Kinh doanh theo kiểu “tay ngang”

08/10/2016 16:49

Theo dõi trên

Theo quy định của pháp luật, người dân được kinh doanh tất cả các ngành hàng mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên trên thực tế, để sống được với ngành nghề kinh doanh không hề là chuyện đơn giản với bất cứ ai, nhất là trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Việc không ít người cứ “nhắm mắt” mở cửa hàng này, quán nhậu nọ mà không có sự cân nhắc thận trọng về điều kiện, thực lực của mình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.


Đường Đào Duy Từ được gọi là “phố cà phê” ở thành phố Đông Hà

Kinh doanh thua lỗ mặt hàng chăn ga gối đệm, vợ chồng anh H. chuyển sang nghề bán bún. Lấy thương hiệu của một người bà con ở thị xã Quảng Trị, anh H. đặt tên quán là bún X.H 2. Tất nhiên để mở được quán bún, anh cũng học lỏm được từ người bà con vài bí quyết. Quán được mở ở một vị trí khá thuận lợi, giá bán cũng phải chăng nhưng hiếm ngày nào nồi bún của vợ chồng anh vơi đi một nửa. Tìm hiểu một số quán thấy ngày bán vài chục cân bún, trong khi quán của vợ chồng anh chỉ bán có vài cân khiến anh H. càng thêm nóng ruột. Buôn bán ế ẩm, vợ anh H. đi xem bói thì được thầy phán do vị trí đất đó không hợp tuổi chồng nên anh H. phải chọn địa điểm khác nhưng tình hình buôn bán ở điểm mới vẫn không khả quan. Đang trong lúc bế tắc, có người tư vấn quán nhậu bình dân hiện đang lên ngôi nên anh H. chuyển hướng. Trước khi mở quán, anh có đi tham khảo một vòng quanh thành phố, thấy đúng là quán nhậu nào cũng đông khách thật. Vậy là vợ chồng anh lại quyết định dẹp quán bún để mở quán nhậu, đồng thời đổi tên quán với mục đích “bỏ cũ, nghênh mới” hy vọng may mắn sẽ đến. Tuy là quán nhậu bình dân nhưng số tiền đầu tư ban đầu không ít, trong khi đó việc mở quán bún ế ẩm khiến anh H. bị lỗ một số vốn. Vay nóng vài chục triệu đồng cộng với mượn người thân, cuối cùng vợ chồng anh cũng mở được quán nhậu. Để tiết kiệm tối đa chi phí, anh H. là chủ quán kiêm luôn đầu bếp, vợ là người phục vụ. Thực đơn tham khảo từ các quán khác lên đến hai chục món nhưng thực ra chỉ phục vụ khách được 3-5 món. Vì là đầu bếp tay ngang nên có hôm khách chê nhạt, hôm thì chê mặn, người phục vụ không có nên khách đợi dài cổ vẫn không có món nào dọn lên. Khách đến quán thưa thớt dần, rồi vắng hẳn. Có ngày mở quán mà không đón được một người khách nào. Hàng hóa mua về để lâu trong tủ lạnh nên khi chế biến lại càng thiếu hấp dẫn, khách càng chê. Tiếp tục mở quán thì đối mặt với tình trạng ế ẩm, đóng quán thì nợ nần càng chồng chất trong khi phải nuôi con nhỏ ăn học khiến vợ chồng anh H. rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Trong khi không có việc làm ổn định, chị B. quyết định vay ngân hàng 500 triệu đồng mở quán nhậu. Chị thuê mặt bằng một tháng phải trả 10 triệu, đầu tư xây một quán nhậu khá khang trang, thiết kế bắt mắt; thuê đầu bếp với giá 10 triệu đồng/tháng cùng 5 nhân viên phục vụ. Đầu tư bài bản là thế, khách đến quán cũng tương đối đông nhưng tính ra lời lãi không đáng là bao. Hàng tháng chị B. phải trả lãi ngân hàng, tiền thuê mặt bằng, tiền trả nhân viên ngót nghét 50 triệu đồng nên chỉ cần quán vắng khách là cả chủ lẫn nhân viên lo ngay ngáy. Chung tình cảnh như anh H., chị B. không phải là hiếm.

