Kỳ bí Thẳm Phẩy

14/09/2016 09:59

Theo dõi trên

Nằm lọt trong khoảng rừng núi mênh mông của Ba Bể, hang Thẳm Phầy (bản Vàng, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bao lâu vẫn im nghe tiếng suối chảy róc rách nay đã được “đánh thức” bởi những đôi chân ham chinh phục. Trong ánh mắt háo hức, hân hoan của những người vừa đi ra từ lòng núi, vẻ đẹp của hang động mới này giống như “Sơn Đoòng của miền Bắc” vậy.


Bản Vàng nằm ở lưng chừng núi. Dừng xe ở trên con đường bê tông nối liền các bản, chúng tôi bắt đầu rẽ vào con đường men theo sườn núi, bắt đầu hành trình khám phá hang Thẳm Phầy - tiếng địa phương là Hang Lửa.

Những cơn mưa bất chợt làm con đường duy nhất dẫn vào hang trở nên trơn trượt, có chút hiểm trở hơn ngày thường khi đi bộ với rất nhiều dạng địa hình. Khi băng núi, bước qua cầu tre vượt suối, khi len lỏi trong rừng theo lối đi của người dân địa phương, rồi lại băng qua một con suối nông là tới một sườn núi xanh rì màu lúa đương thì con gái. 2km len lỏi trong rừng càng làm mọi người hồi hộp bởi không gian hoang vắng, rậm rạp, thưa vắng người.

Nằm ở lưng chừng núi, lại khuất bởi những cây xanh um tùm che khuất nên nếu không phải là người dân địa phương hay những người đã tới đây, khó ai có thể biết lối vào hang Thẳm Phầy. Cửa hang khá nhỏ, đứng từ đó nhìn xuống lòng động áng chừng 20m, tối thăm thẳm. Hơi nước từ trong hang phả ra mát lạnh, đứng từ xa đã nghe thấy tiếng róc rách của nước luồn qua khe đá vọng lại.




Những nhũ đá, măng đá hiện ra...

Sau khi chuẩn bị xong đồ nghề thám hiểm cho các thành viên trong đoàn, anh Nguyễn Tuấn Linh - Giám đốc công ty lữ hành quốc tế “Mr Linh’s Adventures”, người đã nhiều lần khám phá hang động này, bắt đầu hướng dẫn mọi người lối vào hang. Theo lời anh, đi sâu vào lòng hang chỉ chừng khoảng hơn 1 km là sẽ có hai nhánh động, rẽ theo lối phía trái là men theo sườn núi và bên phải thì tiến sâu vào lòng núi, mỗi bên có vẻ độc đáo riêng. Vì cơn mưa ban sáng làm mực nước trong động có phần dâng cao nên anh quyết định dẫn cả nhóm đi theo hướng bên tay trái, vào sâu khoảng hơn 1,5km với lối đi hoàn toàn băng theo dòng suối ngầm. Rất may là mực nước chỉ ngang đầu gối, khi sâu nhất mới tới thắt lưng người bình thường, nước chảy chậm nên không khó khăn cho mọi người di chuyển.

Mỗi một bước tiến sâu vào lòng hang Thẳm Phầy lại khiến cho người đi chuyển từ trầm trồ này sang ngạc nhiên khác. Đáy của dòng sông ngầm chủ yếu là cát, do đó nước đã được lọc cả một đoạn dài, có đoạn trong vắt nhìn thấu đáy. Càng vào sâu bên trong, nước càng mát lạnh. Theo ánh đèn pin lấp loáng chiếu qua mặt nước có thể thấy cả những tảng đá nằm dưới chân. Nguồn nước trong hang hoàn toàn sạch tinh khiết, đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho toàn dân trong xã Hoàng Trĩ nên mọi người đều hết sức giữ gìn.

