Liệt sĩ” Phạm Văn Hai vui mừng kể câu chuyện gặp nhau kỳ diệu
40 năm mang danh liệt sĩ
Để tìm hiểu rõ hơn về cuộc gặp gỡ của hai linh “hồn” sau hơn 40 năm xa cách. Từ trung tâm huyện, men theo dọc con đường rừng hồ Phú Ninh hơn 4 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm được đường gia đình ông Phạm Văn Hai ở xóm 7 nơi linh hồn “sống” mang danh liệt sĩ ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh, Quảng Nam). Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, ẩn sâu sau mép đồi chỉ toàn cây rừng. Sau vài câu chuyện mời khách chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy niềm tự hào cũng như nước mắt của hai ông bà thương binh. Đặc biệt là câu chuyện về “liệt sĩ” Phạm Văn Hai trong những năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và hành trình về quê sau 40 năm được lập bàn thờ tại quê nhà Đại Lộc.
Sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng ở xã Đại Thịnh (Đại Lộc, Quảng Nam), cũng như bao thanh niên trai trẻ khác. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964 anh Phạm Văn Hai khi ấy vừa tròn 17 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 của Tư lệnh quân khu 5. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt. Nhất là ở chiến trường từ Quảng Trị đến Bình Định máu lửa. Được phân công làm nhiệm vụ trinh sát ở “vùng lõm” căn cứ địa cách mạng ở xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). Đây được xem là vùng trọng điểm tàn phá của địch thời điểm bấy giờ.
Nhớ lại những ngày đầu chiến đấu, ông Phạm Văn Hai cho biết: Khi đó, cuộc chiến tranh ác liệt lắm, trong trận càn quét của quân địch tháng 7 năm 1970 diễn ra khu căn cứ địa cách mạng Bình Dương (Thăng Bình). Trung đoàn được nhận nhiệm vụ đánh lạc hướng để đảm bảo sự an toàn cho các đồng chí đang giữ tài liệu thông tin bí mật về cuộc kháng chiến. Không ngờ đang trên đường thực hiện nhiệm vụ về cầu Danh Dự thì bất ngờ bị địch mai phục sẵn. Trong trận đánh đó, hơn 12 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh. Còn riêng bản thân ông bị thương nặng vùng đầu và chân nằm liệt tại chiến trường. Mãi gần 3 ngày sau cơn hôn mê bất tỉnh trở dậy ông thấy mình được nằm ở trung tâm dưỡng thương trại thương bình ông Trì ở Phú Ninh.
Do vết thương quá nặng nên ông Hai không thể tiếp tục ra chiến trường chiến đấu để trả thù cho đồng đội đã nằm xuống, nên trong lòng luôn mang nỗi day dứt không nguôi. Mỗi khi nhắc đến hai chữ “đồng chí” nước mắt ông Hai lại trào ra. Gạt dòng nước mắt khi nhớ đến đồng đội ông Hai nghẹn nghào: Thời đó, anh em chúng tôi sống với nhau rất thân thiết, coi như là anh em trong một nhà. Ở khu căn cứ Bình Dương đó, chúng tôi được các chị, các mẹ che chở đùm bọc rất nhiều. Trong trận chiến ác liệt đó, trước khi bị thương ở đầu và chân nhìn các đồng chí nằm xuống mà mình bất lực...”. Nói đến đây mà giọng nói của ông Hai như nghẹn đắng trong cổ họng.
Trong thời gian ở trại dưỡng thương dành cho thương binh của ông Trì, có bà Trần Thị Kim Chi là cô du kích khi đó cũng đang nằm dưỡng thương tại trại. Hai tâm hồn cùng chung mảnh đời “thương binh”, họ đã dành tình cảm cho nhau, kể cho nhau về những câu chuyện chiến trường. Cảm phục lẫn nhau, sau ngày giải phóng đất nước (1975), họ kết đôi nên vợ nên chồng. Và tìm về mảnh đất Tam Lãnh (Phù Ninh, Quảng Nam) quê chị Chi làm nơi sinh sống lập nghiệp.
Cuộc gặp gỡ kỳ diệu của hai linh hồn “sống”
Sau ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bao lứa trai làng lần lượt trở về quê hương. Gia đình, người thân họ hàng cụ Phạm Văn Kiều (xã Đại Chánh, Đại Lộc) hàng ngày vẫn luôn mong ngóng đợi chờ tin tức của đứa con trai duy nhất trong nỗi vô vọng. Tháng 7/1978 gia đình bất ngờ nhận được giấy báo từ Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà nẵng hay rằng ông Hai đã hy sinh ở chiến trường ở khu căn cứ cách mạng ngày 21/5/1970 và được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương (Thăng Bình. Quảng Nam). Cũng từ ngày đó, ông lập ban thờ và hàng năm lấy ngày ông Hai hy sinh trên giấy báo tử để thờ cúng linh hồn con trai mình.
