Kỳ bí những ngôi mộ đá trên dòng Hội Nguyên

24/05/2022 21:46

Theo dõi trên

Có một vị chúa đất ở đây đã dấu 7 xe vàng ở trên một đỉnh núi cao. Địa điểm chôn kho báu là nơi có thể thấy được 3 con sông lớn. Nhiều người cho rằng ở đỉnh Pu Xén sẽ trông thấy được 3 con sông lớn, nên đây là nơi dấu vàng của chúa đất ngày xưa.

oc-dao-1653381971.jpg
Nhà ông Lô Văn Yên trở thành một "ốc đảo" trên dòng Hội Nguyên. Ảnh: P.V 

Những câu chuyện kỳ bí

Trên dòng Hội Nguyên đoạn chảy qua bản Pủng, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương nổi lên một “ốc đảo” nhỏ giữa dòng sông rất thơ mộng. Trên "ốc đảo" này có một số ngôi mộ được đắp bằng đá, rất kỳ bí, tương truyền đây là những ngôi mộ của người Tàu.

Chủ của “ốc đảo” này là ông Lô Văn Yên - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng. Ông Yên cho biết: Vốn xưa, đây là một ngọn núi nằm ven dòng Hội Nguyên, nhà ông ở trên đó. Nhưng sau khi làm thủy điện Khe Bố, nước sông dâng lên, một số vùng thấp bị ngập lút, dân di dời đi tái định cư. Còn phần đất của gia đình ông ở trên đỉnh đồi nên khi nước ngập tạo ra một “ốc đảo” như vậy.

Cũng theo ông Yên cho biết, trên vùng đất này trước đây có nhiều ngôi mộ được đắp theo một hàng thẳng, xung quanh được bao bọc bởi nhiều hòn đá có chiều dài 1,2m và rộng 0,5m. Đến nay vẫn chưa rõ những ngôi mộ này có từ khi nào? Chỉ được nghe tương truyền là mộ của người Tàu.

Đi tìm hiểu về chủ nhân của những ngôi mộ này PV được nghe rất nhiều câu chuyện mang màu sắc thần bí liên quan tới người Tàu (người Trung Quốc - PV) từng đến vùng đất này.

Theo các cụ già ở bản Pủng cho biết: ngày xưa có thầy địa lý người Tàu khi du ngoạn lên đến vùng đất này, thấy ở đây có long mạch phát vua chúa, nên đã cho người đào cắt ngang mạch đất để trấn yểm. Dấu vết của việc đào đất cắt long mạch đến nay vẫn còn ở trên dãy Pu Xén. Các hố được đào với khoảng cách 20m một hố, kéo dài từ bờ sông lên tận đỉnh núi.

Lại có người cho biết, sở dĩ người Tàu cho đào các hố là để thăm dò kho báu bởi trước đây có câu chuyện kể: Thời xa xưa có một vị chúa đất ở đây đã dấu 7 xe vàng trên một đỉnh núi cao. Địa điểm chôn kho báu là nơi có thể trông thấy được 3 con sông lớn. Nhiều người cho rằng đỉnh Pu Xén là nơi trông thấy 3 con sông lớn, nên đây là nơi dấu vàng của chúa đất ngày xưa.

cac-ngoi-mo-1653381974.jpg
Nơi có nhiều ngôi mộ được chôn cất. Ảnh: P.V

Đi tìm chủ nhân của các ngôi mộ

Xã Yên Thắng (Tương Dương) chủ yếu là người dân tộc Thái, người Thái đến vùng đất này sinh sống từ thời xa xưa. Trước đây sông Hội Nguyên có tên là sông Hội Ninh nhưng sau này vì kỵ húy (khi Lê Duy Ninh được tôn lên làm Vua - PV) nên đổi từ Hội Ninh thành Hội Nguyên.

Vùng đất bản Pủng ngày xưa là nơi đô hội, với cảnh trên bên dưới thuyền tấp nập. Đây là cửa sông lớn (giao giữa cửa sông Hội Nguyên và sông Lam), nơi giao thương của các xã vùng trong như Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh, Nga My,… với các thuyền buôn vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn lên. Ngoài ra, dưới đất của vùng lại có nhiều vàng nên đây là điểm đến của nhiều nhóm người, trong đó có cả người Tàu. Vì vậy chủ nhân những ngôi mộ trên dòng Hội Nguyên cũng có thể là những người đến làm ăn buôn bán, cũng có thể là các phu đào vàng ngày xưa, vì lam sơn chướng khí mà bỏ mạng.

nhung-ngoi-mo-da-1653381974.jpg
Một ngôi mộ cổ được ghép bằng những phiến đá nằm trên vùng đất nhà ông Lô Văn Yên, xã Yên Thắng. Ảnh: P.V

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện này như thế nào, PV đã tra cứu các tài liệu có liên quan và thấy rằng những câu chuyện liên quan tới người Trung Quốc từng sang đây khai thác vàng là có cơ sở.

Bởi, thứ nhất, dòng Hội Nguyên là nơi có vàng sa khoáng nhiều ở phủ Tương Dương ngày xưa nên ở đây thu hút các phu vàng là đương nhiên.

Thứ hai, theo sự tích đền Tường ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa cho biết: Đầu thế kỷ XV, lấy cớ diệt nhà Hồ, quân Minh sang đánh chiếm nước ta và đặt ách cai trị rất hà khắc. Tại vùng Mương Xiêng Men (tức vùng trung tâm huyện Hội Nguyên ngày xưa) chúng đã dựng đồn để vơ vét vàng của nhân dân. Ngoài ra chúng còn làm một con đường đi từ vùng Khe Bố tới trung tâm huyện Hội Nguyên để dễ bề kéo quân đến đàn áp nhân dân. Lúc này nhân dân Mương Xiêng Men (nhân dân các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh, Yên Thắng) đi theo một tù trưởng trong vùng đứng lên chống lại quân giặc nhưng bị thất bại. Để tưởng nhớ công lao của vị tù trưởng này, nhân dân đã lập đền thờ, đền đó gọi là đền Tường, ở bản Xiêng Líp xã Yên Hòa ngày nay.

Thứ ba, theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của triều đình nhà Nguyễn cho biết mỏ vàng Hội Nguyên ở tỉnh Nghệ An: Minh Mạng năm thứ 9 (1828) theo lời tâu, chuẩn cho người nước Thanh (Trung Quốc) là bọn Hoàng Ngũ Ký chiêu mộ 100 người, bỏ tiền vốn làm xưởng lập nên mỏ Hội Nguyên, cả năm phải nộp 10 lạng vàng 9 tuổi. Năm thứ 11 (1830), khám lại cho khai để lấy, số vàng lấy được không được bao nhiêu, về ngạch thuế cho dựa theo lệ và trưng thu”. Tiếp đó, cũng sách này có đoạn viết: “lại tâu Hoàng Ngũ Ký trốn mất, mỏ ấy bỏ hoang, miễn trừ thuế lệ”.

Như vậy, người Tàu từng đến làm ăn sinh sống ở vùng Hội Nguyên, tuy nhiên để khẳng định những ngôi mộ này là của ai vẫn cần phải nghiên cứu thêm./.

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ bí những ngôi mộ đá trên dòng Hội Nguyên" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.