Chủ nhân của cặp kỳ lân ấy là ông L.M.S đã trên 60 tuổi, ở Bình Thủy, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Chia sẻ về cặp kỳ lân, theo ông S cho biết: “Cặp kỳ lân này rất lâu đời, do tổ tiên tôi để lại và nó được làm bằng đồng đen (? - PV). Khi ông nội qua đời đã dặn tôi giữ gìn cẩn thận cặp kỳ lân này và giữ luôn trong nhà, dù bất kì hoàn cảnh khó khăn gì cũng không được trao đổi hay mua bán. Tôi đã giữ cặp kỳ lân này trong suốt 60 năm nay, xem nó như là vật thiêng liêng, là linh hồn của tổ tiên, dòng họ”. Nhìn bề ngoài, cặp kỳ lân có màu đồng sẫm, cầm lên ước nặng chừng gần 5kg.
Cặp kỳ lân của ông L.M.S. (Ảnh: Hoàng Lê)
Được biết, theo quan niệm dân gian, “kỳ lân” là 1 trong “tứ linh” nên có người cho rằng đó là vật linh thiêng, luôn mang lại điềm lành may mắn cho những ai sở hữu. Có lẽ vì thế mà như ông S kể lại, cách đây vài năm, có vài người thích sưu tầm đồ cổ đến nơi này để tìm mua cặp kỳ lân nhưng ông nhất định không bán. Do chỉ ở 1 mình, lại đi đây đó thường xuyên, nên ông S thường gửi cho em trai của mình trông giúp. Sợ bị mất nên khi đi xa nhiều ngày, ông S còn cẩn thận cho cặp lân vào túi mang đi.
Chia sẻ thêm về cặp lân quí hiếm của ông S, ông Lê Văn Rỡ (57 tuổi, người láng giềng) cho biết: “ Cặp kỳ lân của anh S không to lắm, nhưng rất nặng. Theo tôi biết, đây là cặp lân của tổ tiên; ông nội của anh S khi còn sống đã xem cặp lân là báu vật vô giá, không thể bán mua. Vì vậy, anh S luôn mang theo nó bên mình, đôi khi có mang ra đánh bóng và chiêm ngưỡng”.
"Để tuột" gia đình hạnh phúc, một mình sống bên cặp kỳ lân
Theo chia sẻ của một số người dân sở tại, hành trạng cuộc đời của ông S luôn chứa đựng những điều kỳ lạ. Khi còn trẻ, ông S có tham gia đờn ca hát xướng, đi đây đi đó nhiều nơi, tính tình hiền lành nên dễ lấy được lòng phụ nữ. Nhiều người gọi vui là ông S có số “đào hoa”, vì vậy mà chuyện tình duyên của ông luôn lận đận, trắc trở.
Ông Rỡ cho biết: “Vợ đầu của anh S là chị N.T.B, cùng tuổi với anh S, quê ở Trà Vinh. Vì mến mộ tài năng ca hát, vẻ ngoài phong nhã, hào hoa nên đã từ bỏ gia đình chấp nhận theo anh mà không cần phải trầu cau, cưới hỏi. Khi đó, anh S đi ghe buôn lác và chị B cũng theo anh để mưu sinh; hai người có với nhau 2 đứa con gái, sau đó, anh S bán ghe lên bờ và họ cũng đã chia tay nhau từ đó”.
Cũng theo anh Rỡ, nguyên nhân chính dẫn đến chuyện "chia tay" của người vợ là do ông S không lo làm ăn, buôn bán, vun đắp hạnh phúc gia đình mà chỉ chăm lo cho cặp kỳ lân. Sáng thức dậy, ông mang cặp lân ra lau chùi, đánh bóng; tối đến, ông cũng mang cặp lân ra ngắm nghía rồi mới ngủ. Vì vậy, vợ đầu của ông đã phải mang 2 con ra đi bỏ lại ông với cặp kỳ lân ở lại quê nhà.
Ông L.M.S bên cặp kỳ lân.
Sống ở vậy một thời gian, ông S cưới chị L.T.M (55 tuổi, người cùng làng) và đã có đến 5 người con. Lần này, xem ra ông S đã chăm chỉ làm ăn hơn trước nhưng rồi cũng không bỏ được thói quen chăm sóc cặp lân yêu quí của mình; lau chùi, ngắm nghía cặp lân mỗi sáng, mỗi chiều.
