Kon Tum: Rừng xanh Đăk Ang chảy máu!

20/01/2015 16:17

Theo dõi trên

Khu vực rừng xã Đắk Ang, nằm giáp ranh giữa ba huyện Ngọc Hồi - Tu Mơ Rông - Đắk Tô (Kon Tum) bị đốn hạ một cách không thương tiếc, những cánh rừng bạt ngàn trước đây giờ chỉ còn là những ngon đồi trống trơ trụi. Các cơ quan chức năng bảo vệ rừng gần như bất lực.



Những khúc gỗ đã được lâm tặc đốn hạ 

Đại công trường phá rừng

Anh Nguyễn Văn N. - lâm tặc “thổ địa” đã bỏ nghề dẫn lối đi còn mới in dấu chân trâu kéo gổ đi từ xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi) đến địa phận rừng thuộc xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi. 

Vừa đến bìa rừng, điều đầu tiên dễ dàng nhận ra là la liệt những cây gỗ đã bị đốn hạ chỉ còn trơ lại gốc. Tại đây, tiếng gầm rú của cưa máy vang lên văng vẳng, xen kẽ là tiếng rầm rầm của những cây gổ lớn bị “hạ sát” đổ xuống. 

Ập vào trước mắt là một khoảng rừng bị chặt phẳng hàng ngàn m2, nhiều gốc cây đường kính lớn - nhỏ đường kính từ 20cm - 60cm bị chặt từ những ngày trước nhựa đã khô lại.

Dọc theo con đường mòn nhỏ mà chỉ có con “xe máy độ ba càng” (không mang, không đèn, bánh được quấn xích chặt để leo núi) của cánh lâm tặc chuyên vận chuyển gổ chạy dọc các quả đồi từ huyện Đắk Tô - Đắk Glei, dấu vết những “xe độ” chở gỗ vẫn còn mới nguyên. Dọc hai bên đường là những đường “xương cá” dẫn vào nơi có những cây gỗ bị khai thác. 

Anh N. cho biết, những cây gỗ sau khi được chặt hạ thì sẽ được xẻ thành từng hộp tại chỗ rồi cho trâu kéo tập kết thành bãi ở con đường này, sau đó lâm tặc sẽ dùng các “xe máy độ” vận chuyển xuống địa điểm thuận lợi để những chiếc xe tải vận chuyển đi. 

Nói về việc lâm tặc mở đường lên kéo gỗ, ông Vũ Văn Tình, hạt phó Hạt Kiểm Lâm Ngọc Hồi qua những lần đi kiểm tra tại địa bàn thừa nhận: “Ở đây đường xe độ thì nhiều, không có đường cũng tự mở đường”.

Trong vai những người đi mua gỗ về làm bộ ngựa, nhóm phóng viên được một lâm tặc dẫn vào bãi tập kết gỗ. 

Ngay bên bờ suối Đắk Nít, các trung tâm xã Đắk Sao (huyện Tu Mơ Rông) chừng 2km là bãi tập kết vẫn còn mấy hộp gỗ chưa kịp chuyển đi. “Nếu anh mua, em sẽ vận chuyển tới bãi này rồi anh cho xe vào bốc đi”, lâm tặc này nói. 

Lâm tặc này kể tiếp: “Ở xã Đắk Sao này trước đây có nhiều người làm gỗ lắm, nhưng hiện nay chỉ còn mấy chủ lớn như nhà Đ.N, nhà M.M, nhà T.V. thôi. Trong đó, nhà Đ.N có quy mô, nuôi nhiều người làm nhất.”. Anh này cũng cho biết thêm: “Ở Đắk Sao làm gì còn gỗ, tất cả bọn họ đều phải sang Đắk Ang khai thác mang về”.