Ngạc nhiên nhất là những cảnh quan thiên tạo hiện hữu hai bên thành và vòm động. Những nhũ đá, măng đá đẹp mắt, hình thù sinh động níu chân người đi khắp cả hành trình vào hang. Khi thì như những rèm buông rủ của một tòa lâu đài, khi thì giống một dải lụa nằm hờ hững trên vách đá. Có những vân đá uốn lượn như được những nghệ nhân khéo tay chăm chút từng chi tiết. Đặc biệt, cả một sườn  hang dài có những sợi tơ đá chừng một gang tay bám vào, buông rủ xuống rất độc đáo và hấp dẫn. Thỉnh thoảng trên đường đi bắt gặp những khe nước tràn từ núi vào, tạo thành những mạch nước nhỏ bám theo vách núi nhưng cũng độc đáo chẳng kém, khi thì như một dòng thác nhỏ, khi thì miệng khe tròn như một chiếc ống lớn lọt vừa một thân người.




Càng vào sâu, không khí hang càng lạnh

Khu vực cao nhất theo lối động bên trái cao khoảng 20m, rộng như một tòa nhà với các tầng lớp thạch nhũ ngắn dài thả xuống, thêm vài tầng đá thấp cao trước khi tới lòng của dòng sông ngầm càng làm cho không gian trở nên rộng và cao. Những vân đá tự nhiên, thạch nhũ hình thù độc đáo xuất hiện càng nhiều, lại phản chiếu từ ánh sáng dọi theo dòng nước nên càng lấp lánh.   

Càng vào sâu trong động, không khí càng lạnh, nhiều đoạn trần hang thấp khiến mọi người phải né người, có khi cúi sát người. Nếu theo như những người dân địa phương thì chiều dài động ước tính 5 – 6km, đi sâu hơn vào lòng hang có một lòng sông khá sâu mà phải lặn qua chứ không thể lội như bình thường… Cách tính dân gian mà những người dân ở đây vẫn làm từ khi chưa có đèn điện để vào hang tức là khoảng chục thanh niên trai tráng trong làng, mỗi người vác một cây đuốc dài chừng 2,2m rồi vào. Khi nào hết bó đuốc là qua tới bên kia núi. Tuy nhiên, vì chưa có một đoàn chuyên gia về hang động nào khám phá khu vực này nên sẽ khá mạo hiểm cho các thành viên trong đoàn, bởi vậy mọi người tiếp tục khám phá các ngõ ngách nhỏ trong lòng hang rồi trở ra.

Khi những tiếng róc rách của nước nghe nhỏ dần, một hành trình tới bốn tiếng đồng hồ trong hang động, quanh mình vẫn văng vẳng bên tai bước chân lội dòng, tiếng nước nhỏ tí tách trên trần hang và những riếng reo trầm trồ thì chợt bừng tỉnh bởi ánh sáng cũng lộ ra từ cửa hang rọi vào mắt. “Lần đầu tiên được khám phá hang động này, thật sự tôi giữ nguyên cảm giác lâng lâng hạnh phúc tới cả một tuần sau đó”, anh Nguyễn Tuấn Linh chia sẻ.

Tham gia đoàn khảo sát, ông Hà Văn Trường (Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn) cho biết hang Thẳm Phầy nằm trong danh sách các di tích, danh lam đã được kiểm kê theo quy định của UBND tỉnh Bắc Kạn, vì vậy vẫn được bảo vệ theo quy định. Trước mắt, để giữ gìn môi trường và đảm bảo hiện trạng của hang động đẹp này, đồng thời nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương, chính quyền xã Hoàng Trĩ sẽ là nơi đảm nhận nhiệm vụ quản lý và bảo vệ. Trong thời gian gần nhất, Sở VHTTDL Bắc Kạn và địa phương sẽ có đề xuất để mời các chuyên gia hang động đánh giá địa chất, địa mạo, cũng như tiến hành khảo sát sâu hơn để có đánh giá cụ thể về tiềm năng, khả năng đưa vào khai thác du lịch của hang động này. Theo tinh thần chung, việc khai thác sẽ phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.

(Theo Báo Du Lịch)

NGUYỄN HƯƠNG
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ bí Thẳm Phẩy" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.