Xác nhận điều này, anh Lê Văn Miên (49 tuổi, phó Trưởng ấp Bình Thủy) cho biết: “ Dù có đến 5 con, 4trai, 1 gái nhưng anh S dường như không chú tâm lắm vào việc vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi dạy các con. Vợ anh- chị M là một người phụ nữ đảm đan, yêu chồng, thương con hết mực. Do đất đai ít, chị phải gồng mình làm thuê, làm mướn nuôi dạy các con. Hiếm thấy người phụ nữ nào chịu thương, chịu khó như chị M lắm. Khi các con của chị trưởng thành, chị đã cùng tụi nó lên thành phố lập nghiệp; hiện nay, họ đã có cuộc sống sung túc, đàng hoàng; có vài đứa đã lập được được cơ sở làm ăn riêng. Cả xóm này ai cũng thương mẹ con chị M, giờ họ đã có được được cuộc sống tốt hơn, ai cũng mừng cho chị”.
Được biết, trong thời gian sống với chị M, ông S vẫn giữ thói quen lau chùi cặp kỳ lân, ông luôn xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng trong suốt cuộc đời mình.
Cũng theo lời anh Miên, cuộc sống của ông S sau khi chia tay chị M khốn khó đủ điều. Có khi, ông phải đi làm những công việc nặng nhọc để nuôi sống bản thân nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có ý định bán cặp lân, cho dù cuộc sống nghèo khó đến tận cùng. Gần đây, các con trai của ông muốn ông lên Sài Gòn để đoàn tụ với gia đình nhưng ông lắc đầu từ chối.
“Ông nội tôi dặn không được mang cặp lân đi đâu nên tôi không thể trái lời người đã khuất được. Dù có khi tôi cũng muốn sống cùng các con nhưng nghĩ lại làm vậy là không đúng. Đối với tôi, cặp lân ấy có giá trị thiêng liêng, tôi sẽ mãi giữ nó tại quê nhà”- ông S tâm sự.
“Sống cùng với cặp lân, chết mang theo nơi chín suối”
Theo lời anh Miên, thời gian gần đây kinh tế gia đình của ông S đã cải thiện chút ít. Vì thấy cha mình sống khắc khổ nên các con ông cũng đã hỗ trợ cho ông xây lại ngôi nhà để che nắng, che mưa. Do sức khỏe sa sút nên ông S đã bỏ rượu, chỉ nấu nước trà mời khách mỗi khi họ đến viếng thăm.
“Hiếm thấy người nào có thói quen lạ như anh ấy, dù cuộc sống có khốn khó như thế nào anh ấy vẫn giữ mãi báu vật của tổ tiên. Theo tôi, ông nội anh ấy biết chuyện, cũng sẽ ngậm cười vì dòng tộc đã có người gìn giữ cặp kỳ lân. Anh ấy có thói quen uống nước trà và ngắm cặp lân một mình, âu đó cũng là do số phận”- anh Miên nói thêm.
Nhắc lại chuyện các con, ông S bùi ngùi: “Tôi thương tụi nó lắm. Tôi có mong muốn là lo lắng chuyện gia đình của tụi nó trước khi nhắm mắt, xuôi tay; hiện nay còn 3 đứa chưa lấy vợ nên tôi cũng hơi rầu. Nhưng tôi lại có một mong muốn lớn hơn là tiếp tục gìn giữ cặp lân đến giây phút sau cùng. Cũng vì cặp lân này mà gia đình tôi tan rã, nhưng tôi không hề hối tiếc việc mình đã làm. Vì đối với tôi, cặp lân này đã gắn bó với dòng họ, tổ tiên, cặp lân cũng đã đi theo tôi gần hết cuộc đời, không dễ gì thay đổi được”.
Mang cặp lân quí hiếm trang trọng đặt lên bàn thờ, mắt ông S rơm rớm nước. Có lẽ, trong gần suốt quãng đường đời đầy chông gai, trắc trở của mình điều tâm đắc nhất còn lại của ông lúc này chính là cặp kỳ lân. Đối với ông, cặp lân này không chỉ có giá trị về vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Ông sẽ luôn mang theo, gìn giữ báu vật quí giá của tổ tiên trong quãng đời còn lại của cuộc đời mình.