Dẫn chúng tôi tới bãi gỗ hộp có đường kính từ 30 x 40cm, 40 x 60cm với đủ các chiều dài từ 2,5 - 3m, lâm tặc này nói: “Loại đường kính cỡ 1 mét giờ hiếm lắm, nhưng loại đường kính 80 cm thì vẫn còn”, nói rồi lâm tặc tiếp tục dẫn chúng tôi đến một chỗ khác có hai khúc gỗ đường kính chừng hơn 1 mét đang nằm kẹt trong một khe núi rồi nói: “Đây là hai khúc gỗ sao cát, đường kính hơn 1 mét, dài 3 mét. Ngày bữa em hạ mà nó kẹt chưa sẻ được. Nếu anh thấy ưng thì em tìm cách lấy ra”.

Khi chúng đặt câu hỏi làm sao đưa gỗ xuống TP Kon Tum khi dọc theo tỉnh lộ 678 từ xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông tới huyện Đắk Tô đã có hai trạm kiểm lâm và một chốt liên ngành đặt tại xã Kon Đào (huyện Đắk Tô)? Lâm tặc này tả lời: “Chung chi!”?

Trốn tránh báo chí, không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh?

Qua trao đổi với PV về tình hình phá rừng tại khu vực rừng xã Đăk Ang, ông Võ Thanh Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết, khu vực được phản ánh thuộc tiểu khu 147,146,144 xã Đắk Ang, thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Ang. “Khi quản lý không nổi Ban quản lý sẽ đề nghị bằng văn bản để lực lượng chức năng vào cuộc. Nhưng cả năm nay không thấy có văn bản nào”, ông Thành nói. 

Chiều 14/1, liên hệ đặt lịch làm việc qua điện thoại với ông Vũ Đình Chi, Trưởng Bản quản lý rừng phòng hộ Đắk Ang để làm việc về những nội dung trên thì ông Chi thẳng thừng: “Ngày mai tôi họp nội chính, ngày mốt tôi cũng họp không có thời gian để tiếp anh”.

Trong hai ngày 14, 15/1, liên hệ làm việc với ông Nguyễn Mạnh Vũ, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Đắk Tô để làm việc về tình trạng vận chuyển gỗ qua địa bàn nhưng được cán bộ tại Hạt thông báo ông không có ở cơ quan, liên hệ qua điện thoại nhưng ông không bắt máy. 

Vừa qua, Ban tuyên giáo tỉnh Kon Tum đã đề nghị báo chí liên hệ với các cơ quan chức năng để có thông tin đầy đủ, tránh tình trạng phản ánh sai lệch. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các PV khi tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị từ chối, gây khó dễ. 


Liên quan đến việc dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum bị ngưng trệ do đối tác là liên danh nhà thầu Trung Quốc là Viện Hoa Đông và Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Cty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 ngừng thi công, không thực hiện theo đúng hợp đồng mà trước đó chúng tôi đã phản ánh, đại diện Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, chủ đầu tư dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum cho biết họ vừa hoàn tất hồ sơ khởi kiện nhà thầu ra trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC)

Trước đó, Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đầu tư năm 2006, với công suất lắp máy 220 MW. Dự án được khởi công vào tháng 9/2009, với tổng vốn đầu tư hơn 5.744 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào quý 3/2013 và đưa vào vận hành cả 2 tổ máy vào năm 2014. Dự án sẽ cấp điện thương phẩm vào năm 2015. Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã ký hợp đồng gói thầu (TKT - 4.2.1) Thiết kế và xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum, với Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18. Nhà thầu Trung Quốc đã trúng gói thầu trên với giá 1.614 tỷ đồng, rẻ hơn một nửa so với giá nhà thầu khác đưa ra. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, nhà thầu đã chậm tiến độ trên tất cả các hạng mục, cùng với đó họ liên tục yêu sách, viện đủ lý do để đòi thêm hơn 800 tỷ đồng.


Ngọc Tân - Nam Hoàng

Bạn đang đọc bài viết "Kon Tum: Rừng xanh Đăk Ang chảy máu!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.