trấn Nhã Nam, tại làng Ngọc Châu, Ngọc Vân, Việt Ngọc và trận chiến cuối cùng tại Núi Ngàn xã An Dương… Trong 23 điểm Di tích Quốc gia đặc biệt liên quan tới Khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tại Tân Yên có tới 12 điểm.

Tiếng súng Khởi nghĩa Yên Thế ngừng chưa lâu thì nhân dân vùng đất này lại bước vào một giai đoạn mới với tinh thần quật khởi vô song: Những năm 40 thế kỷ XX, người dân Tân Trung, Phúc Sơn tiếp xúc với những chiến sỹ cách mạng và nhanh chóng trở thành những cơ sở cách mạng tin cẩn của Đảng. Tháng 9/1944 tại Yên Lý, xã Phúc Sơn và Đồng Điều, xã Tân Trung, bà Hà Thị Quế khi đó là Ủy viên Ban cán sự tỉnh Bắc Giang về kết nạp 6 đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Yên Lý và Đồng Điều. Đây là 2 Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Yên Thế, nay là Tân Yên, Yên Thế. Từ khi có Ðảng lãnh đạo, truyền thống nghĩa khí cao đẹp của Tân Yên được nhân lên gấp bội, phong trào quần chúng cách mạng sôi sục trong những ngày tiền khởi nghĩa. Ðỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945, thành lập chính quyền cách mạng và đây là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bắc Giang.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những người con quê hương Tân Yên tham gia, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những tấm gương sáng ngời dũng cảm như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Ðược (bí danh Cao Kỳ Vân)... Ngày 06/11/1957, Chính phủ ra Nghị định số 532-TTg tách huyện Yên Thế thành hai huyện Tân Yên và Yên Thế. Huyện Yên Thế là phần Yên Thế Thượng, huyện Tân Yên là phần Yên Thế Hạ.

Trong kháng chiến, Tân Yên là nơi che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của tỉnh và Trung ương về sơ tán. Tân Yên cũng là chiếc nôi của phong trào được cả nước biết đến như phong trào Hội mẹ chiến sĩ, cô Tấm hậu phương, xây dựng nhà bia liệt sỹ.




Cánh đồng mẫu trồng lạc tại xã Tân Trung. Ảnh: Châu Giang.

Huyện Tân Yên ngày nay

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ðảng bộ và nhân dân Tân Yên đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu toàn diện. Giai đoạn 2006 - 2010, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Giá trị sản xuất tăng bình quân 25,8%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 15,2%, công nghiệp - xây dựng tăng 50,9%, dịch vụ tăng 30,8%. Trên đà phát triển, diện mạo Tân Yên ngày càng đổi mới trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Năm 2014, Tân Yên sẽ có xã Liên Sơn, Quang Tiến về đích NTM. Phong trào hiến đất, hoa màu, tài sản trên đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng phục vụ cho công cuộc xây dựng NTM đang được nhân dân nhiệt thành hưởng ứng. Nhân dân đã hiến trên 50.000m2 toàn huyện đã làm được 25,71km đường bê tông. Công tác đồn điền, đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu được quan tâm chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2020, Tân yên sẽ có 100% xã về đích NTM.

Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), phát triển thương mại dịch vụ TTCN, dịch vụ những năm qua tăng trưởng khá. Tân Yên đã quy hoạch trên 450ha dành cho cụm công nghiệp, đã có 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 7.000 lao động. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá trị công nghiệp - TTCN ước đạt: 1.133 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn nước ngoài 838 tỷ đồng, doanh nghiệp trong nước và hộ dân doanh 275 tỷ đồng), đạt 65% kế hoạch, bằng 110% so với cùng kỳ…. Thu ngân sách 9 tháng đầu năm ước đạt 412,3 tỷ đồng, đạt 92,7% dự toán, bằng 120,4% so với cùng kỳ.


Công tác lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản đã hoàn thành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục được quan tâm. Tân Yên là huyện đầu tiên trong tỉnh Bắc Giang hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 28 Huân chương kháng chiến; 19 Huân chương chiến công; 01 Huân chương quân công hạng Nhất; phong tặng và truy tặng 179 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 Anh hùng thời kỳ đổi mới; 10.451 cá nhân được tặng Huân, Huy chương các loại. Ngày 11/6/1999, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã Quyết định tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho huyện Tân Yên thời kỳ chống Mỹ. Xã Lam Cốt được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp và 4 xã: Ngọc Thiện, Đại Hoá, Cao Thượng, Việt Ngọc được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Châu Giang
Theo Làng Việt Online

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 57 năm ngày thành lập huyện Tân Yên (06/11/1957 – 06/11/2014): Tân Yên vùng đất địa linh " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.