Nhìn tấm di ảnh của cậu con trai, cụ Kiêu nhớ lại: Sau ngày hòa bình gia đình nhiều năm cũng đi dò la tin tức của thằng Hai nhưng vẫn bặt âm vô tích. Khi nhận được giấy báo tử, tôi cùng với các con đi tìm mộ của nó ở nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương để đưa về quê mai táng cùng với tổ tiên. Nhưng vẫn không tìm được, vì ở đó có đến hàng trăm ngôi mộ vô danh, không biết con mình nằm ở đâu. Nghĩ con mình vẫn còn đang còn nằm ở đây (nghĩa trang – PV) ấm cúng bên cạnh các đồng đội bao năm chiến đấu cùng nhau, nên gia đình đành lòng để nó ở lại cùng với bạn bè của nó…”
Ở vùng quê nghèo xã Tam Lãnh (huyện Phú Nình, Quảng Nam), quê hương thứ hai của ông Hai. Hằng ngày, ông luôn ao ước cùng với các con một lần được về quê nhưng sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi một phần cơ thể và trí nhớ của ông. Có lần những đứa con trở về vùng Đại Lộc để tìm gia tộc nhưng đều không có tung tích. Vì nơi ông sinh ra ở xã Đại Thanh sau những lần dội bom như trút nước của quân đội Mỹ nên gia đình ông đã chuyển lên xã Đại Chánh mà ông không biết. Có người nói gia đình ông không còn ai sinh sống ở đây nữa, và cha ông đã mất từ lâu. Trở về, trong sự vô vọng, ông cùng các con lập ban thờ và hàng năm lấy ngày mùng 8 tháng chạp làm ngày giỗ bố. Vậy là, ở hai vùng quê ròng rã hơm 38 năm hai cha con ông Hai lập 2 ban thờ cúng “linh hồn sống” của nhau mà không hề hay biết.
Trở về cuộc sống bình dị sau ngày cưới, dù gia cảnh còn nhiều khó khăn lại là thương binh nhưng ông đã cũng bà Chi sinh ra được 5 người con. Con cái lớn lên, đứa nào cũng ngoan và có hiếu với bố mẹ. Những người con của ông hàng ngày vẫn cố gắng “vớt vát” mọi nguồn tin để tìm về cội nguồn của người cha. Câu chuyện tình cờ nhưng thật ý nghĩa của cậu con trai út Phạm Văn Lý (đang làm ở Trung tâm Viettel ở Gia Lai) với anh Phạm Văn Thời người cấp dưới quê xã Đại Thanh (Đại Lộc) trong lần “chén rượu, chén trà” buổi liên hoan cuối năm. Qua câu chuyện hai người họ Phạm Văn họ trở nên thân thiện hơn, họ kể cho nhau về quê quán, cuộc sống mưu sinh… rồi câu chuyện về cha mình ông Phạm Văn Hai bị thất lạc miền quê. Đem câu chuyện của anh Phạm Văn Lý anh Thời về quê kể lại cho các cụ trong gia tộc nghe và được biết ở xã Đại Chánh cũng có một chi tộc họ Phạm Văn đang sinh sống ở đó. Không quản đường dài, anh Thời tìm về Đại Chánh và được biết ở đây có gia đình cụ Kiệu chuyển từ xã Đại Thạnh về đây được hơn mấy chục năm trời. Bất ngờ trong gia đình cụ Phạm Kiệu có bằng Tổ quốc ghi công với liệt sĩ Phạm Văn Hai đúng như tên cha của anh Lý.
Không bỏ lỡ cơ hội, anh Lý tức tốc về quê xác định rõ nguồn tin tức. Niềm tin như trở lại với người cháu nội khi hay ông nội mình vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Về quê, ngày 16/7/2012 anh Lý cùng với các anh em trong nhà vượt hàng trăm cây số đưa cha mình về Đại Lộc gặp lại ông nội tuổi đã ngoài 100. Một cuộc gặp gỡ như câu chuyện cổ tích của hai cha con sau hơn 48 năm xa cách, cùng hơn 38 năm “thờ cúng” lẫn nhau. Niềm hạnh phúc như vỡ òa lan tỏa cả một vùng quê của ngày đoàn tụ gia đình cụ Kiệu. Hàng xóm, họ hàng ai ai cũng không cầm được nước mắt đến nghẹn lòng khi chứng kiến cảnh hai cha con cụ Kiệu ôm vào nhau mừng rỡ khóc đến nức nở. Nhìn cảnh tượng người cha cha già tuổi đã hơn một thế kỷ ôm người con thương binh nặng “tập tễnh” vào lòng mới thấu hiểu được tình cảm “phu tử” thắm thiết đến nhường nào…
“Trong những ngày sau đó, họ hàng, người thân trong gia đình chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sông mưu sinh sau bao năm xa cách ở mỗi vùng quê. Không có gì vui mừng hơn khi mình tìm được nguồn gốc nơi “chôn rau cắt rốn” của người cha sinh ra mình sau mấy chục năm tìm kiếm”, anh Phạm Văn Lý vui mừng chia sẻ.
Sau khi biết thông tin “liệt sĩ” Phạm Văn Hai trở về, chính quyền địa phương xã cũng đã cử người đến cùng chia vui cùng gia đình trong ngày đoàn tụ. Còn về phía gia đình, ông Hai cũng đã nhờ anh em trong gia tộc mang hết hồ sơ chính sách, chế độ liên quan bàn giao lại cho ban chính sách địa phương. Và đề nghị tiến hành các thủ tục xóa tên ông Hai trong danh sách liệt sĩ của xã đồng thời trả lại tên cho ông sau hơn 38 năm mang danh “liệt sĩ”.
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: Trong các gia đình chính sách ở địa phương, gia đình thương binh Phạm Văn Hai và bà Trần Thị Kim Chi đang gặp nhiều khó khăn nhất. Mọi nguồn thu nhập chính của gia đình đều nhờ vào sự trợ cấp của nhà nước. Hàng năm, chính quyền vẫn thường xuyên lui tới để động viên, khích lệ gia đình ông Hai. Việc ông Hai được công nhận là liệt sĩ ở Đại Lộc cũng làm bất ngờ cho địa phương sau hơn 38 năm công nhận là “liệt sĩ”. |
Hữu Tiến