“Một mét vuông mười quán nhậu” là cách nhiều người ví von trước thực tế quá nhiều quán nhậu mở ra như hiện nay, từ bình dân đến cao cấp. Chưa kể rất nhiều quán ăn vặt, ăn sáng thi nhau mọc lên như nấm. Quán cà phê cũng vậy. Cứ khoảng dăm bữa nửa tháng đi lại trên một con phố nào đấy là thấy mọc lên một quán cà phê mới, nhất là các quán cà phê có quy mô đầu tư nhỏ, vừa. Một chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ chia sẻ: “Không phải ai kinh doanh cà phê cũng đều thành công. Không hiếm quán cà phê ra đời theo kiểu “sớm mở tối tàn” vì không lường trước mọi khó khăn trước khi bắt tay vào cuộc. Người ta thường quan niệm các quán lớn, sân vườn rộng, không gian đẹp mới có thể thu hút khách nhưng trên thực tế không hẳn vậy. Muốn thu hút khách cần nhiều yếu tố, trong đó thức uống và thái độ phục vụ là yếu tố quan trọng để giữ chân khách”.

Chị N., chủ một quán cà phê-bi da cho biết: “Lúc đầu có ý định mở quán, tôi vấp phải sự phản đối của nhiều người. Ai cũng cho rằng với việc các quán cà phê mở ra như nấm hiện nay sẽ rất dễ đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên tôi đã nghiên cứu khá kỹ về đối tượng khách hàng của mình, địa điểm cũng như việc kết hợp 2 trong 1 giữa cà phê với câu lạc bộ bi da. Đến nay, quán của tôi hoạt động tương đối ổn, lượng khách duy trì đều đặn”.

Thực tế cho thấy, kinh doanh mặt hàng nào cũng phải bỏ vốn do đó rất cần lượng khách ổn định. Nếu cửa hàng không có khách dẫn đến không có nguồn thu trong khi đó các khoản chi phí như tiền điện, tiền ăn, tiền lương nhân viên lại không thể giảm. Vì thế nhiều người thuê mặt bằng để mở quán hay kinh doanh bằng nguồn vốn vay mượn rất dễ đổ nợ. Bên cạnh đó, việc kinh doanh, nhất là kinh doanh ở lĩnh vực ăn uống, giải trí cũng phải “có duyên” chứ không phải người ta làm được thì mình chắc chắn cũng làm được. Điều này càng không thể đối với những người kinh doanh theo kiểu “tay ngang”, không có chút am hiểu về ngành nghề mình muốn tham gia.

Việc kinh doanh quán nhậu, quán cà phê hay các cửa hàng ăn uống khác, nhìn ngoài thì thấy đơn giản, thấy khách hàng lúc nào đông đúc nhưng kỳ thực, khi bắt tay vào kinh doanh mới thấy hết những khó khăn. Nhiều quán tháng này mở ra có tên khác, tháng sau lại thấy đóng cửa hoặc chuyển giao cho chủ khác để rồi tiếp tục đóng cửa. Trên thực tế, việc kinh doanh không phải lúc nào có gan là làm giàu được, kinh doanh theo phong trào thì cơ hội làm giàu lại càng khó. Điều mà nhiều người theo nghề và trụ được với nghề khuyên đó là làm bất cứ điều gì cũng cần phải có kế hoạch dài hơi, có đầu óc phán đoán và phân tích thị trường cũng như sự kiên nhẫn, chịu khó thì mới thành công.

(Theo Báo Quảng Trị)

Hoài Nam
Bạn đang đọc bài viết "Kinh doanh theo kiểu “tay ngang”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.